Công nghệ

Máy ảnh thấp cấp bị smartphone “vùi dập” trên thị trường Việt

Cồng kềnh, thiết kế cổ lỗ, sản xuất ra những tấm ảnh làng nhàng, dòng máy ảnh compact cấp thấp đang bị smartphone loại khỏi cuộc chơi và phải vật vã biến mình để phù hợp với xu thế mới.

Cồng kềnh, thiết kế cổ lỗ, sản xuất ra những tấm ảnh làng nhàng, dòng máy ảnh compact cấp thấp đang bị smartphone loại khỏi cuộc chơi và phải vật vã biến mình để phù hợp với xu thế mới.
Máy ảnh số giá rẻ đã... hết thời?
 
Nếu không có khẩu độ lớn, giao tiếp Wi-Fi hay NFC (Near-Field Communications - công nghệ kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn) với smartphone, chụp ảnh nhanh và thiết kế đẹp mắt thì tốt nhất không nên giới thiệu những chiếc máy ảnh số như vậy ra thị trường.
 
Từ khi iPhone ra đời vào năm 2007, thị trường máy ảnh số dòng compact đã sang một trang mới, khi đối thủ cạnh tranh trực tiếp không phải là những nhà sản xuất máy ảnh khác thương hiệu cùng phân khúc, mà lại là những hãng điện thoại tên tuổi như Apple, Sony, LG, Samsung, HTC và Nokia.
 
Theo thống kê gần nhất của Flickr trong năm 2014, thiết bị đóng góp nhiều ảnh chụp được tải lên nhất là iPhone với các model thông dụng như iPhone 4S, iPhone 5, iPhone 5S và iPhone 6.
 
Cách đây vài năm, những chiếc máy ảnh như Canon dòng A hay Sony dòng T, W... có thể có giá trên dưới 4 triệu đồng nhưng giờ đây, thật khó mà phân biệt được chất lượng ảnh từ những chiếc máy này với ảnh chụp từ điện thoại có giá từ 5 triệu đồng trở lên.
 
“Thậm chí, ảnh từ điện thoại long lanh hơn rất nhiều với chỉ vài thao tác chỉnh sửa, lọc màu trong điện thoại”, Minh Thư (học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho biết.
 
Những sản phẩm máy ảnh compact phân khúc thấp như thế này giờ chẳng mấy ai ngó ngàng tới. Ảnh: Thành Lương
 
Tỏ ra khá là coi thường những chiếc máy ảnh nhỏ bé, Thư nói rằng compact giờ đây chỉ dành cho những ông già như ông nội của em. Thế hệ của Thư có lẽ đã đặt dấu chấm hết cho những chiếc máy ảnh compact giá rẻ tại Việt Nam, trên thế giới xu hướng này cũng không có nhiều khác biệt.
 
Tại Media Mart 29 Hai Bà Trưng, khu trưng bày máy ảnh số giá rẻ trở nên chỏng trơ và lạc lõng ở tầng 2, không một ai đứng bên cạnh, ngược hẳn với sự sôi động của gian hàng về điện thoại ở tầng 1.
 
Lướt bàn tay thuần thục lên màn hình của chiếc Samsung Edge có giá xấp xỉ 20 triệu đồng, khách hàng Trần Duy Hải nói ngay với người bạn đi cùng: “Con này thấy bảo chụp ảnh ngon” và chụp thử, chứ không phải thử những tính năng khác gần với một chiếc điện thoại hơn là "nghe" và "gọi điện".
 
Dường như ranh giới giữa máy ảnh và điện thoại bị xoá nhoà đi rất nhiều kể từ khi xuất hiện những chiếc điện thoại có khả năng chụp ảnh đẹp, bắt đầu với iPhone 4S, HTC One X và hiện nay là iPhone 6, iPhone 6 Plus, Samsung Edge, Sony Z4 hay LG G4
 
Nhập cuộc chơi mới
 
Mặc dù trong phân khúc giá rẻ, máy ảnh số dường như không còn “cửa” nào để đấu lại smartphone, nhưng những hãng máy ảnh số đang dần thích nghi với cuộc chơi mới với một số đại diện tiêu biểu mới.
 
Anh Sơn, một người kinh doanh máy ảnh số tại phố Vọng Đức (Hà Nội) chia sẻ, cách đây vài năm, Canon áp đảo trên mọi phân khúc, từ máy ảnh compact cho đến dòng DSLR. Tuy nhiên, hiện nay doanh số máy ảnh compact giá rẻ của Canon giảm thảm hại, nhiều cửa hàng không mặn mà với dòng sản phẩm này; trong khi đó, dòng máy ảnh thay đổi ống kính (DSLR) có dấu hiệu chững lại, xu thế này cũng tương đồng với những thương hiệu khác.
 
