Kinh tế

4 triệu tỷ tiền gửi bảo hiểm ra sao?

Tính đến tháng 10/2017, tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng lên tới 3,918 triệu tỷ đồng. Với việc Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018 cho phép một ngân hàng phá sản, có thắc mắc: Vậy quyền lợi người gửi tiền sẽ được bảo vệ ra sao, mức chi trả sẽ thế nào và tổ chức bảo hiểm tiền gửi liệu đủ sức lo?

4 triệu tỷ tiền gửi bảo hiểm ra sao?
Hiện có khoảng xấp xỉ 4 triệu tỷ đồng từ khu vực dân cư gửi tại hệ thống ngân hàng.

Luật Các TCTD sửa đổi tập trung vào các phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, trong thời gian kiểm soát đặc biệt NHNN sẽ áp dụng 6 phương án cơ cấu lại, bao gồm: phục hồi, sáp nhập hay hợp nhất, chuyển nhượng từng phần hoặc toàn phần, giải thể, chuyển giao bắt buộc. Phương án cuối cùng là cho phá sản nếu tất cả những phương án trước đó không cứu được chấm dứt sự tồn tại của ngân hàng.

Cụ thể hơn, luật quy định rõ: Một ngân hàng bị coi là yếu kém khi vốn chủ sở hữu suy giảm nghiêm trọng, quản lý tài sản, quản trị yếu kém, kinh doanh lỗ, yếu thanh khoản. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể can thiệp sớm để giúp ngân hàng này vượt qua khó khăn và trở lại hoạt động lành mạnh. Tuy nhiên, ngân hàng này có thể bị NHNN đặt vào diện kiểm soát đặc biệt nếu ngân hàng có nguy cơ mất khả năng thanh toán, lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hay tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục, xếp hạng yếu kém trong 2 năm liên tục.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong thời gian kiểm soát đặc biệt, NHNN có nhiều công cụ giúp ngân hàng cải thiện thanh khoản, đảm bảo cho ngân hàng đó đủ “máu” để hoạt động (ví như cho vay lãi suất 0%. “Bơm thanh khoản là vấn đề cực kỳ quan trọng để ngân hàng có cơ hội phục hồi trước khi NHNN đưa ra phương án xử lý đặc biệt khác”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho rằng với cơ chế, biện pháp, kế hoạch của Chính phủ và NHNN thì TCTD sau khi vào vòng kiểm soát đặc biệt có thể thoát ra được và hoạt động bình thường như các TCTD khác. Theo ông Hiếu, Luật sửa đổi nhằm vào việc xử lý ngân hàng yếu kém nhưng đồng thời cũng đưa ra phương án hỗ trợ ngân hàng phục hồi và thoát ra khỏi vòng yếu kém. Đơn cử như 3 ngân hàng đã bị mua lại với giá 0 đồng trước khi Luật sửa đổi ban hành (tháng 11/2017) hiện đang cố gắng phục hồi và khắc phục những hậu quả của quá khứ.

Gửi 4 triệu tỷ, có 40 ngàn tỷ dành chi trả?

Một số liệu cập nhật trên trang thông tin của NHNN mới đây cho thấy: tính đến tháng 10/2017, tổng phương tiện thanh toán của các tổ chức tín dụng lên tới hơn 7,901 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi của các tổ chức kinh tế là hơn 2,721 triệu tỷ; tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng lên tới gần 4 triệu tỷ đồng (hơn 3,918 triệu tỷ).

Luật các TCTD sửa đổi nêu rõ trong trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện. Dù quyền lợi người gửi tiền theo đó cũng được tăng lên (hạn mức tối thiểu 75 triệu đồng) nhưng vẫn nhiều người băn khoăn: sẽ ra sao nếu gửi tiền tỷ mà chỉ nhận lại vài chục triệu đồng?

Trao đổi với PV,  một đại diện NHNN từng cho biết: người dân không nên lo lắng và cần tìm hiểu kỹ. Theo ông,   Luật Các TCTD, Quốc hội đã trao quyền cho Chính phủ quy định mức chi vượt hạn mức 75 triệu đồng và tùy từng trường hợp cụ thể, Chính phủ có thể quy định mức chi 50%, 70%... 100% số tiền gửi vượt hạn mức để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế và xã hội.  “Dù cho phép ngân hàng phá sản nhưng đó là biện pháp cuối cùng. NHNN tin rằng các phương án phục hồi, sáp nhập hay hợp nhất, chuyển nhượng từng phần hoặc toàn phần, giải thể, chuyển giao bắt buộc đã đủ “ thuốc đặc trị” xử lý ngân hàng yếu kém rồi”, vị này nói.

Còn theo số liệu từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trên thực tế, với hạn mức chi trả sau khi nâng lên 75 triệu đồng thì đơn vị này có thể đảm bảo bảo vệ được đa số tiền gửi của nhiều người gửi tiền nhỏ.  Vậy, tiền gửi đóng phí của các ngân hàng vào Bảo hiểm Tiền gửi đang được sử dụng thế nào? Một đại diện Bảo hiểm tiền gửi cho phóng viên biết: “khoản tiền phí thu từ các ngân hàng gửi về Bảo hiểm tiền gửi hiện là trên 40.000 tỷ và 90% số đó đang được dùng để mua trái phiếu Chính phủ”.

Theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI), hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp phải thỏa mãn đồng thời hai yếu tố: hạn mức phải đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ, có hiểu biết hạn chế; hạn mức phải đủ thấp để đảm bảo kỷ luật thị trường và hạn chế những rủi ro đạo đức xảy ra. Những năm qua chưa có hiện tượng rút tiền hàng loạt xảy ra.

Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)