Kinh tế

Bitcoin đóng vai trò gì trong vụ lừa đảo 15.000 tỷ đồng?

Hệ thống iFan hứa gì với người tham gia tiền ảo đa cấp?

Trong hệ thống của iFan, các khách hàng dùng tiền USD để mua Bitcoin, Ethereum rồi dùng chính đồng tiền số này mua iFan. Sức tăng giá và lãi của iFan được đảm bảo bằng sự tăng trưởng của Bitcoin trên thị trường tiền số.

Bitcoin đóng vai trò gì trong vụ lừa đảo 15.000 tỷ đồng?

Tiền ảo đa cấp iFan

iFan được định nghĩa là đồng tiền số tích điểm cho các ứng dụng liên quan đến showbiz, được định giá bằng giá trị của các sao trong ngành giải trí. Khi ra mắt, đồng tiền này được hứa hẹn sẽ tăng giá liên tục nhờ vào độ hot của những cái tên bảo chứng, như Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, MC Kỳ Duyên.

Thực tế, iFan được xây dựng trên nguyên lý đa cấp, với sức tăng và tiền lãi dành cho nhà đầu tư ban đầu được đảm bảo bằng sự tăng trưởng của một đồng tiền số cơ sở. Cụ thể, khách hàng dùng đồng Bitcoin hoặc Ethereum để mua số lượng iFan tương ứng theo giá của từng gói iFan, được niêm yết bởi Modern Tech, dao động từ 0,08 USD đến 6,4 USD.

Tương tự như Bitconnect, Hextracoin, Lendconnect..., khách hàng mua iFan có hai lựa chọn đầu tư: một là nắm giữ đồng iFan để chờ tăng giá và bán lại; hai là lending và nhận lãi hàng tháng. Mức lãi nhận hàng tháng thường đạt 48%, tức là khách hàng có thể hoàn vốn chỉ sau 2-4 tháng tham gia hệ thống.

Bitcoin đóng vai trò gì trong vụ lừa đảo 15.000 tỷ đồng? - 1
Buổi quảng bá rầm rộ của iFan trước hàng trăm nhà đầu tư vào tháng 10/2017.

Luôn tăng giá và cái chết của lòng tham

Modern Tech ra đời từ tháng 10/2017, tồn tại đến tháng 3/2018, trước khi biến mất cùng số tiền lừa đảo được cho lên tới 15.000 tỷ đồng với 32.000 nạn nhân. Điều đáng nói, rất nhiều trong số những nạn nhân của vụ lừa đảo này là những nhà đầu tư sành sỏi, những người đã có hiểu biết nhất định về thị trường tiền số.

Vậy, sai lầm đến từ đâu?

Tương tự như Bitconnect, Hextracoin, Lendconnect..., iFan có một khoảng thời gian dài tăng giá mạnh mẽ. Sự tăng giá này được hỗ trợ bởi hai yếu tố: Giá của Bitcoin trên thị trường tiền số và nguyên tắc cung - cầu.

Từ tháng 10/2017 đến tháng 1/2018, Bitcoin liên tục đạt mốc đỉnh cao lịch sử. Có lúc, giá trị của đồng tiền số này chạm ngưỡng 20.000 USD, tăng gấp 10 lần chỉ trong một thời gian ngắn. Những khách hàng lựa chọn lending iFan và nhận lãi trong khoảng thời gian này hẳn đã thu được số tiền lớn (dù chỉ là con số hiện trên tài khoản), đẩy niềm tin vào đồng tiền ảo đa cấp lên cao.

Các nhà đầu tư đầu tiên của iFan nhận tiền lãi như cam kết sẽ có khuynh hướng chia sẻ thông tin cho bạn bè, người thân để mua vào, khiến cầu về iFan tăng mạnh. Cơn sốt ảo được hình thành, người mua sau đổ tiền nhiều hơn người trước, sẵn sàng ra mức giá cao hơn để được nhận chuyển nhượng thứ cấp, đồng thời cũng trở thành người trả lãi cho nhóm nhà đầu tư ban đầu, biến tướng từ lending sang ponzi.

Từ đây, các quản lý chuỗi đa cấp - cũng là người tự tạo ra gói iFan - liên tục đóng vai người bán và người mua, đẩy hàng để tạo thanh khoản. Khi đến mức giá nhất định và nhận ra thị trường Bitcoin đã rơi vào thoái trào, các quản lý chuỗi bán tất tay toàn bộ số iFan và thoát khỏi hệ thống.

Không còn sự hỗ trợ từ mức tăng giá của đồng tiền cơ sở, không còn người đóng vai cung ứng thanh khoản, những khách hàng tham gia vào mạng lưới này cầm trong tay đồng tiền không còn giá trị, được gọi là những "coin rác". Hệ thống sập cùng với hàng tỷ tiền đầu tư của các khách hàng tham gia mạng lưới.

Cánh cửa để khởi tố?

Anh Nguyễn Văn V., một nhà đầu tư Bitcoin nhiều năm tại Việt Nam thừa nhận, phần lớn người Việt không hiểu về các đồng tiền số và chỉ đầu tư theo lời kêu gọi từ bạn bè, người thân, thậm chí từ chính lòng tham của mình.

"Nếu ai đó thấy bạn mình ngày hôm nay cầm vài đồng Bitconnect, ngày mai đã có số lãi đủ mua một chiếc xe hơi, thì sẽ rất khó kiềm chế được lòng tham của mình".

Tuy nhiên, không phải ai tham gia vào iFan cũng là những tay "gà mờ". Không ít người trong số đó là những nhà đầu tư tiền ảo thành công. Khi iFan sập, chính họ cũng hiểu cánh cửa cho việc tìm lại công lý trên tòa án thông qua một vụ kiện là rất khó khăn.

"Khi bạn bỏ tiền để mua Bitcoin với mục đích được sở hữu đồng iFan, thì bạn đã tham gia vào một thị trường không được pháp luật bảo vệ. Phần lớn chúng tôi đều hiểu rằng bản thân phải tự chấp nhận những rủi ro về đạo đức của đối tác, vì chúng tôi, theo một nghĩa nào đó, đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trước".

Dẫu vậy, theo anh V., với trường hợp của iFan, một số bạn bè của anh cho biết họ đã được dụ dỗ vào hệ thống bằng cách mua đồng tiền ảo đa cấp bằng USD thay vì mua bằng Bitcoin. "Nếu chứng minh được điều này, vụ kiện có thể sẽ chuyển hướng khác đi".

Theo Lam Thiên (Nhipsongkinhte.vn)