Kinh tế

Ai sẽ thay ông Trầm Bê nắm quyền điều hành Sacombank?

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vào tháng 6 tới của Sacombank sẽ “nóng” vấn đề ai sẽ thay ông Trầm Bê nắm quyền điều hành Sacombank.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vào tháng 6 tới của Sacombank sẽ “nóng” vấn đề ai sẽ thay ông Trầm Bê nắm quyền điều hành Sacombank.
ai se thay ong tram be nam quyen dieu hanh sacombank? hinh anh 1

Cụ thể, số lượng thành viên HĐQT dự kiến là 9 người, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Số lượng thành viên Ban kiểm soát dự kiến là 3 thành viên, tất cả thành viên đều là thành viên chuyên trách.

Số lượng thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới cụ thể sẽ do ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 sắp tới quyết định.

Dự kiến trong tháng 6.2016, Sacombank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 sau khi xin Ủy ban Chứng khoán hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 4 vừa qua với lý do Sacombank đã thực hiện sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) và đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Trước đó, UBCK và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho Sacombank được gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán 2015.

Theo Báo cáo quản trị năm 2015 của Sacombank, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 179,3 triệu cổ phần Sacombank, tương đương 9,49% vốn điều lệ ngân hàng. Tuy nhiên, số cổ phần này đã được ông Trầm Bê ủy quyền cho NHNN không hủy ngang.

Ông Trầm Bê cũng chính thức rời ghế Phó chủ tịch HĐQT vào tháng 11.2015 và không tham gia quản trị Sacombank sau tái cơ cấu. Toàn bộ số cổ phần của ông Trầm Bê và người có liên quan tại Sacombank được ủy quyền không hủy ngang vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Hiện Chủ tịch HĐQT của Sacombank kiêm thành viên độc lập là ông Kiều Hữu Dũng. Ông Dũng trước đó đã từng giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, NHNN. Do đó, với cổ phần chi phối tại Sacombank, NHNN rất có thể sẽ điều động nhân sự tham gia điều hành ngân hàng này.

Tuy nhiên, ai sẽ ngồi “ghế nóng” của Sacombank hiện vẫn là ẩn số. Nếu đại hội diễn ra thuận lợi, trong tháng 6 này, Sacombank sẽ có bộ máy nhân sự cấp cao mới.

Theo Báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV.2015 của Sacombank lỗ 583 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế năm 2015 chỉ còn lại 1.013 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sụt giảm mạnh do Sacombank thua lỗ trong quý IV.2015 vì trích lập dự phòng rủi ro tăng đột biến gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ.

Hiện Sacombank vẫn chưa có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015. Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho Sacombank gia hạn mà không đặt ra thời hạn cụ thể. Sacombank sẽ phải chờ Ngân hàng Nhà nước(NHNN) đưa ra hướng dẫn và phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu của Sacombank liên quan đến việc sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (PNB).

Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) bình luận: “Hướng dẫn và phê duyệt của NHNN đối với kế hoạch tái cơ cấu Sacombank có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh kiểm toán năm 2015, trong đó một số chỉ tiêu quan trọng có thể sẽ được điều chỉnh”.

Chẳng hạn, kế hoạch trích lập dự phòng nợ xấu từ PNB chuyển sang sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Sacombank.Trong khi đó tài sản khác (đóng góp một tỷ trọng đáng kể trong tài sản của PNB) cũng có thể là một yếu tố cần phải điều chỉnh. Ngoài ra, Sacombank cũng công bố số dư lãi dự thu rất lớn, tăng 375% lên 25.230 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.

“Trong trường hợp xấu nhất, lãi dự thu có thể xóa sạch thu nhập lãi thuần của vài năm nếu như các khoản lãi dự thu này hóa ra không thu hồi được (điều này là ít khả năng xảy ra)”, HSC phân tích. 

Theo Trần Giang (Dân Việt)