Công nghệ

Note 7 - bi kịch của mỏng nhẹ và pin khoẻ

Tích hợp nhiều tính năng, tăng dung lượng nhưng giữ nguyên kích thước viên pin để đáp ứng trào lưu mỏng nhẹ khiến Note 7 gặp rủi ro.

Tích hợp nhiều tính năng, tăng dung lượng nhưng giữ nguyên kích thước viên pin để đáp ứng trào lưu mỏng nhẹ khiến Note 7 gặp rủi ro.

Có một sự thật đơn giản, bất kỳ thiết bị nào cũng nóng lên khi sử dụng, nhất là lúc chạy các ứng dụng nặng. Ngoài ra, bất kỳ thiết bị nào dùng pin lithium-ion, không riêng gì smartphone, đều có thể nổ dưới một hoàn cảnh nào đó.

Câu hỏi được Mashable đặt ra, là phải chăng nhu cầu mà chúng ta đặt lên smartphone - mỏng nhẹ, mạnh mẽ, chống nước - đang khiến các hãng phải vượt quá giới hạn đến nỗi những vụ việc tương tự là không tránh khỏi?

Yêu cầu quá cao

Thiết kế smartphone rất khó khăn. Khách hàng không cách nào hiểu được các hãng phải cực nhọc ra sao để nhồi nhét mọi thứ họ muốn vào một khối nhôm, và khiến nó trông cao cấp.

Nhưng đó không phải việc của khách hàng, đó là trách nhiệm của các kỹ sư, nhà thiết kế. An toàn của chúng ta nằm trong tay họ.

Không khó để thấy lối tiến hóa của smartphone hiện tại. Những cục nhựa to dày xấu xí với viên pin tí hon đã trở thành thiết kế nhôm nguyên khối, siêu mỏng, pin to, dày (nhiều lúc có sạc nhanh) và chống nước.

Ngẫm lại, đó là một hành trình phi thường của các kỹ sư. Chúng ta cầm trong lòng bàn tay mình một khối chữ nhật với game 3D, live stream, đa nhiệm, quay video 4K... quá chật chội, đến nỗi đôi khi không có nơi thoát nhiệt.

Note 7 - bi kich cua mong nhe va pin khoe hinh anh 1
Mỏng nhẹ là giấc mơ đẹp của nhà thiết kế, nhưng là ác mộng của các kỹ sư. Ảnh: Mashable.

Trong khi đó, tính năng chống nước vốn cực kỳ tiện dụng cho người dùng, lại là bài toán cực khó với các hãng. Các thiết bị với IP càng cao sẽ càng nhạy cảm với áp lực hơn.

Kết hợp lượng nhiệt ngày càng tăng của viên pin dày với sự nhạy cảm áp lực từ thiết kế chống nước, chúng ta có một môi trường đầy hiểm nguy ngay bên trong thiết bị.

Pin lithium-ion thường phát nổ vì hiện tượng được gọi là "thermal runway" (tạm dịch: sự đào thoát nhiệt lượng). Về cơ bản, nó là một phản ứng chuỗi của nhiệt độ, khi một phần viên pin quá nóng, nó giải phóng năng lượng đột ngột, khiến phần kế bên nóng lên, và cứ thế, chúng ta có một thiết bị bùng nổ.

Smartphone chứa nhiều cảm biến và phần mềm để điều khiển nhiệt lượng. Khi máy bắt đầu quá nhiệt, nó thường tự ngắt vi xử lý để làm mát, quản lý pin cũng sẽ ngưng sạc khi mức đạt 100%.

Nói với Mashable, Scott Croyle, Trưởng Thiết kế và Sản phẩm của Nextit System cho biết: "Việc cháy nổ không phải là không thể tránh, trào lưu hiện tại không khác điện thoại cơ bản 15 năm trước, người ta luôn muốn đẩy nó tới giới hạn".

Nhiều bài kiểm tra phải được tiến hành trước khi thiết bị bán ra, anh giải thích. "Có nhiều lớp đảm bảo, bạn cần kiểm bên ngoài, làm phân tích nhiệt, kiểm tra thực dụng, tính toán các trường hợp. Thực tế, một chiếc điện thoại đã bán ra có thể chứa nguyên nhân gây nổ từ bên trong".

Pin nhiều hơn, nhưng nhỏ hơn

Lời của Croyle khó lòng ứng nghiệm vào Samsung, vì Note 7 đã đi ngược hoàn toàn phát biểu đó. Pin của dòng Note tăng dần theo các năm, trong khi kích thước viên pin giảm dần.

So với Note 5, Samsung bằng cách nào đó tăng 500 mAh cho pin của Note 7, nhưng kích thước vẫn được giữ nguyên.

Vấn đề ở chỗ, khi bạn nhồi nhét một khối năng lượng lớn hơn và không gian vốn đã chật chội, rủi ro một vấn đề gì đó xảy ra sẽ tăng lên. Nhất là khi gặp chuyện, thiệt hại từ bên trong sẽ bị khuếch đại. Theo đó, Note 7 với viên pin "lớn" nhất nhưng kích thước nhỏ nhất sẽ có rủi ro cao nhất.

Note 7 - bi kich cua mong nhe va pin khoe hinh anh 2
Pin dòng Note ngày càng tăng lên, nhưng không gian cho viên pin lại nhỏ đi nhiều. Ảnh: Mashable.

Theo Bloomberg, một cơ quan đại diện người dùng giấu tên nói rằng Samsung xác định nguyên nhân cháy nổ ở đợt Note 7 đầu tiên là viên pin từ SDI "hơi lớn so với thiết bị" và các đợt hàng thay thế, dùng pin từ Amperex Technology Limited (ATL) có thể cũng mang vấn đề tương tự, nhưng không giải thích "hơi lớn" là như thế nào.

