Kinh tế

Ba liều tăng lực tỷ USD: Phá vỡ kỷ lục 10 năm

Dòng tiền tỷ USD và 3 cú huých trên thị trường chứng khoán đã giúp chỉ số VN-Index tăng vọt lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua.

Ba cú huých lịch sử

Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đang có những phiên tăng điểm bất ngờ chưa từng có trong vòng 1 thập kỷ qua. Chỉ số VN-Index tăng điểm dữ dội từ tuần giữa tháng 11 với hàng loạt cổ phiếu trụ cột vượt đỉnh lịch sử.

Sự kiện doanh nghiệp bán lẻ Vincom Retail (VRE) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng lên sàn hôm 6/11 và phiên đấu giá thoái vốn cổ phiếu Vinamilk (VNM) hôm 10/11 đã thổi bùng ngọn lửa âm ỉ trong nhiều tháng trước đó.

Trên thực tế, TTCK bắt đầu ấm trở lại từ năm 2016 với một mức tăng 14,8% trong năm đó. Thị trường khởi sắc từ đầu năm 2017 với sự góp mặt của nhiều cổ phiếu lớn như các tổng công ty vốn thuộc sở hữu của nhà nước: Sabeco, Habeco, ACV, Viglacera...

Ba liều tăng lực tỷ USD: Phá vỡ kỷ lục 10 năm

Hàng trăm ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu lên sàn từ cuối 2016 và tiếp tục bùng nổ đầu 2017 mang đến một sự lan tỏa về kỳ vọng rất lớn. Các đại gia thuộc xăng dầu, sân bay, bia,... ra mặt, mỗi đơn vị đều góp cho thị trường vài tỷ USD.

Chỉ riêng trong phiên đầu năm ngày 3/1, hai "ông lớn" Vietnam Airlines và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lên sàn với cả tỷ cổ phần được giao dịch, vốn hóa tổng cộng vài tỷ USD.

Cổ phiếu Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) đăng ký giao dịch hơn 538 triệu cổ phiếu với mã MCH ngay sau đó (5/1) với vốn hóa cũng hàng tỷ USD. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đưa hơn 564 triệu cổ phiếu giao dịch với vốn hóa cũng cả chục ngàn tỷ đồng.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex và CTCP Hàng không VietJet (Vietjet Air) cũng đưa hàng tỷ cổ phiếu lên sàn trong quý 1 với tổng vốn hóa nhiều tỷ USD.

Hàng tỷ USD đổ vào thị trường trong thời gian ngắn đã tạo nên những kỷ lục hồi đầu tháng 6. VN-Index bứt phá từ 664,87 điểm cuối năm 2016 lên vững chắc trên ngưỡng 700 điểm và nhanh chóng chinh phục ngưỡng 750 điểm. Giá trị giao dịch khi đó lên mức cao kỷ lục trong lịch sử, với bình quân giao dịch trong tháng 5 đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng (có những phiên lên tới 7 ngàn tỷ đồng), cao gấp khoảng 1,5-2 lần so với trung bình giao dịch 2016. Giá trị giao dịch gần đây tiếp tục tăng mạnh và có những phiên hơn 10 ngàn tỷ đồng.

TTCK đã rục rịch bùng nổ từ khá lâu nhưng thực sự bước vào giai đoạn rực rỡ từ giữa 2017 khi thị trường lên mức 800-820 điểm. Cú huých đầu mạnh mẽ đầu tiên đến từ cặp đôi ROS-SAB. Ngưỡng 800 điểm được hỗ trợ bởi chính cặp cổ phiếu này.

Cú đấu giá thành công cổ phiếu Vinamilk của bà Mai Kiều Liên hôm 10/11 ở mức giá cao kỷ lục: 186 ngàn đồng/cp với cú đầu tư cả tỷ USD đến từ khối ngoại đã nhanh chóng kéo cổ phiếu này và hàng loạt các cổ phiếu khác lên mạnh, qua đó giúp VN-Index chinh phục ngưỡng 850 điểm.

Cú huých thứ 3 giúp TTCK bất ngờ và dễ dàng vượt qua ngưỡng 900 điểm đến từ nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Bộ đôi cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup và VRE của CTCP Vincom Retail đồng loạt tăng trần nhiều phiên, trở thành đầu kéo chỉ số và tạo tâm lý hưng phấn trên thị trường.

