Hỏi - Đáp

Tại sao mỗi lần uống cà phê là buồn đi đại tiện?

Thú vị là tác dụng nhuận tràng này của cà phê không hề liên quan đến caffeine. Vì cà phê không caffeine cũng có những tác động tương tự cà phê thường.

Sau khi uống xong cà phê, khá nhiều người có cảm giác buồn đi đại tiện. Nhiều người thắc mắc rằng liệu có phải cà phê kích thích sự hoạt động của ruột già?.

Tại sao mỗi lần uống cà phê là buồn đi đại tiện?

Hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này. Tuy vậy họ đã làm thí nghiệm: Cho lũ chuột uống cà phê và theo dõi quá trình đại tiện của chúng - bất kể lượng caffeine ra sao.

Tiến sĩ Xuan-Zheng Shi, chủ nhiệm nghiên cứu, cho biết: “Khi chuột được cho uống cà phê trong ba ngày, khả năng cơ bắp ở ruột non co lại có vẻ tăng lên".

Nhà khoa học này cho biết thêm: "Cà phê có tác dụng kích thích nhu động ruột và không liên quan đến caffeine. Chúng ta có thể trải nghiệm điều này ngay cả với cà phê đã tách bỏ caffeine, vì vậy tác dụng nhuận tràng không phụ thuộc vào đó".

Khi chuột được uống cà phê, bất kể lượng caffeine ra sao thì tốc độ tăng trưởng của vi khuẩn trong phân của chúng đều bị kìm hãm và các cơ trơn ở ruột, kết tràng của chuột cũng co mạnh lên khi tiếp xúc trực tiếp với cà phê..

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra cơ trong đường ruột bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cà phê. Từ thập niên 1990, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người khỏe mạnh nghiện cà phê thường có nhu động ruột mạnh hơn sau khi uống cà phê đen.

Nhưng nghiên cứu của phó giáo sư Shi là bằng chứng đầu tiên cho thấy ngay cả cà phê tách caffeine cũng gây ra tác động này. Nghiên cứu năm 1990 cho thấy các tác động kéo dài 4 phút đồng hồ. Sau khi cà phê có tác động gián tiếp lên đại tràng thông qua ruột non hoặc dạ dày, khoảng 30% những người uống cà phê xong sẽ buồn đi đại tiện.

Dựa trên các phát hiện này, các nhà nghiên cứu gợi ý rằng có thể sử dụng cà phê như một phương pháp điều trị chứng táo bón – dù họ nhấn mạnh rằng cần nghiên cứu sâu hơn.

HH (SHTT)