Kinh tế

Bà Phạm Chi Lan: Công chức lương thấp vẫn sống khỏe nên thiếu động lực cải cách

Theo bà Lan, tham nhũng phổ biến nên dù tiền lương thấp công chức vẫn sống khỏe, không thực sự có động lực cải cách tiền lương.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công là một đề án lớn, khó, phức tạp và nhạy cảm. Việc cải cách này nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tác động trực tiếp đến đời sống người lao động và chất lượng hoạt động công vụ. Trong bối cảnh hiện nay, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết.

Đề án cải cách tiền lương đã được chuẩn bị trong nhiều năm, nhưng đến nay  chưa thực hiện được. Theo bà, đâu là nguyên nhân?

- Những vấn đề về ngân sách, chi thường xuyên và bất cập của hệ thống tiền lương hiện hành khiến không thể trì hoãn việc cải cách chính sách tiền lương. Chi tiêu thường xuyên hiện chiếm gần 70% của chi ngân sách, trong đó 47% là chi lương. Chi như vậy mà vẫn không đủ nuôi công chức với một mức lương thỏa đáng, tôi nghĩ rất cần xem lại, nếu chúng ta thực sự cải cách được bộ máy thì sẽ có tiền lương tốt hơn, chi trả xứng đáng cho những người đang làm việc có năng suất, có hiệu quả thực sự.

Bà Phạm Chi Lan: Công chức lương thấp vẫn sống khỏe nên thiếu động lực cải cách
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: PV

Tuy nhiên thách thức vẫn còn, đó là tư duy về vai trò của nhà nước, mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội chưa thực sự thay đổi. Có những người còn bảo thủ lắm, vẫn muốn Nhà nước nắm nhiều công việc và chưa tin ở thị trường, chưa tin ở xã hội. 

Việc phân công, phân cấp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước còn bất hợp lý, chồng chéo nên thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình. Vì thiếu minh bạch nên không biết khâu nào là thừa, khâu nào là thiếu để làm cho thật tốt việc sắp xếp lại bộ máy, không biết ai làm tốt để xứng đáng hưởng lương cao hơn.

Bên cạnh đó, tệ quan liêu, nhũng nhiễu phổ biến, lâu ngày không bị trừng trị nên trở thành lợi ích lớn và không dễ từ bỏ. Hệ thống và thói quen quyết định tập thể, làm việc tập thể kéo dài tính kém hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đồng thời che lấp nhiều khiếm khuyết của bộ máy và công chức, làm cho bộ máy không ai chịu trách nhiệm.

Tệ nạn tham nhũng phổ biến khiến cho dù tiền lương chính thức thấp, nhưng công chức vẫn sống khỏe và không thực sự có động lực muốn cải cách hệ thống tiền lương. Tôi nói thật là ai mong muốn cải cách tiền lương thì thường là những người có năng suất cao, làm việc giỏi, mong muốn cải cách để họ hưởng xứng đáng hơn.

Cuối cùng là cách thức tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thăng tiến, sa thải không tạo áp lực và động lực cho việc cải cách chính sách tiền lương ngay trong bộ máy. Nói thực, xã hội và những người đóng thuế rất bức xúc nhưng không có quyền lực và tiếng nói thực sự để tác động vào hệ thống. Vì vậy, tất cả phải là từ bên trong bản thân bộ máy có động lực mạnh để cải cách thì mới có thể thực hiện được.

- Bà nghĩ sao về ý kiến do kinh tế của nước ta còn khó khăn nên không thể cải cách tiền lương?

- Kinh tế càng khó khăn càng cần phải cải cách. Tại sao khó khăn? Vì bộ máy vận hành kém. Cả xã hội, doanh nghiệp năng động như vậy, biết bao nguồn vốn đầu tư mà đất nước không được phát triển như mong muốn thì cái đó là bất ổn do hệ điều hành. Hiện nay, khu vực kém hiệu quả nhất là khu vực nhà nước, tiền công, đầu tư công, chi tiêu công, hệ thống ngân hàng có sự can thiệp của nhà nước.

Không thể đổ lỗi cho việc không có nguồn để cải cách tiền lương được. Hiện nay nguồn đổ vào cho tiền lương đã quá lớn. Tất cả con số Quốc hội đưa ra đã nói rõ điều này. 

Nhưng vì tiền lương đó chia ra cho một bộ máy quá lớn, cuối cùng thu nhập mỗi người từ lương rất nhỏ. Trong khi đó, có quá nhiều thất thoát, lãng phí trong chi thường xuyên khác. Các chuyên gia họ nói tiền lương danh nghĩa của Việt Nam quá thấp nhưng phụ cấp quá nhiều, thành ra công chức có sống nhờ vào lương đâu, phần phụ trở thành phần chính. Tôi cho rằng rất cần tiền lương hoá tất cả phụ cấp để làm rõ thực chất thu nhập là bao nhiêu, nguồn phụ cấp ở đâu ra.

- Vậy theo bà để thực hiện được cải cách tiền lương thì phải bắt đầu từ đâu?

- Vấn đề lớn nhất là quyết tâm chính trị của cả hệ thống. Lãnh đạo quyết tâm cao nhưng thực hiện vẫn khó là vì lực cản từ bên trong. Những người giỏi họ mong muốn cải cách, thay đổi nhưng số người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không muốn cải cách như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói là 30%.

Cách tuyển dụng của chúng ta theo kiểu "nhất tiền tệ, nhì hậu duệ, ba quan hệ" thì không có được người giỏi, thực tâm vào nhà nước làm việc. Họ vào đấy là vì những động lực khác, họ đầu tư mua một ghế trong nhà nước để rồi có cách nào đó nhũng nhiễu hoặc có kênh nào đó để thu hồi lại vốn. Lực lượng đó không những không làm mà còn phá. Lực lượng đó đông như vậy thì không thể cải cách được vì chưa làm đã sợ khó.

- Bà nói rằng đã đến lúc phải thực hiện ngay cải cách tiền lương vì yêu cầu bức thiết của nó. Nếu tiếp tục trì trệ thì hậu quả thế nào, thưa bà?

- Đề án cải cách tiền lương đã được đưa ra hội nghị Trung ương khoá 11 nhưng nay chưa làm, chúng ta đã bỏ phí 5 năm. Cho nên rôi rất mong chúng ta thực hiện ngay từ nay đến 2020 để có bộ máy sẵn sàng bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ này, nếu không chúng ta sẽ quá muộn trong phát triển.

Hội nhập quốc tế hăng hái bao nhiêu, ký kết bao nhiêu cũng sẽ không thực hiện được với bộ máy trì trệ như thế này. Doanh nghiệp không phát triển được, tinh thần khởi nghiệp sẽ không thể vượt lên.

Bao nhiêu chính sách hay của nhà nước cũng không thành hiện thực được nếu như người thực thi muốn trước hết có lợi cho mình chứ không phải cho xã hội. Nếu từ nay đến 2020 vẫn loay hoay với bộ máy như thế này thì sẽ không đưa đất nước đi lên được và chính bộ máy này có tội với tương lai của đất nước.

Sáng 13/12, Hội thảo cải cách chính sách tiền lương - kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Căn cứ vào các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà quản lý và đại biểu tại hội thảo, ban soạn thảo và Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp. Đề án sẽ được trình Hội nghị trung ương 7 khoá XII vào tháng 5/2018.

Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)