Hỏi - Đáp

Vì sao âm thanh có thể làm vỡ ly thủy tinh?

Thủy tinh là chất rắn trong suốt, không gỉ, không cháy, không hút ẩm, vậy tại sao lại có thể vỡ vụn do âm thanh?

Âm thanh là các dao động cơ học của các phân tử, nguyên tử hay các hạt làm nên vật chất và lan truyền trong vật chất như các sóng. Âm thanh, giống như nhiều sóng, được đặc trưng bởi tần số, bước sóng, chu kỳ, biên độ và vận tốc lan truyền.

Tại sao âm thanh có thể làm vỡ ly thủy tinh? Câu trả lời là do hiện tượng cộng hưởng.

Mỗi đối tượng khi bị tác động sẽ rung ở tần số tự nhiên của nó. Nếu chúng ta tạo ra âm thanh có tần số tương đương tần số dao động tự nhiên của một đối tượng, nó sẽ rung lên. Hiện tượng này gọi là cộng hưởng.

Vì sao âm thanh có thể làm vỡ ly thủy tinh?

Mỗi loại thủy tinh được tạo thành từ những vật liệu khác nhau. Tuy nhiên, tất cả chúng đều có tần số cộng hưởng tự nhiên. Do đó, khi chúng ta tạo ra âm thanh phù hợp với tần số cộng hưởng của chúng, thủy tinh sẽ bắt đầu dao động.

Thủy tinh là vật liệu dễ vỡ, âm thanh càng lớn, nó rung càng mạnh hơn và đến một mức nhất định, thủy tinh sẽ vỡ thành nhiều mảnh.

TH (Nguoiduatin.vn)