Kinh tế

6 ngân hàng đã dính vào đại án Phạm Công Danh như thế nào?

Trong 45 tổ chức liên quan đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê... đang xét xử có tới 6 ngân hàng. Khoản tiền sai phạm hàng nghìn tỷ trong vụ án cũng có phần dính đến các ngân hàng này.

Trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đang được đưa ra xét xử, ngoài Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo khác còn có nhiều tổ chức, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 

Các khoản tiền sai phạm lên đến hàng nghìn tỷ trong vụ án cũng có phần dính đến 6 ngân hàng gồm VNCB, Sacombank, BIDV, Agribank, TPBank và OceanBank thông qua các khoản vay và cho vay.

Ngân hàng Xây dựng (VNCB) - Tâm điểm của vụ án thiệt hại 9.000 tỷ đồng

Đại án 9.000 tỷ còn được gọi là đại án Phạm Công Danh, bởi nhân vật này là người “cầm trịch” chỉ đạo các nhân viên dưới quyền làm trái, dẫn đến thất thoát tài sản của VNCB và khiến ngân hàng thua lỗ nặng nề.

Cụ thể, theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo, tổ chức lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống CoreBanking gây thiệt hại cho VNCB gần 63,3 tỷ đồng.

Đồng thời, ông Danh cũng chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM, gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng.

6 ngân hàng đã dính vào đại án Phạm Công Danh như thế nào?
Phạm Công Danh là người chỉ đạo các nhân viên dưới quyền làm sai trái, dẫn đến thất thoát tài sản của VNCB. Ảnh: Anh Tuấn.

Phạm Công Danh cũng chỉ đạo rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý, không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích trên các ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ tại VNCB không có hồ sơ vay (liên quan 6 sổ tiết kiệm của 3 cá nhân nhóm bà Bích); chỉ đạo việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng.

Tổng thiệt hại của hành vi này là hơn 7.037 tỷ đồng.

Ở hành vi cho vay sai quy định, Phạm Công Danh chỉ đạo các đồng phạm sử dụng pháp nhân của 14 công ty để xây dựng hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp hội đồng quản trị không có thật.

Đồng thời, ông này sử dụng các lô đất của Tập đoàn Thiên Thanh, chỉ đạo định giá nâng giá trị các lô đất ở Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo, sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh, chuyển khoản hoặc rút tiền mặt bằng các hồ sơ vay VNCB tổng cộng 4.700 tỷ đồng, sau khi trừ đi tài sản đảm bảo thì VNCB bị thiệt hại 2.096 tỷ đồng.

Tổng cộng, Phạm Công Danh được xác định phải có trách nhiệm với khoản tiền 9.133 tỷ đồng thiệt hại tại VNCB.

Sacombank - cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn

Tháng 4/2013, ông Danh gặp ông Trầm Bê (lúc đó là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) đề nghị vay 1.800 tỷ đồng.

Biết Phạm Công Danh không thể vay tiền của VNCB, Trầm Bê đồng ý khi ông Danh tiếp cận đề nghị vay vốn, với yêu cầu có tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp chính là tiền gửi của VNCB vào Sacombank.

6 ngân hàng đã dính vào đại án Phạm Công Danh như thế nào? - 1
Ông Trầm Bê khi đó là Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, đã đồng ý cho Phạm Công Danh vay khi chưa thẩm định. Ảnh: Tùng Tin.

Phạm Công Danh đã chỉ đạo lập khống 6 hồ sơ để vay 1.800 tỷ đồng. Theo kết luận điều tra, các công ty của Phạm Công Danh không hề phát sinh giao dịch kể từ thời điểm thành lập cho đến lúc làm hồ sơ vay.

Các doanh nghiệp này không có tiền để trả cho Sacombak nên ngân hàng này đã tự hạch toán cả gốc và lãi trên số tiền gửi của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB tổng cộng 1.835 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định Sacombank vi phạm quy định về cho vay, như không thẩm định nguồn vốn, thẩm định nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi.

BIDV - cho vay không thẩm định với khách hàng

Tháng 9/2013, Phạm Công Danh chủ động đến gặp lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xin vay 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty. Ông Danh lấy lý do VNCB đang tái cơ cấu, chưa được tăng trưởng tín dụng nên không có khả năng cho vay. Để bảo đảo, ông Danh sẽ dùng tài sản của VNCB thế chấp.

Tài sản đảm bảo của 12 khoản vay là các bất động sản ở Đà Nẵng đứng tên các công ty thuộc Thiên Thanh (gồm 6 lô đất Sân vận động Chi Lăng, đất tại số 209 Trường Chinh, Đà Nẵng) và tiền gửi của VNCB tại BIDV (3.070 tỷ đồng có cam kết duy trì gửi tiền 7 tháng).

6 ngân hàng đã dính vào đại án Phạm Công Danh như thế nào? - 2
Ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, được tòa triệu tập liên quan đến các quyết định cho vay ở ngân hàng này với Phạm Công Danh, nhưng xin vắng mặt. 

