Kinh tế

Bộ Công thương lên tiếng về việc liên tiếp phải giải cứu nông sản

Thịt heo được giải cứu không đáng kể so với lượng tồn. Giải pháp nào cho tình trạng liên tục phải giải cứu sản phẩm của nông dân vẫn là câu hỏi lớn.

Thịt heo được giải cứu không đáng kể so với lượng tồn. Giải pháp nào cho tình trạng liên tục phải giải cứu sản phẩm của nông dân vẫn là câu hỏi lớn.

Ông Nguyễn Lộc An - Ảnh: CTV

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lộc An - phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - nói:

- Về nguyên tắc, ngoài các mặt hàng do Nhà nước quản lý, mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, hầu hết các mặt hàng nông sản nói chung, dưa hấu, thịt heo... lưu thông trên thị trường do cung cầu quyết định, kể cả về giá. Nhà nước không tham gia trực tiếp quá trình mua bán trên thị trường.

Do nhỏ lẻ, phân tán...

* Về câu chuyện giải cứu, Thủ tướng mới đặt ra câu hỏi “Hết dưa hấu đến thịt heo, tới đây còn gì nữa?”. Phải chăng cơ quan chức năng chưa thực sự phối hợp tốt?

- Ở VN, cơ bản sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ và lạc hậu nên hoạt động thu mua của thương nhân cũng nhỏ lẻ, phân tán. Phần lớn sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thông qua hợp đồng miệng, chỉ khoảng 10% được tiêu thụ qua hợp đồng chính thức, vì vậy rủi ro dễ xảy ra.

Bên cạnh đó, sản xuất còn phân tán, chưa theo tín hiệu thị trường, chưa lấy doanh nghiệp tiêu thụ làm hạt nhân nên hiện tượng được mùa rớt giá vẫn diễn ra. Nếu vẫn sản xuất như hiện nay, tình trạng dư cung như vừa qua xảy ra, giải pháp tức thời vẫn là giải cứu.

Đã nỗ lực

* Từ thực tế giải cứu liên tục vừa qua, với vai trò quản lý, điều hành thị trường ở khâu tiêu thụ và phân phối, Bộ Công thương có những giải pháp gì?

- Thời gian qua, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực thúc đẩy sản xuất, mở rộng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Với vai trò quản lý lưu thông hàng hóa, Bộ Công thương đã có nhiều giải pháp như: xây dựng, triển khai các chính sách về phát triển hạ tầng thương mại, chợ, logistics; đàm phán mở cửa và đa dạng hóa thị trường, kết nối cung cầu... Sau ba năm thực hiện đã có khoảng 3.000 hợp đồng được ký kết, riêng năm 2015 đã có 1.560 hợp đồng, doanh thu hai chiều đạt gần 30.000 tỉ đồng.

* Định hướng chính thời gian tới để giải quyết bất cập tiêu thụ nông sản là gì, thưa ông?

- Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã thống nhất ký bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác giữa hai bộ để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016 - 2020. Từ đó, Bộ Công thương đã cụ thể hóa kế hoạch triển khai nhằm tháo gỡ rào cản và hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong sáu tháng đầu năm 2017 và cả năm 2017... Trong đó từng nhiệm vụ được giao chi tiết cho các đơn vị thuộc hai bộ.

Bộ Công thương lên tiếng về việc liên tiếp phải giải cứu nông sản

Dù được giải cứu nhưng tồn đọng heo trong dân vẫn còn nhiều. Trong ảnh: một hộ chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp Phú Trung, xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đặt hàng Bộ NN&PTNT

* Nhưng cách làm phải khác, nếu không sẽ vẫn như cũ?

- Để đảm bảo sản xuất bền vững, tiêu thụ ổn định thì về lâu dài, Bộ Công thương đề nghị Bộ NN&PTNT cần tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các doanh nghiệp thu mua chế biến lớn và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Điều này sẽ hỗ trợ Bộ Công thương trong đàm phán mở rộng thị trường.

Việc chỉ đạo sản xuất, nuôi trồng cũng phải gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh việc ký kết các hiệp định về kiểm dịch để các mặt hàng thực phẩm tươi sống VN nhập khẩu được vào các nước, vùng lãnh thổ.

Rất mong Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương tiếp tục đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường xuất khẩu cho nông sản, đặc biệt là mặt hàng thịt heo VN sang các thị trường Philippines, Singapore...

Bình Định dồn toàn lực giải cứu thịt heo

Tại buổi họp bàn giải pháp hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi heo ngày 8-5, ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương dừng tất cả những việc chưa cần thiết, tập trung toàn lực giải cứu heo tồn giúp dân, xem đây là nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị.

Hiện tổng đàn heo của Bình Định khoảng 850.000 con, đến nay còn hơn 41.000 tấn thịt heo tồn trong dân. Số nợ của các hộ chăn nuôi heo tại các ngân hàng ở Bình Định tính đến cuối tháng 4-2017 là hơn 630 tỉ đồng.Trường An

 

“Chỉ khi nào tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô, gắn với thương mại trong, ngoài nước theo hướng hiện đại, thành chuỗi liên kết bốn nhà mới giải quyết được câu chuyện phải giải cứu

Ông Nguyễn Lộc An

Theo Ngọc An (Tuổi Trẻ)