Công nghệ

Telegram - đối thủ của Facebook

Tính năng của Telegram, về cơ bản, giống như những ứng dụng nhắn tin truyền thống khác, nhưng có thể tạo được một cuộc trò chuyện với 200 người hay có nhóm chat bí mật, nơi tin nhắn có thể tự hủy sau khi kết thúc.

Tính năng của Telegram, về cơ bản, giống như những ứng dụng nhắn tin truyền thống khác, nhưng có thể tạo được một cuộc trò chuyện với 200 người hay có nhóm chat bí mật, nơi tin nhắn có thể tự hủy sau khi kết thúc.

Telegram, ứng dụng nhắn tin được thành lập tháng 8/2013, được coi là đối thủ nặng ký của Facebook Messenger. Giữa bối cảnh những tranh cãi liên quan đến công nghệ mã hóa và bảo mật thông tin người dùng đang đến hồi gay cấn, Telegram xuất hiện và tự cho rằng mình nhanh và an toàn hơn các dịch vụ nhắn tin khác vì sở hữu 2 lớp mã hóa.
 
Người sáng lập ra Telegram là Pavel Durov, 31 tuổi, người Nga. Ông từng được coi là “Mark Zuckerberg của nước Nga” vào năm 2006 khi sáng lập ra mạng xã hội Vkontakte (viết tắt là VK), ứng dụng được coi như sự thay thế Facebook tại Nga. Năm 2014, ông còn được đưa vào danh sách những người lãnh đạo dưới 30 tuổi có triển vọng nhất khu vực bắc Âu.
 
 
Tính năng của Telegram, về cơ bản, giống như những ứng dụng nhắn tin truyền thống khác, đó là gửi, nhận tin nhắn, gửi ảnh, video, nhãn dán và file với độ lớn lên đến 1,5 GB. Ứng dụng này hỗ trợ cả nền tảng di động (iOS, Android, Windows Phone) và nền tảng laptop (Windows, OS X, Linux). Trong một phỏng vấn với trang công nghệ TechCrunch hồi tháng 9 năm ngoái, Pavel chia sẻ, “nếu các ứng dụng nhắn tin đều như nhau, thì việc có bao nhiêu ứng dụng thế này ngoài thị trường cũng chẳng quan trọng”.

Do vậy, Telegram phải có điểm khác biệt. Pavel đã tạo ra một kênh tin nhắn mà có thể tạo các cuộc trò chuyện nhóm với tối đa 200 thành viên, hay chọn tham gia vào những “sự kiện chat bí mật” nơi mà tin nhắn sẽ tự hủy như dịch vụ Snapchat. Đó cũng chính là lý do Telegram gần đây bị lên án bởi hỗ trợ cho IS trong các cuộc tấn công của chúng mặc dù ứng dụng này sau đó đã công bố đã chặn được 78 kênh liên quan đến IS. Tuy nhiên, người đứng đầu Telegram tin rằng việc chặn các kênh thông tin liên quan đến IS chỉ là tạm thời bởi "chúng luôn tự tìm cho mình những cách thức nói chuyện an toàn". Theo quan điểm của ông, việc Telegram cung cấp các cuộc nói chuyện riêng tư sẽ đem đến cái "được" nhiều hơn là "mất".

Gần đây, Telegram cũng đang gặp những vấn đề lớn tại Trung Đông, trong bối cảnh các chính phủ của khu vực này bày tỏ thái độ thận trọng hơn với ứng dụng sau loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris hồi cuối năm ngoái. Nhiều cơ quan lập pháp tại đây khẳng định Telegram là lựa chọn truyền thông của các tổ chức khủng bố, và là nơi tồn tại của những thông tin đề cao thái quá quyền tự do ngôn luận.

Hoạt động của Telegram cũng đã bị dừng một phần tại Arab Saudi tuần trước, còn chính phủ Iran vẫn kiên trì với quan điểm rằng những thông tin “trái với đạo đức” trên Telegram cần được loại bỏ.

Hiện nay Telegram hỗ trợ tổng cộng 8 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, Ả-rập, Tây Ban Nha, Đức, Italia, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc. Tính đến tháng 9/2015, ứng dụng này đã đạt mốc 60 triệu người dùng thường xuyên và tạo ra 12 tỷ tin nhắn mỗi ngày, tăng lên từ mức 1 tỷ, chỉ 9 tháng trước. Nhưng “tạo ra lợi nhuận không bao giờ là mục đích của Telegram”, Pavel nói.
 
>> Mạng xã hội Twitter "sập" trên toàn cầu

Theo Nguyễn Mai Đức (VnExpress.net)