Anh Trần Mạnh Trí, quản lý của cửa hàng Photoking (186 Hoàng Quốc Việt) đồng tình với nhận định, dòng máy ảnh compact phân khúc bình dân đang giảm doanh số, DSLR chững lại, dòng máy ảnh không gương lật (Mirrorless) có thể thay ống kính đang được ưa chuộng nhiều hơn. Song cũng có một phân khúc khác được quan tâm, đó là dòng máy ảnh compact cao cấp.
 

Model X100S của Fujifilm mới đây được nâng cấp lên X100T với các kết nối tương thích với smartphone. Ảnh: Cường C

 
Trong đó, dường như Fujifilm đang đi đầu với series rất thành công của họ, bao gồm X100, X100S và X100T với cảm biến X-Trans 16.3 MP, tiêu cự ống kính 23mm, khẩu F2.0 (tương đương 35mm trên full-frame), hiện tại giá của X100T là 25,3 triệu đồng, đắt ngang ngửa những chiếc máy DSLR khác. Fujifilm cũng có những chiếc máy ảnh compact dòng X với giá trên dưới 10 triệu đồng. Đây là mức giá ngang với nhiều smartphone cao cấp.
 
Thay vì cho ra mắt những chiếc máy ảnh compact với thiết kế hiện đại, Fujifilm lại quay về với thiết kế hoài cổ được nhiều người khen ngợi, hiện máy ảnh của Fujifilm được đánh giá là "nếu không chụp ảnh được thì mang về nhà bày tủ cũng được".
 
Tấm ảnh này được chụp từ chiếc Fujifilm X100 cho thấy chất lượng ảnh không hề kém DSLR. Ảnh: Vũ Mạnh Hùng
 
Hai đại diện khác đến từ Nhật Bản là Sony và Canon cũng vừa tung ra thị trường những chiếc máy ảnh compact cao cấp với giá thành không rẻ. Trong đó, “át chủ” của Sony là chiếc Cyber Shot RX100 IV với dải tiêu cự góc rộng từ 8,8-25,7mm (tương đương 24-70mm trên fullframe), khẩu F1.8 – 2.8, giá 23 triệu đồng.
 
Trong dòng compact cao cấp, Canon một thời "làm mưa làm gió" với những chiếc Canon series G từ G1 cho đến G16, giá xấp xỉ 500 USD/chiếc khi ra mắt, tuy nhiên, hiện tại mẫu mới nhất trong dòng này là Canon G16 có giá trung bình khoảng 370 USD, tương đương 7.7 triệu đồng. Sau Canon G16, người ta đang chờ đợi Canon G17 thì Canon lại giới thiệu chiếc G3 X có kết nối Wi-Fi, NFC, khẩu f/2.8-5.6, tiêu cự 24mm cho đến 600mm (zoom 25X) với giá đề xuất tương đương 21 triệu đồng. Đây cũng là chiếc máy ảnh dòng compact cao cấp nhất của Canon hiện nay.
 
Điểm tương đồng giữa những chiếc máy ảnh compact thế hệ mới là phải giao tiếp được với smartphone thông qua các kết nối như Wi-Fi hay NFC. Ngay cả "đỏng đảnh" và... "bất cần" chả giống ai như Leica cũng không thoát khỏi xu thế đó. Leica vừa cho ra mắt Leica Q, tuy là dòng compact nhưng lại sử dụng cảm biến ảnh full-frame 24 MP, tiêu cự 28mm và khẩu độ F1.7, kết nối Wi-Fi và NFC với giá xấp xỉ 90 triệu đồng.
 
Các nhà sản xuất cũng bắt đầu đưa hệ điều hành cao cấp như Android lên máy ảnh, tiêu biểu là Samsung và Nikon nhưng chưa gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, có thể không lâu nữa, nhiều nhà sản xuất khác có thể phải thay đổi hệ điều hành mới cho sản phẩm của mình để phù hợp với xu thế, thay vì sử dụng firmware giản đơn hiện nay.
 

Trước đây, máy ảnh hệ thống compact (CSC) là thuật ngữ, dùng để chỉ những chiếc máy ảnh nhỏ, gọn, không có gương lật, không thể thay đổi ống kính và ít tính năng, vận hành đơn giản như việc giơ máy lên và bấm nút chụp. Hiện tại, máy ảnh compact đã phân chia ra nhiều phân khúc khác nhau, trong đó phân khúc giá rẻ thường có lớp vỏ nhựa, chất lượng ảnh bình thường, phân khúc cao cấp sử dụng cả cảm biến full-frame, ống kính có chất lượng quang học cao, được làm từ những chất liệu hợp kim cao cấp, cho ra những hình ảnh có chất lượng tốt và được người dùng ưa chuộng.

 
>> Fujifilm ra X-T1 IR chụp được ánh sáng mắt thường không thấy
 
Theo Thành Lương (Ictnews.vn)