Kinh tế

3 tháng đầu năm, người Hà Nội gửi ngân hàng hơn 83.000 tỷ đồng

Trong quý I, tính riêng tại Hà Nội, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đã tăng khoảng 83.028 tỷ đồng, tương mức huy động bình quân đạt hơn 10,6 tỷ đồng/người.

Sáng nay (16/4), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội với sự chủ trì của Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú và Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản.

Tại hội nghị, đại diện cơ quan quản lý, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho biết những năm gần đây, nhờ áp dụng các chính sách tiền tệ và tín dụng hợp lý nên tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế được duy trì ở mức khá cao.

Như trong giai đoạn 2015-2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của nền kinh tế vào khoảng 18-19%. Trong năm gần nhất 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng đạt 14%.

3 tháng đầu năm, người Hà Nội gửi ngân hàng hơn 83.000 tỷ đồng
Mức huy động vốn bình quân trên địa bàn Hà Nội 3 tháng đầu năm đạt trung bình hơn 10,6 tỷ đồng/người. Ảnh minh họa.

Cơ cấu tín dụng cũng được các TCTD đẩy vào nhóm lĩnh vực sản xuất kinh doanh, động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, tín dụng với ngành thương mại dịch vụ hiện chiếm 61,19% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gần 16,57% so với kỳ trước đó. Tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng hiện chiếm 29,56%, tăng 9,91%; và tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hiện cũng tăng 21,41%, chiếm 24% tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay.

Ông Tần cũng cho hay riêng với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng ngành này đã đạt 1,307 triệu tỷ đồng, tăng 15,57% so với cuối năm 2017, và chiếm 18% với gần 200.000 doanh nghiệp còn dư nợ.

Tăng trưởng tín dụng đã góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt năm 2018 tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% cao nhất trong 11 năm trở lại đây.

Số liệu tài chính về tăng trưởng ngành ngân hàng được ông Tần cho biết 3 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đã tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018.

Trong đó, nguồn vốn tiếp tục được đẩy mạnh tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63% (tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tăng 3,16%); tín dụng với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%...

Riêng tại địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến cuối tháng 3/2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đã đạt khoảng 3,181 triệu tỷ đồng, tăng 2,61% (83.028 tỷ đồng) so với cuối năm trước.

Ước tính, với mức dân số trên địa bàn hiện nay vào khoảng 7,782 triệu người, bình quân mức huy động vốn của các TCTD tại Hà Nội quý đầu tiên năm nay ước đạt hơn 10,6 tỷ đồng/người. Báo cáo các TCTD cũng cho thấy phần lớn các khoản huy động vốn hiện nay đều đến từ tiền gửi của dân cư và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Quý I vừa qua ngành ngân hàng cũng đã giải ngân tín dụng tăng 2,59%, hiện đạt 1,919 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 308.344 tỷ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 161.961 tỷ đồng; dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 523.260 tỷ đồng.

Trong năm 2018, các TCTD trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện giải ngân cho vay mới thêm 120.421 tỷ đồng cho 10.310 doanh nghiệp. Mức lãi suất cho vay phổ biến cũng chỉ vào khoảng 6-6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn; 8-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đồng thời, các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho 12.105 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của 1.264 doanh nghiệp.

Chính điều này đã góp phần giúp Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 ở mức 16,94%, với dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 311.696 tỷ đồng. Từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chung của thành phố đạt 7,37% năm vừa qua.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)