Kinh tế

Bánh ăn kiêng tưng bừng thổi giá

Những phụ nữ thừa cân đang rộ lên trào lưu ăn kiêng khiến loại thực phẩm này trở nên “hót” và đắt gấp 10 lần giá thực phẩm cùng loại. Trong khi đó, hàng loạt cửa hàng buôn bán trực tuyến ra đời phục vụ cho nhu cầu này với thật - giả lẫn lộn.

Những phụ nữ thừa cân đang rộ lên trào lưu ăn kiêng khiến loại thực phẩm này trở nên “hót” và đắt gấp 10 lần giá thực phẩm cùng loại. Trong khi đó, hàng loạt cửa hàng buôn bán trực tuyến ra đời phục vụ cho nhu cầu này với thật - giả lẫn lộn.

Thức ăn kiêng được chào bán công khai nhộn nhịp trên trang mạng xã hội (ảnh mang tính chất minh họa).

Giá gấp 10 vẫn bán chạy

Ăn kiêng low-carb là phương pháp ăn giảm cân được Tiến sĩ người Mỹ Robert Atkins sáng tạo từ năm 1972. Đây là  phương pháp cho giảm cân nhanh khi cắt bỏ việc dung nạp phần rất lớn chất đường, bột, thay bằng chất đạm, chất béo và chất xơ trong khẩu phần ăn. Trào lưu giảm cân bằng phương pháp này đang lan rộng trên cộng đồng mạng, sôi động trên các diễn đàn.

Chỉ cần gõ từ khóa “đồ ăn low-carb” trên Google đã cho tới hàng chục nghìn kết quả. Theo đó, người có nhu cầu sẽ dễ dàng truy cập nhanh vào các cửa hàng bán đồ ăn kiêng trực tuyến. Sau vài cú nhấp chuột hay một cuộc điện thoại, sẽ có đồ ăn giao đến tận nhà.

Chị Lan, chủ cửa hàng bán đồ ăn kiêng ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, trào lưu ăn kiêng đầu tiên xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó, nhanh chóng lan rộng trên cộng đồng mạng và mới đây bùng phát ở Hà Nội. Hiện ngoài cửa hàng của chị Lan vẫn đang cạnh tranh với hàng chục cửa hàng online khác ở quận Đống Đa. Chị Lan cho biết, đồ ăn này đang ngày càng hút khách. Từ chỗ chỉ là một cửa hàng online nhỏ, chuyên nhận đặt món và giao hàng, chị đã thuê 2 nhân viên giao hàng tận nhà và mở địa điểm để khách tới ăn trực tiếp.

Cũng theo chủ cửa hàng này, món ăn được bán chạy nhất hiện nay là các loại bánh ngọt dành cho người kiêng đường bột. Bánh làm bằng trứng và bột hạnh nhân, đường ăn kiêng. Giá bột hạnh nhân khoảng 300.000 đồng/kg, đường ăn kiêng 800.000 đồng/kg, ngoài ra còn có bơ động vật, phô mai… Nguyên liệu đắt đỏ nên giá thành chiếc bánh dành cho người ăn kiêng luôn cao hơn hàng chục lần so với một chiếc bánh thường.

Thông tin chúng tôi thu nhận được từ thị trường, thức ăn kiêng như các loại bánh thông thường đang được các cửa hàng rao bán khoảng 50.000 đồng/cái, bánh bông lan phô mai 30.000 đồng/miếng, bánh tiramisu 150.000 đồng/cái, bánh sinh nhật loại nhỏ 300.000- 400.000 đồng/cái…

Một số cửa hàng online ra giá 1 kg bún ăn kiêng đến 180.000 đồng trong khi bún thường chỉ có giá 10.000 đồng/kg. Món ăn kiêng có giá cao hơn rất nhiều so với món ăn bình thường. Cửa hàng chị Lan có tới gần 60 món ăn, chiếm phần lớn là các món mặn, loại rẻ nhất 30.000 đồng/món, loại thông thường 50.000 đồng/món.

