Hỏi - Đáp

Tại sao bụi bám dày trên cánh quạt sau một thời gian sử dụng?

Nhiều người cho rằng bụi bị quấn vào cánh quạt do sức gió, nhưng vậy tại sao gió không thổi bụi văng ra?

Chắc chắn một điều rằng dù nhà bạn có rất sạch sẽ thì cánh quạt vẫn bị bám bụi sau một thời gian sử dụng. Tại sao quạt tạo ra gió nhưng không thổi bụi bay đi?

Câu trả lời là do tĩnh điện. Giống như chiếc lược nhựa chải tóc một lúc sau có thể hút những mảnh giấy nhỏ,  tóc dựng đứng hay cởi áo len về mùa đông có thể nghe thấy những tiếng nổ nhỏ lách tách…Đó là những ví dụ nổi bật về tĩnh điện.

Với trường hợp của quạt điện, khi cánh quạt quay thì cánh quạt luôn “chém” vào không khí, tạo ra ma sát giữa cánh quạt và không khí, từ đó sinh ra tĩnh điện, tạo lực hút mà đặc biệt đối với những vật thể nhỏ và nhẹ bay trong không khí như bụi. Vì thế mà bụi bám nhiều trên cánh quạt, khi quạt càng quay nhiều thì tĩnh điện tích càng lớn và bụi bám mỗi lúc càng nhiều hơn.

Tại sao bụi bám dày trên cánh quạt sau một thời gian sử dụng?

Ngoài ra, ở trên cùng một cánh quạt thì lượng bụi bám cũng không giống nhau, nếu để ý bạn sẽ thấy ở phần rìa trước cánh quạt thì bụi bám nhiều còn phần còn lại bám ít hơn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi phần này “chém” vào không khí trực tiếp và mạnh nhất nên ma sát ở đó lớn, làm cho cánh quạt bị nhiễm điện chỗ đó nhiều nhất và bụi sẽ bám dày hơn.

Lớp bụi này làm cho vi khuẩn phát triển dễ gây bệnh đường hô hấp, nhất là đối với người già và trẻ em. Đồng thời bụi bẩn cũng làm cho sức gió của quạt bị giảm đáng kể, gây hao điện, hiệu quả làm mát giảm.

Không có cách nào để ngăn tình trạng bụi bám trên cánh quạt. Bạn chỉ có thể vệ sinh thường xuyên để vừa làm tăng tốc độ quạt, vừa đảm bảo không khí trong lành, an toàn cho sức khỏe.

Tại sao bụi bám dày trên cánh quạt sau một thời gian sử dụng? - 1

TH (Nguoiduatin.vn)