Kinh tế

Bất ngờ thiếu than, cả nước lo mất điện

Các nhà máy nhiệt điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017 là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà máy thiếu than.

Lỗi tại nhiệt điện dùng nhiều than hơn dự kiến?

Tại cuộc họp báo chiều 28/11, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã giải thích lý do khiến nhiều nhà máy nhiệt điện ở phía Bắc thiếu than, phải dừng hoạt động một số tổ máy.

Ông Nguyễn Hoàng Trung cho hay: TKV xây đựng kế hoạch năm 2018 với sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao.

Bất ngờ thiếu than, cả nước lo mất điện
Nhu cầu than cho nhiệt điện đang tăng cao hơn năm 2017. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính là do tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh. Các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017.

Ngoài ra, theo lãnh đạo TKV, giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/tấn tuỳ chủng loại. Điều này dẫn tới các hộ tiêu thụ như: điện, xi măng, hoá chất, thép chuyển sang mua than từ TKV dẫn đến cung cầu thay đổi nhanh.

"Các yếu tố này làm cho nhu cầu than tăng đột biến so với kế hoạch", tập đoàn cho hay.

Bên cạnh đó, việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng loạt cùng một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đã gây rất nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp.

Nói về giải pháp, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết TKV đã triển khai nhiều biện pháp như huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; khẩn trương nhập khẩu (trên 0,5 triệu tấn than các loại) để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ, trong đó đặc biệt là Nhiệt điện Thái Bình 1.

Ngoài ra, TKV cũng điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất thêm 1,5 triệu tấn than nguyên khai.

"Đến nay, Tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch tiêu thụ năm 2018 Hội đồng thành viên đã giao. Đối với than cung cấp cho sản xuất điện, tập đoàn thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký kết với các Nhà máy điện", đại diện TKV nói.

Bất ngờ thiếu than, cả nước lo mất điện - 1
Than trong nước không đủ phục vụ các nhà máy nhiệt điện.

Lo ngại tình trạng thiếu than tái diễn năm 2019

Dự kiến sản lượng than tiêu thụ của TKV năm 2018 là 40 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm và tăng 4,4 triệu tấn so với cùng kỳ 2017. Trong đó, than cho điện là 29 triệu tấn tăng 5,4 triệu so với thực hiện 2017 (con số vượt này tương đương với sản lượng của 3 mỏ than).

Dự báo, nhu cầu tiêu thụ than của các hộ sử dụng trong nước năm 2019 đối với nguồn than do TKV cung cấp sẽ tiếp tục tăng cao. Theo tính toán của EVN, riêng nhu cầu than cho các hộ điện là 38,3 triệu tấn.

TKV dự kiến kế hoạch tiêu thụ than năm 2019 là 40 triệu tấn, trong đó cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện năm 2019 là 31,9 triệu tấn (kể cả phần nhập khẩu 4 triệu tấn để pha trộn).

Năm 2019, trên cơ sở năng lực sản xuất theo các giấy phép khai thác than hiện có, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than đảm bảo tiêu chuẩn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Lãnh đạo TKV cũng đề cập đến các khó khăn của TKV khi thực hiện kế hoạch 2019, nhất là việc nhập khẩu, pha trộn than.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, nhu cầu than cho sản xuất điện thời gian qua biến động rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động các Nhà máy nhiệt điện chạy than.

Ví dụ: năm 2017, TKV cung cấp 23,6 triệu tấn than cho điện; năm 2018, than cho điện dự kiến trên 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn.

Trong trường hợp giảm huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than, lượng than tiêu thụ sẽ giảm rất mạnh. Do vậy, cần phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng kể cả trong trường hợp giảm phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư.

Ông Trung cũng lo ngại TKV bị lỗ nếu giá bán than cho điện tiếp tục thấp hơn giá thị trường, và thấp hơn nhiều so với giá than nhập khẩu, do đó cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV (và Tổng công ty Đông Bắc) chủ động tính toán phương án nhập khẩu đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy điện ngay từ đầu năm 2019.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)