Thập kỷ mới có: Tâm lý hưng phấn xuất hiện

Phiên giao dịch 20/11 chứng kiến cú bứt phá ngoạn mục với việc VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 900 điểm. Cùng với làn gió mát đến từ VIC và VRE của ông Phạm Nhật Vượng, hàng loạt cổ phiếu trụ cột khác như Sabeco, Vietcombank, VietJet, MWG,... đồng loạt lập đỉnh mới giúp VN-Index vượt ngưỡng 930 điểm.

Ba liều tăng lực tỷ USD: Phá vỡ kỷ lục 10 năm - 1

Cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng trần lên mức cao lịch sử 77.000 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) tăng vọt lên 52.300 đồng/cp. Ở mức giá này, Vingroup có vốn hóa khoảng 9 tỷ USD. Vinamilk hiện có vốn hóa khoảng 274 ngàn tỷ đồng (12 tỷ USD).

Trên thực tế, hàng loạt cổ phiếu trụ cột đã tăng rất mạnh, 1,5-2 lần so với đầu năm và được đánh giá đã đắt ngang ngửa, thậm chí đắt hơn so với khu vực (tính theo chỉ số P/E). Tuy nhiên, dòng vốn trong và ngoài nước vẫn đang đổ vào nhiều. Triển vọng đầu ngành của các cổ phiếu này vẫn đang hấp dẫn các NĐT.

Một điểm khác biệt so với đợt sôi sục 10 năm trước đây là dòng tiền hiện khá bền vững, thị trường phân hóa tăng giảm rõ rệt, niềm tin trên thị trường hiện rất lớn, trái với dòng tiền nóng và hiện tượng tâm lý bầy đàn bao phủ trên khắp thị trường trong giai đoạn 2007.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, cho biết, việc TTCK dễ dàng vượt ngưỡng 900 điểm là bất ngờ nhưng không quá ngạc nhiên bởi các cổ phiếu trụ cột hút dòng tiền và tăng giá mạnh.

Theo đó, nhiều cổ phiếu trụ cột được các NĐT tổ chức mua vào với khối lượng lớn như trường hợp Jardine Matheson (Hong Kong) bỏ ra hơn tỷ USD mua qua đầu giá và trên sàn gần đây đã khiến nguồn cung giảm mạnh. Nhiều cổ phiếu ở tình trạng cầu nhiều hơn cung nên việc tăng giá là tất yếu.

Theo ông Tuấn, thị trường vẫn khá tích cực. Nhóm trụ cột sẽ tăng và dừng lại khi về giá hợp lý. Dòng tiền sau đó sẽ lan tỏa xuống nhóm cổ phiếu mid-cap.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), cho rằng, TTCK đang phát ra những tín hiệu tích cực, tăng trưởng bền vững hơn rất nhiều so. 10 năm trước, thị trường tăng thì đa số các cổ phiếu tăng do hàng hóa quá ít. Còn giờ đây, thị trường tăng là do blue-chips. Các cổ phiếu yếu kém vẫn phân hóa và giảm đều.

Dòng vốn ngoại đổ dồn dập vào Vinamilk và nhiều DN khác cùng với khả năng sẽ chảy mạnh vào các cổ phiếu mà Việt Nam sắp thoái vốn như Sabeco, Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP),...

Sabeco hiện có trị giá khoảng 9 tỷ USD. Đây là “con gà đẻ trứng vàng”, một DN bia đầu ngành tại Việt Nam với khoảng 45% thị phần. Theo kế hoạch, Sabeco sẽ tổ chức buổi hội thảo và gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore và London (Anh) ngay trong tháng 11.

TTCK gần đây cũng sôi động với câu chuyện thoái vốn của Vietcombank. Nhóm cổ phiếu NH cũng đang đóng góp vào sự sôi động của thị trường.

Về sâu xa, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, niềm tin vào triển vọng kinh tế nhờ có các động thái hỗ trợ kinh tế tư nhân, nỗ lực xử lý cục nợ xấu tồn đọng,... đã khiến dòng vốn đổ mạnh vào TTCK. Chu kỳ 10 năm đang lặp lại. Trước hết đó là sự trở lại của dòng tiền đầu tư. Điểm khác nhau có lẽ nằm ở chỗ: trình độ của NĐT hiện giờ đã cao hơn rất nhiều. Tâm lý mua bán bầy đàn sẽ không còn nhiều.

Theo M. Hà (VietNamNet)