Kinh tế

'213 container biến mất, 30 người hầu toà toàn cán bộ hải quan'

Câu chuyện 213 container biến mất và 30 cán bộ hải quan hầu toà mà không có cán bộ ngành nào khác được đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Là người đầu tiên đăng đàn chất vấn Quốc hội sáng 16/11, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải đáp về thuế, hải quan và nợ công.

Phiên chất vấn sáng 16/11 đối với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng có nhiều câu hỏi liên quan đến hải quan, quản lý để tránh thất thu thuế.

48 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn tư lệnh ngành tài chính. Nửa phiên sáng, trước giờ giải lao, Bộ trưởng trả lời được 5 đại biểu và một ý kiến tranh luận. Cuộc chất vấn càng về trưa càng nóng. Đến giờ nghỉ trưa, vẫn còn nhiều ý kiến đại biểu nêu ra, để trong 50 phút chiều, tư lệnh ngành Tài chính tiếp tục giải đáp. 

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đoàn Hà Nội, là người cuối cùng chất vấn Bộ trưởng Tài chính trước giờ giải lao phiên sáng.

Ông Chiến cho biết thời gian qua tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối, ngân sách nhà nước một phần đội nón ra đi trong khi một phần chảy vào túi cán bộ, gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

'213 container biến mất, 30 người hầu toà toàn cán bộ hải quan'
Đại biểu Quốc hội nhắc lại câu chuyện hơn 200 container biến mất, 30 cán bộ hải quan ra hầu toà mà không có cán bộ ngành nào khác để minh hoạ các bất cập của ngành hải quan. Ảnh minh hoạ. 

“Trách nhiệm này thuộc công chức hải quan nhưng Bộ trưởng nói thời gian thông quan hải quan chỉ là 28% còn 72% là các bộ ngành khác. Tuy nhiên, các vụ án ở cảng Sài Gòn có 213 container biến mất, hơn 30 cán bộ hải quan phải ra hầu tòa nhưng không có cán bộ ngành nào khác. Trong vụ Trần Thị Bích tuần qua bắt 2 cán bộ hải quan thuộc chi cục 4 tiếp tay cho buôn lậu”, đại biểu nêu vấn đề.

Ông đặt ra câu hỏi: “Trách nhiệm của bộ trưởng và ngành hải quan đến đâu? Nguyên nhân do quản lý nơi lỏng hay suy thoái đạo đức, giải pháp nào có thể chấm dứt tình trạng tham nhũng này”?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu lại những vụ tham nhũng hải quan lớn diễn ra gần đây và cho biết đó đều là phát hiện từ Bộ Tài chính.

"Chúng tôi kiên quyết chống tiêu cực trong ngành. Có vụ việc ở hải quan An Giang, bắt một lúc 46 cán bộ hải quan, cũng là Bộ Tài chính phát hiện, chỉ đạo và phối hợp với lực lượng công an", ông nói.

Lãnh đạo 2 bộ cũng làm việc, trực tiếp trao đổi, quyết tâm làm rõ và “làm đến doanh nghiệp thì đụng đến cán bộ hải quan, phải chấp nhận xử lý”.

Bộ trưởng Tài chính nhắc lại câu chuyện 200 container và cho hay “tinh thần của Bộ Tài chính là quyết tâm chống tiêu cực, trong và ngoài ngành”. Mỗi năm, trên dưới 300 cán bộ thuế, hải quan bị xử lý kỷ luật.

"Nguyên nhân không đổ cho khách quan mà nhìn trực diện, suy thoái trong nội bộ. Bộ quyết tâm để rà soát, xử lý. Đồng thời cũng phải rà soát lại các chính sách, quy trình, và quyết tâm thực hiện", tư lệnh ngành tài chính nói.

Trước đó, ngay đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Tài chính được đại biểu đặt câu hỏi về các giải pháp để xử lý tình trạng buôn lậu, thông quan khó khăn. Bộ trưởng Tài chính cho hay 28% thời gian thông quan hàng hoá là trách nhiệm của hải quan, 72% còn lại là trách nhiệm của các bộ ngành liên quan kiểm tra chuyên ngành.

Ông cho rằng đó chính là khâu cần tháo gỡ để thúc đẩy giao lưu thương mại, hàng hoá qua biên giới. Thực tế hiện nay vẫn có một số mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý, một hàng hoá thuộc nhiều đơn vị trong một bộ hoặc nhiều bộ cùng quản lý.

“Hiện nay sữa chua hay sữa bột xuất khẩu phải kiểm dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và kiểm tra theo quy định của Bộ Công thương. Nghĩa là một sản phẩm phải có 2 giấy phép", ông nêu ví dụ.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)