Kinh tế

Bàn giao ‘ông lớn’ sở hữu hơn trăm nghìn tỷ về siêu ủy ban

Bộ Tài chính đã chính thức bàn giao SCIC - “ông lớn” sở hữu hàng trăm nghìn tỷ vốn tại các doanh nghiệp Việt về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Sáng 12/11, Bộ Tài chính đã chính thức bàn giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

SCIC chính là doanh nghiệp nắm giữ hàng trăm nghìn tỷ vốn điều lệ tại các doanh nghiệp Việt hiện nay thay cho Bộ Tài chính.

Đơn cử tại Vinamilk, SCIC đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ tới 36,01% vốn doanh nghiệp, lượng cổ phần này hiện có giá thị trường lên tới gần 73.000 tỷ đồng và là khoản vốn nắm giữ lớn nhất của doanh nghiệp này.

Ngoài ra, SCIC cũng đang sở hữu lượng vốn lớn tại Dược Hậu Giang (43,31%) có giá trị 4.800 tỷ; 57,71% vốn tại Vinaconex giá trị hơn 4.800 tỷ đồng đang được mang ra đấu giá hay 40,36% vốn tại Tổng Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam với giá thị trường vào khoảng 1.100 tỷ đồng…

Bàn giao ‘ông lớn’ sở hữu hơn trăm nghìn tỷ về siêu ủy ban

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018, SCIC hiện có vốn điều lệ lên tới 22.000 tỷ đồng, đây là số vốn thực góp trong tổng số vốn 50.000 tỷ đồng mà SCIC được phê duyệt theo Nghị định của Chính phủ. Tổng tài sản doanh nghiệp đến cùng kỳ đạt hơn 41.700 tỷ đồng và đang quản lý trên 100.000 tỷ vốn tại các doanh nghiệp Việt.

Cùng với SCIC, 18 “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước khác sẽ được chuyển giao về Siêu ủy ban quản lý. Ước tính, tổng tài sản của các doanh nghiệp trong danh mục lên tới 1,55 triệu tỷ đồng.

Trước đó, ngà 10/11, Bộ Công Thương cũng đã bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty mình phụ trách về Siêu ủy ban. Theo quy hoạch trước đó, Bộ Công Thương sẽ phải chuyển 7 đơn vị doanh nghiệp về Siêu ủy ban bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN (vốn điều lệ 281.500 tỷ); Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN (119.100 tỷ); Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam – TKV (vốn 34.350 tỷ); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem (vốn 11.900 tỷ); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (vốn 12.900 tỷ); Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam – Vinataba (vốn 7.160 tỷ) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – VRG (vốn 40.000 tỷ).

Chỉ tính riêng vốn điều lệ tại 7 doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương này đã lên tới gần 580.000 tỷ đồng.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hay còn được gọi là Siêu ủy ban được thành lập từ tháng 2 và ra mắt vào cuối tháng 9 vừa qua. Trước đó, Thủ tướng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban.

Đại diện phần vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp lớn và có thương hiệu mạnh của 4 Bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Thông tin Truyền thông sẽ chuyển từ những Bộ chủ quản này về đầu mối Ủy ban. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, cũng đưa về Ủy ban với nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn tại các doanh nghiệp nhà nước còn lại.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)