Kinh tế

10 tỷ USD thỏa thuận Pháp - Việt nói lên điều gì?

Doanh nghiệp Pháp không muốn chậm chân trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và còn xem đây là cửa ngõ tiến vào Đông Nam Á.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam với một trong những thành quả nổi bật và cụ thể là 17 văn kiện hợp tác với tổng trị giá hơn 10 tỷ USD giữa hai nước.

"Điều này cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp Pháp tham gia vào thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng không, y tế, đào tạo... Đây là một minh chứng hùng hồn về quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam", Thủ tướng Pháp phát biểu tại Hà Nội hôm 2/11.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 4,6 tỷ USD. Năm ngoái, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu và đứng thứ 16 trong số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn hơn 3 triệu USD.

Với những kết quả này, con số 10 tỷ USD là một thỏa thuận không nhỏ và đánh dấu bước phát triển trong quan hệ hợp tác hai nước, nhất là về kinh tế.

Không muốn chậm chân 

Chiều 4/11, cũng nhân chuyến thăm của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Édouard Philippe đến Việt Nam, 200 công ty đã quy tụ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp - Việt 2018 tại TP HCM.

Đại diện giới chức và nhiều doanh nghiệp nước này cho rằng, tiềm năng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam còn rất lớn. Ông Henri-Charles Claude, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) nói các doanh nghiệp cần tăng tốc hơn nữa.

"Doanh nghiệp Pháp cần tăng tốc, dù có nhiều cơ hội nhưng không thể chậm chân được. Các đồng nghiệp như Hàn Quốc hay Nhật Bản rất năng động ở Việt Nam. Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận với các doanh nghiệp Pháp", chủ tịch CCIFV cho biết.

10 tỷ USD thỏa thuận Pháp - Việt nói lên điều gì?
Ông Gerald Darmanin - Bộ trưởng Bộ Công vụ và Hành chính công Pháp. Ảnh: Viễn Thông

Ông Gerald Darmanin - Bộ trưởng Bộ Công vụ và Hành chính công Pháp đánh giá cao chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam. Với ông, tình hình kinh tế trong những năm qua giúp Việt Nam có sức hút lớn. "Thế giới thay đổi và Việt Nam cũng vậy. Tăng trưởng kinh tế khá cao, hội nhập kinh tế rất rộng. Chúng tôi rất chú ý và hy vọng doanh nghiệp Pháp sẽ đầu tư hơn nữa vào đây", ông nói.

Chủ tịch phái đoàn Medef (Mạng lưới quốc tế của nghiệp đoàn giới chủ Pháp) kiêm Phó chủ tịch ban điều hành và phát triển Tập đoàn Michelin - ông Francois Corbin nhận xét điều kiện kinh doanh và các mối quan hệ hợp tác Pháp - Việt đang rất thuận lợi.

"Tiềm năng theo tôi nghĩ mới chỉ khai thác ở một mức độ nhất định và còn rất nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, tôi rất tin vào sự thành đạt của doanh nghiệp khi làm ăn với Việt Nam", ông Francois Corbin lạc quan.

Ông Tran Valentin - Giám đốc Tập đoàn Andros nói rằng, lợi thế của Việt Nam vừa là thị trường tiêu thụ tốt vừa là cửa ngõ thuận lợi để vào các nước khác ở Đông Nam Á. "Việt Nam có hơn 90 triệu dân năng động nên có cơ hội rất lớn. Chúng tôi còn chọn đây làm cầu nối để sang các quốc gia khác như Campuchia hay Thái Lan. Chúng tôi cũng có chủ trương hình thành công ty liên doanh hay qua M&A để phát triển", ông nói.

Còn nhiều triển vọng

Ông Alain Cany - Chủ tịch Jardines Việt nói rằng doanh nghiệp Pháp có thể chọn con đường hợp tác với hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam lớn đang thành công tại đây. Họ có thể là những doanh nghiệp nhà nước nay cổ phần hóa hoặc các doanh nghiệp tư nhân với quy mô lớn.

Trong đó, phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh, công nghệ thông tin đang là những lĩnh vực mà Việt Nam phát triển mạnh, có nhu cầu cao và sẵn sàng hợp tác.

