Công nghệ

“Tất tần tật” mọi cách để bảo vệ tài khoản Facebook của bạn

Tài khoản Facebook cùng những thông tin cá nhân luôn là "mồi ngon" cho những kẻ thích dòm ngó người khác.

Tài khoản Facebook cùng những thông tin cá nhân luôn là "mồi ngon" cho những kẻ thích dòm ngó người khác.

Facebook cung cấp rất nhiều công cụ giúp tăng cường bảo mật cho tài khoản của bạn. Dưới đây là một số giải pháp mà How-To Geek đưa ra để bảo vệ tài khoản Facebook của bạn:

1. Đặt một mật khẩu thật mạnh

Mật khẩu là thứ đầu tiên mà kẻ xấu cần để có thể truy cập tài khoản của bạn, vì vậy một mật khẩu thật mạnh chính là thứ đầu tiên mà bạn nên có.

Trước hết, hãy đặt một mật khẩu dài (tốt nhất là từ 12 ký tự trở lên), có thể chèn các ký tự đặc biệt hoặc chữ cái viết hoa để khó tìm ra hơn. Ngoài ra, cũng không nên dùng thông tin cá nhân làm mật khẩu (như tên người yêu, số điện thoại hay ngày sinh,…) vì kẻ xấu có thể tìm thấy dễ dàng.

Điều quan trọng tiếp theo: đừng sử dụng mật khẩu này cho bất cứ tài khoản nào khác của bạn ngoài Facebook. Tốt nhất, mỗi tài khoản nên được đặt một mật khẩu khác nhau, trong trường hợp "bí" mật khẩu thì bạn có thể dùng các công cụ tạo chuỗi ký tự ngẫu nhiên (như LastPass) để đặt chúng làm mật khẩu cho mình.

Cuối cùng, đừng bao giờ nhập mật khẩu Facebook của bạn trên một trang web lạ (như đường link nào đó gửi vào email dẫn đến một trang đăng nhập Facebook giả chẳng hạn).

Đó là tất cả mọi thứ mà bạn có thể làm với mật khẩu của mình, nếu đã hiểu rõ thì hãy đổi mật khẩu ngay bây giờ!

2. Bật tính năng phê duyệt đăng nhập

Dù có thể không tin, nhưng mật khẩu mạnh chưa chắc đã bảo vệ tuyệt đối cho tài khoản của bạn. Chỉ cần có trong tay mật khẩu thì coi như mọi dữ liệu của bạn sẽ hiện ra rành rành trước mặt chúng, vì vậy một tính năng gọi là "bảo mật 2 lớp" ra đời (mà Facebook gọi là Xét duyệt đăng nhập – Login Approvals).

Có thể hiểu đơn giản cách hoạt động của bảo mật 2 lớp như sau: Bạn đăng nhập bằng thứ đã biết (như mật khẩu), kèm theo đó là một thứ bạn đã có (thường là điện thoại). Sau khi nhập đúng mật khẩu, Facebook sẽ gửi một đoạn mã đến điện thoại của bạn và bắt bạn nhập đoạn mã đó để xác minh bạn chính là chủ nhân của tài khoản Facebook. Với bảo mật 2 lớp, nếu một người nào đó có được mật khẩu nhưng lại không có điện thoại của bạn thì họ không thể đăng nhập được.

Bạn có thể nhận đoạn mã xác minh bằng tin nhắn SMS hoặc thông qua Trình tạo mã (Code Generator) trong Facebook, hoặc một ứng dụng tạo mã từ bên thứ ba.

Bật tính năng xác minh 2 bước trên Facebook bằng cách vào phần thiết lập tài khoản (Cài đặt) -> Bảo mật -> Xét duyệt đăng nhập (như hình trên), sau đó làm theo hướng dẫn.

Lần tới, khi đăng nhập từ một thiết bị (hoặc trình duyệt lạ), bạn sẽ cần đến điện thoại để nhập mã xác minh cho tài khoản rồi mới đăng nhập được. Bạn cũng có thể lựa chọn để Facebook nhớ trình duyệt đó và không đòi nhập mã cho lần đăng nhập sau nữa.

 

3. Bật tính năng cảnh báo đăng nhập

Như tên gọi của nó, khi kích hoạt Cảnh báo đăng nhập (Login Alerts), Facebook sẽ gửi thông báo (hoặc email, tin nhắn SMS) mỗi khi có người đăng nhập vào tài khoản của bạn từ một thiết bị hoặc trình duyệt lạ.

Cũng trong phần thiết lập bảo mật, tại mục Địa điểm bạn đã đăng nhập (Where You're Logged In), bạn có thể quản lý tất cả các thiết bị (trình duyệt, ứng dụng) đã đăng nhập vào tài khoản của mình, nếu có bất cứ thiết bị lạ nào, bạn có thể nhấn Kết thúc hoạt động (End Activity) để đăng xuất tài khoản của mình ra khỏi thiết bị (trình duyệt, ứng dụng) đó. Bạn cũng có thể chọn Kết thúc toàn bộ hoạt động (End All Activity) để đăng xuất tất cả.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu bạn chỉ đơn giản đăng xuất ra khỏi một địa điểm thì bạn vẫn có thể đăng nhập lại vào địa điểm đó chỉ với mật khẩu mà không cần thông qua bước nhập mã. Để "quên" hoàn toàn địa điểm, bạn cần xóa thiết bị (trình duyệt, ứng dụng) trong mục Thiết bị đã nhận ra (Recognized Devices), sau khi xóa xong thì nhớ nhấn nút Lưu thay đổi (Save Changes) để hoàn tất.