New York Times cũng đưa các nguồn tin tương tự, từ dữ liệu rò rỉ bởi SBS từ Hàn Quốc (dẫn lại từ PhoneArena), theo đó, lỗi của Note 7 đến từ viên pin SDI với những màng chắn giữa các cực được làm khá sát với mép cong màn hình. Do đó, khi bị áp lực, nó dễ tạo ra hiện tượng "thermal runway".

Các vách ngăn này quá gần nhau, và gần mép, khiến nó dễ đoản mạch, theo tài liệu trên, viên pin cũng làm hỏng mối nối, cũng như lớp áo ngoài của cực âm.

Andrew Goldberg từ iFixit cũng cho biết khó xác định nguyên nhân. Khi mổ S7 edge và Note 7, kỹ sư này không thấy lỗi gì.

"Tôi không nghĩ đây là một thất bại hoàn toàn về mặt thiết kế", Goldberg nói, "nếu một thiết bị có nguy cơ nổ, tất cả thiết bị khác cũng đã nổ".

Note 7 và S7 edge rất giống nhau, nhưng Note 7 có không gian bên trong hẹp hơn rất nhiều, để chừa chỗ cho S Pen. Màn hình S7 edge cũng nhỏ hơn, đồng nghĩa tiêu thụ ít năng lượng hơn.

"Với Note 7, Samsung có thể đặt yêu cầu cao hơn một chút với bài kiểm tra màn hình cong khi sản xuất, như thế viền sản phẩm sẽ lớn hơn", Goldberg nói. "Giả thiết của chúng tôi hướng về mức sai số trong sản xuất, chứ không phải chiếc Note 7 nào cũng có khả năng nổ".

Để so sánh, Apple đã đi đường an toàn hơn. Thay vì tăng đột ngột lượng pin trên iPhone mới, họ tối ưu hóa chip và iOS để giảm năng lượng sử dụng.

Dù không khẳng định điều gì, khi mổ xẻ iPhone 7 Plus, iFixit cho rằng có nhiều không gian thoát nhiệt hơn so với Note 7. Tất nhiên, đổi lại, kích thước thiết bị phải lớn hơn khá nhiều.

Về nghiên cứu, người dùng rõ ràng dễ chấp nhận thiết bị to nhưng an toàn, hơn sản phẩm gọn nhẹ "đính kèm" rủi ro bắt lửa.

Không phải thiết bị nào cũng nổ, nhưng không đáng chấp nhận rủi ro

Vào tháng 9, Mashable đã thực hiện thí nghiệm trên 3 chiếc Note 7 đợt hàng đầu. Họ đưa chúng qua nhiều bài kiểm tra, để xác định liệu Note 7 thực sự có bị lỗi và việc nổ là ngẫu nhiên từ việc sạc hay không.

Cả ba được sạc trong 4 ngày liên tục (ở một căn phòng chống lửa, tất nhiên) và mọi diễn biến được truyền hình trực tiếp. Kết quả, cả 3 chiếc đều chỉ nóng lên ở mức chấp nhận được.

Khi đạt mức khoảng 60 độ C, một thông báo hiện lên cho biết thiết bị quá nóng và sẽ tự tắt nguồn. Đây là động thái của nhiều nhà sản xuất, nhằm tránh việc người dùng vẫn tiếp tục sử dụng và khiến thiết bị nổ vì làm việc quá sức.

Note 7 - bi kich cua mong nhe va pin khoe hinh anh 3
Thông báo khi thiết bị đạt nhiệt độ nguy hiểm. Ảnh:  Mashable.

Tất nhiên, 3 trong số 2,5 triệu thiết bị là không đủ để kết luận điều gì, nhưng nó cũng cho thấy không phải thiết bị nào cũng tự nhiên phát nổ khi dùng bình thường.

Sau đó, họ đặt một chiếc đèn tỏa nhiệt công suất 1.000 watt ngay trên chiếc Note 7 và tăng nhiệt nó lên trên mức an toàn, chiếc Note 7 đã phát lửa. Điều này gợi ý rằng Note 7 vẫn phát nổ nếu dùng sai cách, hơn là tự nổ từ bên trong.

Cần thêm bằng chứng

Nhiều chuyên gia trao đổi với Mashable cho rằng cần thêm nghiên cứu để hiểu câu chuyện này.

Dù rằng việc gấp gáp của Samsung để đưa Note 7 ra thế giới là có thật, họ cho rằng đây là việc bình thường. Và thật xui xẻo khi Note 7 trở thành ác mộng cho nhà sản xuất Hàn Quốc.

Tuy vậy, sẽ cần nhiều bằng chứng hơn, có thể việc phát nổ là tổng hợp của nhiều yếu tố trong cả quá trình sản xuất lẫn sử dụng.

Dong-jin Koh, giám đốc mảng di động của Samsung nói với báo chí Hàn Quốc tháng trước rằng "lỗi nằm ở quá trình sản xuất khiến các điện tích âm và dương tiếp xúc với nhau" và cho rằng khó xác định chính xác nguyên nhân.

Samsung cũng không phải gã tay mơ, nhưng với Note 7, có lẽ họ đã gặp khoảng cách giữa ước mơ và khả năng thực tế. Nói ngắn gọn, các thành tố hoàn hảo chưa đủ sức hòa quyện vào nhau.

Note 7 tốt về mọi mặt - cấu hình khủng, màn hình lớn và viên pin khổng lồ trong một thiết kế quá đẹp - nhưng đáng tiếc, nó có vẻ chưa sẵn sàng chào thế giới

Theo Lê Phát (Zing.vn)