Công nghệ

Facebook thay đổi chính sách sau bức ảnh “Em bé Napalm”

Facebook đang thay đổi chính sách để tránh lặp lại sai lầm khi gỡ ảnh “Em bé Napalm” khỏi mạng xã hội hồi tháng trước.

Facebook đang thay đổi chính sách để tránh lặp lại sai lầm khi gỡ ảnh “Em bé Napalm” khỏi mạng xã hội hồi tháng trước.
 
Facebook bị chỉ trích vì gỡ ảnh "Em bé Napalm" khỏi mạng xã hội.

Facebook vừa thông báo kế hoạch hạn chế kiểm duyệt các bài đăng chứa nội dung có thể vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của mạng xã hội về ảnh khỏa thân và bạo lực. “Trong những tuần tiếp theo, chúng tôi sẽ bắt đầu cho phép nhiều nội dung mà mọi người thấy là có giá trị, quan trọng đối với công chúng, kể cả khi có khả năng vi phạm tiêu chuẩn”, blog của Joel Kaplan, Phó Chủ tịch chính sách toàn cầu của Facebook và Justin Osofsky, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ truyền thông viết.

Thay đổi của Facebook được đưa ra 1 tháng sau khi mạng xã hội này trở thành tâm điểm tranh cãi trên toàn cầu vì gỡ ảnh “Em bé Napalm”. “Em bé Napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Ut là một trong những bức ảnh chiến tranh nổi tiếng nhất, chụp lại cảnh một bé gái Việt Nam bị cháy hết quần áo và bỏng toàn thân sau một cuộc tấn công bằng bom Napalm. Trước sức ép từ truyền thông và cộng đồng, Facebook đã phải cho bức ảnh xuất hiện trở lại.

Ngoài ra, trong tuần này, Facebook lại tiếp tục bị chỉ trích vì gỡ video về nhận thức bệnh ung thư vú tại Thụy Điển. Sau đó, công ty phải xin lỗi và nhận sai.

Thay đổi trong chính sách của Facebook có thể được lòng công chúng nhưng cũng đặt mạng xã hội vào vị trí mới là xác định cái gì có giá trị tin tức, cái gì không. Nhiều năm nay, Facebook nhấn mạnh nó là một công ty công nghệ, không phải truyền thông. Nó phụ thuộc vào tiêu chuẩn cộng đồng rõ ràng và thuật toán để duy trì quy định với 1,7 tỷ người dùng thay vì chức năng biên tập. Facebook thậm chí còn cho một số biên tập viên nghỉ việc thời gian gần đây.

Còn theo bài đăng mới, Facebook có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn với “nhà xuất bản, nhà báo, nhiếp ảnh gia” và những người khác để xử lý tốt hơn các nội dung mà nó cho phép. Cho đến nay, mạng xã hội vẫn còn mơ hồ về cách thức hoạt động chính xác. Ai sẽ tham gia vào việc xác định một bài đăng có giá trị hay không? Quan chức tại một số nước có thể xét thấy một bài đăng là có giá trị không nếu nó không vì lợi ích cộng đồng? Các bài đăng nhạy cảm nhưng giá trị có đi kèm cảnh báo không?

Đại diện Facebook chưa bình luận nhưng một điều chắc chắn là thuật toán không đủ sức giải quyết vấn đề này.

Theo Du Lam (Ictnews.vn)