Kinh tế

Bà chủ Quốc Cường khiếu nại vì dự án vào danh sách thế chấp

Công ty Quốc Cường Gia Lai gửi đơn khiếu nại lên sở TNMT TP HCM, cho rằng thông tin về danh sách 77 dự án thế chấp ngân hàng công bố không được rõ ràng.

Công ty Quốc Cường Gia Lai gửi đơn khiếu nại lên sở TNMT TP HCM, cho rằng thông tin về danh sách 77 dự án thế chấp ngân hàng công bố không được rõ ràng.

Bà Loan cho rằng, thông tin công bố có nhiều điểm chưa rõ nên đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Tài nguyên - Môi trường và một số cơ quan báo, đài.

Ba chu Quoc Cuong khieu nai vi du an vao danh sach the chap hinh anh 1
Bà Như Loan cho rằng thông tin các dự án thế chấp công bố không rõ ràng.

Theo đơn kiến nghị, đến thời điểm này, QCGL hoàn toàn không thế chấp bất cứ dự án căn hộ nhà ở thương mại nào, dù đang có rất nhiều dự án xây dựng, đang mở bán và cả dự án sắp giao nhà. Ngay cả dự án dễ thế chấp nhất là dự án số 24 Lê Thánh Tôn, quận 1, doanh nghiệp vẫn không vay và đang giao nhà cho khách mua.

"Trên thực tế, QCGL chỉ vay duy nhất 1 dự án nhà ở xã hội 6B, vì có lãi suất ưu đãi 5% để cấu thành giá thành rẻ bán cho khách hàng thu nhập thấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này dư nợ của dự án là 73 tỷ, chưa đến 12% tổng mức đầu tư. Đến nay chúng tôi cũng đã thi công xong và đang giao nhà cho khách hàng. Tôi khẳng định các dự án căn hộ thương mại của QCGL tại TP HCM và các dự án đang bán tại Đà Nẵng đều không thế chấp. Chúng tôi có nhiều nguồn vốn và luôn liệu sức mình để triển khai”, bà Loan quả quyết.

Theo Chủ tịch QCGL, việc Sở Tài nguyên - Môi trường thông tin các dự án đang bán và đang thế chấp rộng rãi đã giúp ích rất nhiều cho người mua nhà, để họ kiểm tra và yên tâm khi bỏ số tiền lớn mua sản phẩm. Tuy nhiên, thông tin cần phải rõ ràng, cụ thể, không phải dự án nào đang thế chấp cũng là không được bán và sẽ bị ngân hàng siết nợ.

Không riêng QCGL, một số doanh nghiệp tại TP HCM cũng cho biết sẽ phản ứng lại với danh sách mà 77 dự án vừa công bố. Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, theo thông báo thì doanh nghiệp đã thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 thuộc cao ốc Hưng Phát tại một ngân hàng.

Song ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Hưng Lộc Phát khẳng định, tất cả 10 căn hộ của cao ốc Hưng Phát được nêu trong Công văn số 7067/TNMT-VPĐK đều là những căn hộ được công ty giữ lại phục vụ cho mục đích khác, hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào.

Tương tự, 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của công ty.

"Chúng tôi có thể thế chấp phần tài sản cho ngân hàng mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc dự án. Vì thế, thông tin công bố của Sở có thể gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu và các dự án mà công ty chúng tôi đang triển khai", ông Lực nói.

Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư Phạm Đình Bắc, đoàn Luật sư TP HCM: “Việc cơ quan chức năng công bố danh sách các dự án thế chấp là bình thường. Mục đích của doanh nghiệp thế chấp dự án cũng có thể là bình thường. Nhưng người mua nhà cần phải có thông tin, để tìm hiểu rõ về tình trạng dự án đã được giải chấp hay chưa?

Tốt nhất khi mua nhà, người mua nên làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu họ cung cấp văn bản của cơ quan chức năng hoặc văn bản của ngân hàng, nơi chủ đầu tư thế chấp dự án, chứng minh căn hộ của họ không bị thế chấp. Dù với mục đích nào đi nữa, việc sử dụng dự án thế chấp thì chuyện hoàn thành cấp giấy chứng nhận sử dụng nhà (sổ hồng) có thể sẽ kéo dài hơn”.

Theo Bình Nguyên (Zing.vn)