Công nghệ

Facebook bị phanh phui dùng mọi "thủ đoạn" theo dõi người dùng

Facebook bị tố theo dõi người dùng ngay cả khi họ đã đăng xuất khỏi trang, vô hiệu hóa tài khoản. Thậm chí những người không lập tài khoản Facebook cũng không thoát khỏi tai mắt của mạng xã hội này.

Facebook bị tố theo dõi người dùng ngay cả khi họ đã đăng xuất khỏi trang, vô hiệu hóa tài khoản. Thậm chí những người không lập tài khoản Facebook cũng không thoát khỏi tai mắt của mạng xã hội này.
Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban Quyền riêng tư của Bỉ (Belgian Privacy Commission), mạng xã hội Facebook đã lén lút theo dõi hoạt động lướt web của công dân châu Âu, bất chấp việc người dùng đã thiết lập "không theo dõi" bởi Facebook và các công ty Internet khác. Facebook theo dõi những người dùng đã đăng xuất khỏi trang và thậm chí là những người không lập tài khoản.
 
 
Điều này đồng nghĩa với việc Facebook không chỉ phớt lờ các quyền riêng tư của người dùng, mà còn vi phạm pháp luật của châu Âu - luật lệ yêu cầu các công ty Internet như Facebook phải được sự đồng ý của người dùng mới được phép theo dõi họ qua cookie lưu trên máy tính. 
 
Việc mạng xã hội này theo dõi thói quen lướt web của người dùng Internet không có mục đích gì khác ngoài việc bán quảng cáo. Từ việc theo dõi, Facebook biết được bạn đang quan tâm đến sản phẩm, lĩnh vực nào, từ đó sẽ hiển thị các quảng cáo liên quan.
 
Cách làm này của Facebook đã bị Liên minh châu Âu (EU) "soi" trong nhiều tháng qua vì lo ngại sẽ ảnh hưởng tới quyền riêng tư của công dân.
 
Cách đây chưa lâu, Ủy ban Quyền riêng tư của Bỉ cũng vừa phát hành một báo cáo kết luận rằng, dù Facebook đã cập nhật chính sách quyền riêng tư vào tháng 1/2015 nhưng bản cập nhật này vẫn tiếp tục vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng ở châu Âu. Bản báo cáo mới đây của Ủy ban này tiếp tục khai thác để làm rõ các cơ chế theo dõi, cũng như các thử nghiệm để chứng minh các công cụ (social plug-ins) của Facebook - như nút Like - đã được sử dụng như thế nào nhằm theo dõi người dùng trên web.
 
"Khi một người dùng đã đăng nhập vào Facebook và truy cập vào một website có nhúng social plug-ins của mạng xã hội này, Facebook sẽ nhận được Facebook ID, ID trình duyệt, URL của trang. Khi người dùng Facebook lựa chọn họ không muốn bị theo dõi, Facebook vẫn không buông tha mà theo dõi họ qua cookies trên trình duyệt" - báo cáo cho biết.
 
Các nhà nghiên cứu của Ủy ban Quyền riêng tư Bỉ cũng cho hay, các cookie theo dõi này được lưu trữ trên thiết bị của người dùng ngay cả khi họ vô hiệu hóa (deactivate) tài khoản của mình. Một số plug-ins của Facebook thậm chí còn theo dõi cả những người chưa từng lập tài khoản trên mạng xã hội này.
 
Bản báo cáo tố rằng chương trình cho phép người dùng không bị theo dõi (opt-out) của Facebook và các công ty như Microsoft, Google, không hề có hiệu lực ở châu Âu. Nhóm nghiên cứu đã truy cập vào trang web của Liên minh quảng cáo số châu Âu (European Digital Advertising Alliance) - website được sử dụng để cho phép người dùng thiết lập không bị theo dõi - và họ nhận thấy rằng Facebook đã đặt một cookie theo dõi mới trên máy tính của họ. Cookie này có thể tồn tại 2 năm trên máy, trừ khi người dùng biết cách để xóa thủ công nó. Các nhà nghiên cứu cho biết nếu truy cập vào trang của Liên minh quảng cáo số ở Mỹ và Canada, họ không bị chèn cookie theo dõi vào máy như khi trường hợp ở châu Âu. Theo báo Guardian, kết luận này cũng được xác nhận bởi Steven Englehardt, một nhà nghiên cứu độc lập của đại học Princeton.
 
Đáp trả lại các cáo buộc trên, Facebook mới đây lên tiếng phản bác báo cáo của Ủy ban Quyền riêng tư Bỉ. Người đại diện Facebook cho biết: "Bản báo cáo này chứa những thông tin không đúng thực tế. Các nhà nghiên cứu chưa bao giờ liên lạc với chúng tôi hay tìm cách làm sáng tỏ các thông tin. Họ cũng không mời chúng tôi bình luận về báo cáo trước khi công bố công khai nó. Chúng tôi đã giải thích chi tiết về các thông tin sai sự thật trong một báo cáo dự thảo trước đó và sẵn sàng gặp mặt giải thích với nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, họ đã từ chối gặp hoặc hợp tác với Facebook".
 
Theo Anh Quý (Ictnews.vn)