BIDV đã thống nhất chủ trương về việc xem xét cho vay và giao 4 chi nhánh (chi nhánh Bến Tre, Gia Định, Nam Sài Gòn, Sở Giao dịch 2) thực hiện cho vay, thu nợ. Sau khi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa...nhưng các công ty không cung cấp, với lý do chưa giao nhận hàng hóa.

Đối với việc cho vay của BIDV, cơ quan điều tra đã làm rõ các sai phạm, gồm không kiểm tra, thẩm định với khách hàng, không kiểm tra thẩm định đối với các công ty, dẫn đến việc Phạm Công Danh sử dụng tiền giải ngân vào mục đích riêng, không kinh doanh như mục đích trong hồ sơ vay.

TPBank - sai phạm trong thẩm định hợp đồng tín dụng, cầm cố và kiểm tra sau cho vay

Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đã cho 11 công ty vay 1.660 tỷ đồng để Phạm Công Danh sử dụng cho Tập đoàn Thiên Thanh.

Cụ thể, tháng 5/2013, Danh chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) tìm cách rút tiền của VNCB để chuyển về Thiên Thanh.

Phan Thành Mai gặp Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc quỹ Lộc Việt) nhờ Hà mượn pháp nhân các công ty vay tiền của TPBank và dùng tiền này mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh cùng Công ty Trung Dung bảo lãnh các khoản vay.

6 ngân hàng đã dính vào đại án Phạm Công Danh như thế nào? - 3
TPBank được xác định sai phạm trong thẩm định các khoản cho vay.

Hà gặp Đặng Thị Bích Thủy (Phó giám đốc khối khách hàng của TPbank) và Đinh Việt Cường (Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp) cùng tìm các doanh nghiệp để đứng tên vay tiền mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh.

Từ tháng 5/2013 đến tháng 11/2013, có 11 doanh nghiệp vay tiền của TPBank. Đến tháng 12/2013, nhà băng này đã cấp tín dụng 1.666 tỷ đồng cho 11 doanh nghiệp.

11 công ty đã chuyển toàn bộ tiền này cho Tập đoàn Thiên Thanh. Ông Danh rút ra trả nợ bà Hứa Thị Phấn (mua TrustBank), trả nợ cũ cho Tập đoàn Thiên Thanh, chi chăm sóc khách hàng... Số tiền này không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.

Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước đã kết luận về sai phạm trong quá trình thẩm định, xét duyệt, ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố bảo lãnh và kiểm tra sau cho vay. Do đó, thiệt hại đối với khoản vay này gây ra cho VNCB là 1.736 tỷ đồng.

Agribank - mắc kẹt 254 tỷ đồng

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cũng là một trong các chủ nợ lớn của Phạm Công Danh.

Cụ thể, Agribank chi nhánh Tân Phú cho Tập đoàn Thiên Thanh vay hạn mức là 170 tỷ đồng, dư nợ hiện nay 159,4 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 2 lô đất tại tỉnh Bình Dương và Củ Chi (TP.HCM) thuộc sở hữu công ty Thiên Thanh.

Hai tài sản này đã đăng ký giao dịch đảm bảo. Khoản vay tại Agribank Tân Phú đến nay cả gốc và lãi là 254 tỷ đồng.

Đại diện Agribank Tân Phú đề nghị giải tỏa kê biên để thực hiện thi hành án, nhằm trả tiền cho Agribank. Số thừa sẽ được giao lại để thực hiện khắc phục hậu quả vụ án.

Ngoài ra, Agribank chi nhánh Láng Hạ cho Phạm Công Danh vay 219 tỷ đồng nợ gốc được đảm bảo bằng 1 lô đất sân vận động Chi Lăng.

Ngân hàng Đại Dương - giải ngân sai khoản vay 500 tỷ đồng cho Phạm Công Danh

Giữa tháng 11/2012, Hà Văn Thắm và Phạm Công Danh bàn bạc và thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbank, để tăng thanh khoản cho Ngân hàng Xây dựng.

Do Phạm Công Danh không có tài sản thế chấp nên Hà Văn Thắm nói Danh mượn tài sản của bà Hứa Thị Phấn. Danh đã gặp bà Phấn để thỏa thuận và hai bên đã ký hợp đồng cho mượn tài sản thế chấp.

6 ngân hàng đã dính vào đại án Phạm Công Danh như thế nào? - 4
Ông Hà Văn Thắm liên quan đến khoản giải ngân sai 500 tỷ đồng ở OceanBank. Ảnh: Anh Tuấn.

Các bị can đã sử dụng tài sản không có thật hoặc chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo cho khoản vay, nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay được 500 tỷ đồng.

Sau khi 500 tỷ đồng này chảy vào tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Xây dựng, nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh đã làm thủ tục chuyển khoản và mở sổ tiết kiệm rồi chuyển hơn 500 tỷ đồng để thanh toán cho hợp đồng tín dụng của nhóm bà Phấn.

Công ty Trung Dung và Phạm Công Danh hiện không có khả năng thanh toán, Oceanbank không có khả năng thu hồi khoản vay trên.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)