Công nghệ

Quân đội Mỹ đe dọa "hack ngược" lại hacker

Sau một loạt các vụ tấn công mạng có tầm ảnh hưởng toàn cầu, quân đội Mỹ đang lên kế hoạch đáp trả lại những kẻ gây những vụ tấn công ấy một cách mạnh mẽ hơn.

Sau một loạt các vụ tấn công mạng có tầm ảnh hưởng toàn cầu, quân đội Mỹ đang lên kế hoạch đáp trả lại những kẻ gây những vụ tấn công ấy một cách mạnh mẽ hơn.

Chiến lược "hack ngược lại" này đã được đề xuất bởi Trung tướng Vincent Stewart của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) – một tổ chức chuyên về phòng thủ và tình báo quân đội – trong hội nghị Bộ Nội Vụ Mỹ về Hệ thống Thông tin Tình báo (DoDIIS) tại Missouri.

Cụ thể, ông phát biểu: "Một khi chúng ta cô lập được phần mềm độc hại ấy, tôi muốn tái thiết kế mã nguồn của nó và sử dụng nó để chống lại kẻ thù, những kẻ đã cố tình tấn công chúng ta. Chúng ta phải đạp lên chúng để tồn tại".

Hội nghị DoDIIS có sự tham dự của các thành viên thuộc FBI, CIA, NSA, Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia. Các công ty như Microsoft, Xerox, NFL. FireEye và DataRobot cũng góp mặt.

Có thể thấy rõ trong sự kiện là DIA rất quan tâm đến việc có những động thái trả đũa mạnh mẽ hơn để chống lại những kẻ tấn công. Ngoài lời đề nghị của Stewart rằng tổ chức có thể tái thiết lập mã độc và đáp trả lại người gửi, Giám đốc thông tin của cơ quan này cũng ủng hộ các biện pháp tấn công.

Bà Janice Glover-Jones nhấn mạnh: "Trong quá khứ, chúng ta chỉ chú trọng vào bên trong, vào việc cải tiến quy trình nội bộ, kinh doanh và hội nhập. Giờ chúng ta sẽ nhìn ra ngoài, nhìn thẳng vào mối đe dọa. Kẻ thù đang tiến bộ với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, và chúng ta phải tiếp tục đi trước chúng một bước".

Việc kẻ nào ở phía bên kia của cuộc tấn công là một điều khó nói trước được. Như Tư lệnh William Marks thuộc Hải quân Mỹ đã chỉ ra trong hội nghị, "Các mối đe dọa không còn bị giới hạn bởi đường biên giới, nền kinh tế hay sức mạnh quân sự nữa. Chúng ở khắp mọi nơi, không có bất kì giới hạn nào về độ tuổi hoặc rào cản ngôn ngữ, hay nhân dạng".

Ông Marks cho rằng những cuộc tấn công chống lại quân đội hay chính phủ có thể đến từ bất cứ đâu. Nó có thể bắt nguồn từ "một quốc gia lớn hay một đứa trẻ 12 tuổi tấn công mạng lưới của chúng ta từ một quốc gia nhỏ và biệt lập".

Cách tiếp cận này làm dấy lên một số câu hỏi, bao gồm cả vấn đề của Tư lệnh Marks. Một cuộc tấn công có thể đến từ bất cứ đâu. Liệu lời đáp trả với một đứa bé 12 tuổi tò mò về công nghệ với một quốc gia lớn có giống nhau hay không?

Một đứa trẻ tò mò công nghệ và không có ý đồ xấu có đáng bị trừng phạt?

Ngoài ra, đánh giá cũng là một nhiệm vụ cực kì khó khăn. Trong khi nhiều chuyên gia có thể cam đoan rằng họ biết nơi cuộc tấn công được phát động, nhưng để đạt được sự chuẩn xác 100% là điều gần như bất khả thi. Đánh giá sai một cuộc tấn công và đáp trả một cách mạnh mẽ sai đối tượng có thể tạo ra những vấn đề lớn hơn rất nhiều.

Cũng nên lưu ý rằng một khi luật pháp cho phép các công ty Mỹ chống lại kẻ tấn công, Đô đốc Mike Rogers của Bộ tư lệnh Không gian mạng đã cảnh báo rằng những sáng kiến như thế này có thể tạo ra các hậu quả không mong muốn, gây nên những rủi ro trong nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc của cuộc tấn công mạng.

Vào đầu năm nay, ông đã chia sẻ với một tiểu ban của Bộ Nội vụ Hạ viện: "Mối quan tâm của tôi là hãy thận trọng trong việc đưa thêm những tay súng vào vùng miền Tây hoang dã".

Theo Văn Hoàn (Vnreview.vn)