10 tỷ USD thỏa thuận Pháp - Việt nói lên điều gì? - 1
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT (thứ hai từ trái sang) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Viễn Thông

"Ba năm gần đây, nhu cầu công nghệ thông tin tăng trưởng rất cao. Tại Việt Nam, Cách mạng Công nghiệp 4.0 là chủ đề sôi động nhất, với mục tiêu tập trung phát triển chính phủ điện tử và kinh tế số", ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT nhận xét tại diễn đàn.

Thực tế, công nghệ và khởi nghiệp là một mảng Pháp khá chăm chút tại Việt Nam thời gian gần đây. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Pháp cũng đã đến tham dự sự kiện của tổ chức French Tech tại vườn ươm doanh nghiệp do một doanh nhân Pháp thành lập ở TP HCM trưa 4/11.

"Việt Nam có nguồn nhân lực có chất lượng. Doanh nghiệp lớn của Pháp có thể mở thêm các trung tâm nghiên cứu tại đây. Tôi tin tưởng quan hệ hợp tác sẽ còn phát triển hơn nữa. Với những người đã chọn đến đây hoạt động thì tôi đồng ý Việt Nam là đất nước rất đẹp, phát triển và là cửa ngõ vào Đông Nam Á", ông Mounir Mahjoubi - Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế, Tài chính, Hiện đại hóa và Ngân sách Pháp nhận định.

Không còn "dễ dãi"

Cơ hội làm ăn tại Việt Nam là rất lớn nhưng các doanh nghiệp Pháp cũng thừa nhận thị trường Việt Nam không còn "dễ dãi" trong nhiều lĩnh vực. Họ gọi người Việt là những "người tiêu dùng mới".

Ông Valery Gaucherand - Giám đốc L'Oreal Việt Nam nêu ví dụ trong ngành mỹ phẩm. Ông nói rằng người Việt giờ thích mua hàng chất lượng nên họ nhắm dến các thương hiệu quốc tế.

"Dĩ nhiên thị trường mỹ phẩm Việt Nam chưa bằng Thái Lan nhưng đang phát triển rất nhanh. Người Việt thì muốn mua sản phẩm mới nhất, thời thượng nhất chứ không do dự như trước nữa", ông nói về phần thuận lợi.

Tuy nhiên, để thành công thì chất lượng chưa đủ. Ông Valery Gaucherand cho rằng thị trường này rất trẻ và năng động. Đừng nghĩ rằng chỉ việc đến giới thiệu sản phẩm sẽ có người mua ngay. "Khách hàng thường xem sản phẩm của mình rồi đi cân nhắc rất kỹ với hàng của đối thủ mình. Do đó phải xây dựng mối quan hệ tôn trọng và tình cảm với họ", đại diện L'Oreal Việt Nam nói.

Người tiêu dùng trẻ Việt Nam cũng đang dần ý thức hơn về cách bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội khi cân nhắc lựa chọn một thương hiệu. Ngoài ra, theo ông Samuel Maruta - Nhà đồng sáng lập Maison Maru, để thành công trong thị trường tiêu dùng này, phải hiểu và nắm bắt được tâm lý có phần "đối nghịch" trong thị hiếu người Việt.

"Khi nói về Việt Nam, tôi nghĩ đến sự mâu thuẫn giữa một bên là người Việt rất tự hào về sản phẩm bản địa của họ nhưng một bên lại nghĩ sản phẩm trong nước không tốt lắm. Nắm bắt được tâm lý này sẽ giúp chúng ta thành công", đại diện hãng chocolate nói.

Ông Jean Jacques Bouflet - Phó chủ tịch EuroCham cho biết cả doanh nghiệp Pháp lẫn Việt Nam đang lạc quan về việc EVFTA sẽ sớm được thông qua. Với hiệp định này, ngoài giao thương thì cũng sẽ tạo ra những khuôn khổ rất tốt cho hoạt động đầu tư.

"EVFTA cho phép Pháp và các nước châu Âu tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn, với những bước phát triển mạnh hơn", đại diện EuroCham dự báo.

Theo Viễn Thông (VnExpress.net)