Ngoài cung cấp các món ăn, nhiều cửa hàng tại Hà Nội còn bán nguyên liệu để người tiêu dùng mua về tự chế biến món ăn kiêng. Chị Nguyễn Minh Thúy ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân chuyên cung cấp sỉ và lẻ nguyên liệu, thực phẩm low-carb cho biết, trước đây chị chỉ bán dụng cụ, nguyên liệu làm bánh. Nhu cầu ăn low-carb trong vài tháng trở lại đây ngày càng lớn, chị mạnh dạn nhập nguyên liệu về bán và đang bán rất chạy dù giá đắt đỏ.

Rủi ro chực chờ

Theo chia sẻ của nhiều khách hàng, không phải ai cũng may mắn gặp được cửa hàng uy tín giữa "chợ" đồ ăn kiêng tràn ngập trên mạng. Thực tế đi “chợ mạng” đồ ăn kiêng mới biết mỗi trang quảng cáo giới thiệu một kiểu, khiến khách như lạc vào ma trận đồ ăn.

Chị Lê Khánh Tâm, một người có nhu cầu ăn kiêng ở Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội) hoang mang: “Vào các trang mạng bán đồ ăn kiêng, tôi thường đọc comment của các khách hàng đã dùng rồi để tìm hiểu. Thông tin đều theo kiểu truyền miệng cho nhau, đọc "còm" chia sẻ tại các trang mạng và tìm mua, không có thẩm định của cơ quan chuyên môn nên không biết đâu là hàng thực”.

Chị Tâm cho biết, chị thường bị huyết áp cao, không vận động nhiều được nên đặt hy vọng giảm cân vào chế độ ăn uống. “Tháng 3 vừa rồi, tôi theo low-carb, bị tăng lên gần 3kg. Có lẽ vì mua phải đồ ăn trộn bột của người bán không uy tín. Tháng 5, vừa rồi chuyển sang cửa hàng ở Thái Hà thấy giảm gần trở về số cân ban đầu. Tháng 6 này, tôi đang theo nốt thức ăn mua ở cửa hàng này xem thế nào”, chị Tâm chia sẻ.

Trường hợp của chị H. ở Triều Khúc, Thanh Xuân là minh chứng cho sự rủi ro khi thực hiện chế độ ăn kiêng này. Một năm trước, chị H. ở TP. Hồ Chí Minh theo đuổi chế độ ăn kiêng. “Đầu năm 2015, mình chuyển ra Hà Nội sinh sống, khi đến nhà bạn ăn lẩu, tôi đã phá lệ bằng cách ăn một lượng rất nhỏ, nhưng khi về, tôi thấy đầy hơi và bị nôn thốc nôn tháo. Cho rằng chế độ ăn của mình không ổn, tôi không ăn kiêng và trở về với chế độ bình thường. Tuy nhiên, chứng đầy hơi xuất hiện nhiều đến mức tôi phải đi khám. Khi tôi trình bày chế độ ăn của mình, bác sĩ cho biết, cơ thể tôi đã ngừng sản xuất các enzym cần thiết để xử lý thức ăn thông thường. Sau nửa năm, trở lại ăn uống bình thường, nhưng bụng dạ không tốt như trước nữa, cơ thể thì rơi vào tình trạng suy nhược", chị H cho biết.

Dù chế độ ăn low-carb là trào lưu từ các nước phương Tây và hiệu quả của nó phần nào được công nhận. Tuy nhiên, ở một thị trường mà mặt hàng này chưa được kiểm nghiệm và vẫn được bán tràn ngập trên mạng xã hội. Rủi ro chực chờ những người theo đuổi chế độ ăn kiêng này, vì vậy người tiêu dùng cần cẩn trọng khi theo đuổi chế độ ăn kiêng nói trên.
 
Theo Hà Phương (Giadinh.net.vn)