Kinh tế

3 điểm bất hợp lý trong cách tính giá điện của EVN

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng cách tính giá điện theo 6 bậc hiện nay có nhiều điểm bất hợp lý, dẫn đến tình trạng tiền điện tăng quá cao khi khách hàng sử dụng thêm.

Ngày 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra việc điều chỉnh giá điện và cách tính giá. Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra sau khi Bộ Công Thương tăng giá điện từ ngày 20/3 thêm 8,36%, nhưng thực tế nhiều khách hàng khẳng định họ phải trả mức tăng lớn hơn con số này rất nhiều.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết cơ quan này cũng đang xem xét lại cách tính giá điện cho phù hợp với thực tế. Một số chuyên gia cho rằng cách tính giá điện 6 bậc hiện tại có nhiều điểm bất hợp lý, cần sửa đổi theo hướng phù hợp với số đông người tiêu dùng hơn.

“Tốc độ tăng lượng tiêu thụ thấp hơn tốc độ tăng tiền phải trả”

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ ra 3 điểm bất hợp lý của cách tính giá điện 6 bậc hiện tại.

Ông Thỏa cho biết biểu giá điện theo bậc đã được áp dụng từ năm 1994 với 3 mức, sau đó được điều chỉnh lên 6. Điểm bất cập đầu tiên được ông Thỏa chỉ ra là 6 bậc giá không còn phù hợp với thực tế tiêu thụ điện hiện nay. Tỷ trọng lượng điện tiêu thụ ở các bậc đã dịch chuyển, không còn như Bộ Công Thương từng tính toán.

Điển hình, hộ tiêu dùng điện bậc một (dưới 50 kWh/tháng) năm 2014 chiếm 21,79% tổng số hộ, nhưng đến 2018 giảm chỉ còn 15%.

3 điểm bất hợp lý trong cách tính giá điện của EVN
Số khách hàng dùng điện và chênh lệch các bậc giá điện theo cách tính mới. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

“Tỷ trọng dùng điện đã dịch chuyển. Hộ dùng điện ít đã giảm đi. Khách hàng dùng trung bình và cao đã tăng lên rồi. Biểu 6 bậc không còn phản ánh thực tế sử dụng điện trong điều kiện hiện nay”, ông Thỏa nói.

Thứ hai, Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh biểu 6 bậc gây bất cập trong quản lý, đo đếm tiêu thụ điện, thanh toán toán tiền điện. Biểu 6 bậc gây khó khăn cho người tiêu dùng điện khi muốn kiểm tra giám sát, tính toán.

“Tôi tin rằng nhiều người tiêu dùng rất khó tính giá điện nhà mình dùng hết bao nhiêu”, ông nói.

Chủ tịch Hội thẩm định giá chỉ ra bất cập thứ ba là khoảng cách về lượng tiêu thụ và chênh lệch giá giữa các bậc không hợp lý. Cụ thể khi tiêu dùng điện tăng, khách hàng phải trả những bậc giá rất cao. Điều đó dẫn đến tình trạng vừa phải trả thêm tiền cho giá tăng, vừa trả thêm tiền do “nhẩy” bậc.

Ông Thỏa lấy ví dụ một hộ gia đình dùng 300 kWh, theo cách tính cũ trả 577.000 đồng. Tuy nhiên, nếu hộ này dùng thêm 50 kWh, cộng hưởng thêm giá tăng 8,36%, thì phải trả 767.000 đồng. Như vậy tiền điện đã tăng 33%. Giá trung bình khi dùng 300 kWh là 1.924 đồng, trong khi dùng 350 kWh, giá trung bình đã lên 2.192 đồng. Giá trung bình đã tăng thêm 14% khi chỉ dùng thêm 50 kWh.

3 điểm bất hợp lý trong cách tính giá điện của EVN - 1
Chuyên gia cho rằng biểu 6 bậc không còn phản ánh thực tế sử dụng điện trong điều kiện hiện nay. Ảnh: EVN.

“Chênh lệch bậc mới và bậc cũ rất cao, khách hàng phải trả tiền nhiều hơn. Nói cách khác, tốc độ tăng lượng tiêu thụ điện thấp hơn tốc độ tăng tiền phải thanh toán gây nên bất cập”, ông Thỏa phân tích.

Ông Thỏa cũng chỉ ra rằng việc tăng tiền điện lại đánh chủ yếu vào những người dùng 200-300 kWh/tháng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hộ dùng điện, gây bức xúc.

Đồng quan điểm, PGS TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cho rằng giá điện trung bình của Việt Nam là 1.864 đồng/kWh khá thấp so với thế giới, nhưng nếu phải tính theo các bậc trên cao, giá Việt Nam lại thuộc hàng đắt đỏ. Ông cho rằng biểu giá cần thay đổi theo hướng hợp lý hơn so với mức trung bình.

Rút gọn 6 bậc giá điện xuống 3-4 bậc

Từ những bất cập, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng Bộ Công Thương cần sớm điều chỉnh lại cách tính giá điện 6 bậc hiện nay theo hướng giảm số bậc, cũng như quy định lại giá của từng bậc.

Ông phân tích trong điều kiện điện Việt Nam chưa đáp ứng được cầu, sản xuất từ các nguồn năng lượng không tái tạo, muốn khuyến khích sử dụng tiết kiệm vẫn phải có biểu giá điện theo bậc.

“Nên nghiên cứu cải tiến theo hướng rút gọn so với hiện nay, bảo đảm biểu giá điện đơn giản hơn, công khai minh bạch hơn”, ông nói.

Song song với rút gọn số bậc, ông Thỏa cho rằng cần tính toán lại đơn giá từng bậc theo hướng phù hợp với thực tế sử dụng điện hiện nay. Theo đó phải cải tiến theo hướng hợp lý mối quan hệ chênh lệch giá điện các bậc so với giá điện bình quân, khoảng cách chênh lệch giá giữa các bậc với nhau.

3 điểm bất hợp lý trong cách tính giá điện của EVN - 2
Ông Nguyễn Tiến Thỏa là Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Ảnh: NVCC.

Chủ tịch Hội thẩm định giá nhấn mạnh bậc giá mới vừa xem xét chính sách an sinh xã hội, nhưng phải thể hiện chính sách phục vụ số đông, tức chú ý đến những hộ tiêu dùng điện ở mức phổ biến, trung bình của xã hội.

“Sửa biểu giá điện phải tính đến lượng người dùng phổ biến trong xã hội. Ví dụ bình quân tiêu thụ điện trong xã hội 200-300 kWh, mức giá phải phục vụ chính những người này. Đừng để như các bậc vừa qua chính những người này bị đánh giá cao”, ông nói.

Ông cũng ủng hộ việc có bậc giá điện thấp cho người nghèo, nhưng áp giá cao cho những hộ sử dụng nhiều để khuyến khích tiết kiệm. Ông Thỏa đề xuất từ 6 bậc hiện nay có thể rút xuống 3-4 bậc.

PGS TS Trương Duy Nghĩa lưu ý khi cải tiến các bậc giá điện cần phải tính toán đến thu nhập trung bình của người Việt Nam và mức tiêu thụ phổ biến. Theo đó các thang bậc sau không nên có giá quá cao so với thu nhập trung bình người Việt.

“Tiền điện phải so sánh với đồng lương thực tế của người dân. Vẫn nên có bậc thang nhưng tốc độ tăng lũy tiến không được cao quá như hiện nay”, ông nói.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)