Kinh tế

ACB đã xử lý nợ nhóm 6 công ty của bầu Kiên đến đâu?

Tính đến cuối năm 2017, ACB còn lại 616 tỷ đồng dư nợ tại nhóm 6 công ty liên quan bầu Kiên. Ngân hàng cho biết đã trích lập dự phòng các khoản phải thu này.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của ACB vừa hé lộ tình hình khoản vay của nhóm 6 công ty này.

Cụ thể, tính đến ngày 30/11/2017, tổng dư nợ, đầu tư và phải thu liên quan nhóm 6 công ty này tại ACB gần 3.394 tỷ đồng, trong đó cho vay 1.048 tỷ, chứng khoán đầu tư 1.718 tỷ và phải thu 627 tỷ.

Đến cuối năm 2017, ACB còn các khoản phải thu khác trị giá 616 tỷ đồng tại nhóm 6 công ty này và đã trích lập dự phòng đầy đủ. Cùng năm, ACB thu hồi tổng cộng thêm gần 819 tỷ đồng từ số dư nợ của nhóm 6 công ty; năm 2016 cũng thu gần 1.854 tỷ đồng.

Như vậy, sau gần 5 năm vướng vào các khoản nợ của nhóm 6 công ty liên quan bầu Kiên, ACB đã gần như xử lý xong.

ACB đã xử lý nợ nhóm 6 công ty của bầu Kiên đến đâu?
Sau khi bầu Kiên bị bắt, ACB cũng vướng vào khoản dư nợ của nhóm 6 công ty do ông này là Chủ tịch hoặc thành viên HĐQT.

Năm 2012, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt về hành vi "kinh doanh trái phép" theo điều 159 - Bộ Luật hình sự. Thời điểm đó, ông Kiên cùng những người thân trong gia đình đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn tại nhiều ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Đến cuối năm 2012, báo cáo tài chính kiểm toán của ACB chỉ ra nhóm 6 công ty mà bầu Kiên làm Chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) có các khoản vay, chứng khoán đầu tư với tổng dư nợ gần 7.130 tỷ đồng tại ACB, bao gồm, 3.511 tỷ cho vay, 2.450 tỷ chứng khoán đầu tư và gần 1.166 tỷ đồng phải thu tại ACB.

ACB đã xử lý nợ nhóm 6 công ty của bầu Kiên đến đâu? - 1

Một thông tin tích cực khác liên quan tới quá trình xử lý nợ xấu chính là ACB đã gần xử lý xong các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Cụ thể, đến cuối năm 2017, ngân hàng chỉ còn nắm giữ 40 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, giảm hơn 37 lần so với số dư 1.487 tỷ đồng vào cuối năm 2016. Tương ứng với đó là khoản nợ xấu nội bảng cũng tăng hơn 548 tỷ đồng lên mức 3.220 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng dư nợ năm vừa qua đã tăng hơn 21% nên tỷ lệ nợ xấu đến cuối kỳ chỉ là 1,62% tổng dư nợ.

ACB cũng còn khoản tiền gửi có kỳ hạn 400 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã quá hạn, lãi với số tiền trích lập dự phòng là hơn 153 tỷ đồng. Khoản tiền gửi này sẽ được thu hồi hàng năm theo lộ trình được phê duyệt đến 30/9/2020.

ACB đã xử lý nợ nhóm 6 công ty của bầu Kiên đến đâu? - 2

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018 của ACB vừa công bố cũng cho biết vợ chồng doanh nhân Trần Mộng Hùng và Đặng Thu Thủy sẽ rút lui khỏi ghế thành viên HĐQT sau hơn 25 năm gắn bó với ngân hàng.

Ông Trần Mộng Hùng là một trong những thành viên sáng lập ACB (từ năm 1993), trực tiếp tham gia điều hành và quản trị ở ở các vị trí cao nhất. Năm 2008, ông Hùng lui về với vai trò cố vấn quản trị, nhưng 4 năm sau đó ông trở lại hỗ trợ lãnh đạo ACB sau “sự cố bầu Kiên”.

ACB đã xử lý nợ nhóm 6 công ty của bầu Kiên đến đâu? - 3

Theo Hoàng Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)