4. Kiểm soát các ứng dụng có quyền truy cập Facebook của bạn

Các ứng dụng bên thứ ba cũng có thể truy cập vào Facebook của bạn cho nhiều mục đích khác nhau (và bạn cấp quyền cho chúng cũng nhằm một mục đích nào đó, ví dụ như cho phép ứng dụng VnReview để tham gia các chương trình tặng quà chẳng hạn).

Tuy nhiên, có nhiều ứng dụng lại đòi hỏi quá nhiều thông tin từ bạn, nếu không muốn (hoặc không sử dụng chúng) nữa thì hãy xóa chúng trong phần Ứng dụng (Apps).

Để xóa quyền truy cập của một ứng dụng, chỉ cần nhấp vào dấu X bên cạnh ứng dụng mà bạn muốn xóa. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhấn nút Chỉnh sửa ở kế bên nếu chỉ muốn thay đổi những thông tin mà bạn sẽ cung cấp cho nó.

 

Tuy nhiên, bên dưới phần Ứng dụng vẫn còn rất nhiều mục thiết lập khác:

- Ứng dụng, trang web và plugin: Nếu bạn tắt mục này, Facebook sẽ không thể kết nối với các ứng dụng, website hoặc plug-in từ bên thứ ba được nữa.

- Thông báo về trò chơi và ứng dụng: Không muốn nhận thông báo mời gọi chơi game từ bạn bè và những thông báo phiền phức khác từ game bạn chơi? Cách đơn giản nhất là hãy tắt mục này đi.

- Ứng dụng người khác dùng: Khi kết nối một app với tài khoản Facebook của bạn, thỉnh thoảng nó sẽ thu thập các thông tin về bạn bè của bạn, và khi bạn bè của bạn cũng dùng app và có kết nối với Facebook thì chúng cũng có thể lấy thông tin từ bạn. Bạn có thể nhấp vào nút Chỉnh sửa để thiết lập thêm nhiều thứ về nó.

- Phiên bản cũ của Facebook dành cho di động: Phần này quản lý tất cả những hoạt động của bạn từ những phiên bản cũ của ứng dụng Facebook trên di động. Về cơ bản, nếu chưa bao giờ sử dụng một chiếc BlackBerry hay những chiếc điện thoại xưa cũ để đăng nhập và sử dụng Facebook thì bạn không cần quan tâm đến nó.

Một số thiết lập khác

Trên đây là những thiết lập quan trọng mà ai cũng nên xem qua thường xuyên, còn những thiết lập dưới đây là những thiết lập bổ sung thêm, bạn có thể xem qua và bật những mục mà mình thấy cần thiết.

Liên hệ tin cậy

Trong trường hợp quên mật khẩu hoặc không thể đăng nhập vào tài khoản, gặp vấn đề với tính năng reset mật khẩu thì tính năng này sẽ cực kỳ hữu ích dành cho bạn.

Liên hệ tin cậy (Trusted Contacts) cho phép bạn lựa chọn từ 3 đến 5 người mà bạn cho là tin tưởng nhất, liên hệ để giúp bạn đăng nhập vào Facebook. Khi được "kêu cứu", họ sẽ nhận một đoạn mã, gửi cho bạn và bạn sẽ dùng đoạn mã đó để truy cập vào tài khoản.

Khóa công khai

Đây không phải là thiết lập mà phần lớn mọi người sử dụng, nhưng nếu muốn Facebook mã hóa các email thông báo gửi đến email, hãy nhập mã công khai OpenPGP của bạn tại đây.

Đăng nhập bằng ảnh đại diện

Tương tự như ứng dụng Facebook cho di động, tính năng này cho phép bạn đăng nhập vào Facebook trên web bằng cách nhấp vào hình avatar của bạn thay cho bước nhập mật khẩu.

Tuy vậy, nếu ai đó sử dụng trình duyệt của bạn thì họ hoàn toàn có thể đăng nhập vào Facebook của bạn và làm một điều gì đó, vì vậy hãy cẩn thận với tính năng này.

Vô hiệu hóa tài khoản

OK fine! Có lẽ khóa Facebook là cách tốt nhất để mọi thông tin của bạn "trôi vào dĩ vãng", chỉ cần nhấn Vô hiệu hóa tài khoản của bạn (Deactive), nhập mật khẩu rồi làm theo hướng dẫn, bạn sẽ không còn phải lo lắng chuyện thông tin của mình bị lộ nữa.

Ngoài những điều trên, bạn cũng nên lưu ý một sau điều sau:

- Nếu đăng nhập vào Facebook trên một máy tính công cộng (quán net, trường học) hoặc trên thiết bị của người khác, luôn luôn đăng xuất trước khi trả máy lại để họ không thể quậy phá Facebook của bạn.

- Nếu có thể, xóa luôn lịch sử duyệt web (tiện tay xem lịch sử trước đó coi có gì hấp dẫn không).

- Luôn đảm bảo cập nhật trình duyệt và ứng dụng.

- Cài đặt một trình diệt virus ổn định.

Trên đây là tất cả mọi cách mà bạn có thể làm để bảo vệ tài khoản Facebook của mình. Sau khi đọc bài viết này, năm mới đến, đừng bao giờ phải lo lắng về vấn đề bảo mật tài khoản Facebook nữa nhé!

Theo Phúc Thịnh (Vnreview.vn)