Công nghệ

Cước điện thoại hơn 1,1 tỷ đồng có thể phát sinh như thế nào

Chuyên gia viễn thông cho rằng có thể xảy ra tình trạng cước điện thoại phát sinh lên đến hơn một tỷ đồng mà nhà mạng không kịp cảnh báo cho khách hàng.

Chuyên gia viễn thông cho rằng có thể xảy ra tình trạng cước điện thoại phát sinh lên đến hơn một tỷ đồng mà nhà mạng không kịp cảnh báo cho khách hàng.

Sau vụ tranh cãi về hóa đơn tính cước điện thoại di động hơn 1,1 tỷ đồng giữa khách hàng và Trung tâm Viễn thông Cái Nước (Cà Mau), nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh trách nhiệm của nhà mạng đối với việc cảnh báo và chặn cuộc gọi khi tiền cước của khách hàng tăng đột biến, đặc biệt khi phát sinh những cuộc gọi quốc tế bất thường.

Anh Khoa (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên phải đi công tác nước ngoài nên có đăng ký dịch vụ chuyển vùng quốc tế (international roaming) để giữ liên lạc những khi cần thiết. Là dịch vụ giống như khách hàng Võ Thị Ngọc Bích sử dụng trong vụ chịu cước 1,1 tỷ đồng, loại hình này cho phép khách hàng dùng chính thẻ SIM và số thuê bao di động của mình để liên lạc khi đang di chuyển ở các quốc gia khác.

Để sử dụng dịch vụ, anh Khoa hay chị Bích phải ký hợp đồng với nhà mạng, đồng thời đặt cọc 3-5 triệu đồng, tương đương với hạn mức sử dụng đã đăng ký. Trong những lần đi công tác tại Singapore, Trung Quốc..., anh Khoa cho biết đều sử dụng dịch vụ và bị đội cước gấp đôi hạn mức đăng ký nên nhà mạng tự động chặn hết dịch vụ và thông báo bằng tin nhắn. Nhờ đó, cước roaming của anh sau mỗi chuyến công tác vào khoảng vài triệu đồng.
 

Thông thường, nếu khách hàng roaming quá hạn mức đăng ký một mức nhất định, nhà mạng sẽ chặn dịch vụ và có thông báo bằng tin nhắn. Ảnh: Anh Quân

Một chuyên gia viễn thông đang làm việc tại một trong 3 nhà mạng lớn nhất nước cho biết việc cảnh báo và chặn cuộc gọi nêu trên luôn được các nhà mạng áp dụng để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như chủ thuê bao. Tuy nhiên, việc cước phí điện thoại của một khách hàng, như trường hợp của chị Bích nêu trên, bị đội lên đến hơn một tỷ đồng là hoàn toàn có thể xảy ra, mà nhà mạng không kịp cảnh báo tới chủ thuê bao.

"Khi roaming, khách hàng sử dụng hạ tầng mạng di động của quốc gia khác nên dữ liệu sẽ do họ gửi về phía Việt Nam. Với một số quốc gia, doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng tốt, tính cước phí roaming trực tuyến nên nhà mạng Việt Nam nhận được dữ liệu nhanh. Tuy nhiên, ở một số nước, việc cập nhật theo phương pháp offline, tức là định kỳ mới gửi về mạng chủ, thậm chí qua vài cầu trung gian nên dữ liệu có thể về chậm hơn nên cước phát sinh lớn mà doanh nghiệp không kịp cảnh báo cho khách hàng", chuyên gia này cho lý giải.

Và theo ông, nếu sau khi chị Bích bị mất điện thoại, kẻ xấu dùng sim này để thực hiện cuộc gọi vừa roaming quốc tế (tính theo mức cước của nhà mạng Việt Nam), vừa gọi đi quốc tế (cước tính từ Lào gọi đi), tức là 2 khoản cước này cộng lại thì rất có thể phát sinh con số lớn.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia thuộc nhà mạng khác cũng lấy ví dụ, có thể khách hàng sử dụng dịch vụ roaming từ hôm nay, nhưng ngày mai nhà mạng trong nước mới nhận được dữ liệu và biết bị tính bao nhiêu tiền nên cũng khó chặn sớm.

Ông cũng lý giải, hiện nay nếu nhà mạng các quốc gia đều chuyển sang tính cước roaming theo cách trực tuyến, thay vì gửi dữ liệu định kỳ thì mới khắc phục được triệt để tình trạng nói trên.

"Khi đó, nếu có giao dịch vượt ngưỡng thì nhà mạng phía Việt Nam sẽ chặn luôn, giống như tính cước phí trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp viễn thông ở nhiều nước vẫn áp dụng phương thức tính cước offline, nên trong nhiều trường hợp thuê bao cứ gọi bên mạng khách, sau đó dữ liệu mới được gửi cho nhà mạng Việt Nam nên rất khó kiểm soát. Nếu chu kỳ tính cước của phía mạng khách không đủ ngắn thì chỉ trong vòng vài giờ cước thuê bao lên tới tiền tỷ cũng có thể xảy ra", ông này lý giải.

Việc chủ thuê bao này đặt câu hỏi về bảng kê chi tiết của nhà mạng cho thấy trong cùng một thời điểm (cùng giây, cùng phút, cùng giờ) có nhiều cuộc gọi được thực hiện và đều bị tính phí, thậm chí nhiều lúc chỉ trong một phút có thể thực hiện đến 49 cuộc gọi… các chuyên gia cũng lý giải không phải điều bất hợp lý.

"Có thể thay vì ghi thời gian gọi thực sự họ lại ghi thời điểm kết xuất dữ liệu. Hoặc nếu một chiếc sim được cắm vào thiết bị chuyên dụng để chuyển cuộc gọi quốc tế thì hoàn toàn có thể thực hiện được số cuộc gọi lớn cùng lúc", ông này lý giải.

Để làm sáng tỏ nội dung nói trên, các chuyên gia viễn thông cho rằng, nhà mạng có thể làm việc với mạng khách nơi chủ thuê bao để tìm hiểu kỹ xem dữ liệu có lặp không.

Trước đó, trả lời những vướng mắc của Tòa án huyện Phú Tân, Cà Mau, Cục Viễn thông cũng cho biết, do số thuê bao của khách hàng này đã đăng ký sử dụng dịch vụ gọi và chuyển vùng quốc tế, kèm theo chuyển tiếp cuộc gọi nên việc phát sinh cuộc gọi và việc tính cước như nội dung bảng kê chi tiết cước viễn thông là có khả năng xảy ra. Đó là trường hợp thuê bao này chuyển tiếp cuộc gọi tới một tổng đài (tổng đài trả lời tự động, các dịch vụ tư vấn thoại...).

Chưa đưa ra bình luận về sự việc này với lý do vụ án đang trong quá trình thụ lý của tòa, song theo đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - đơn vị chủ quản của nhà mạng có thuê bao phải chịu cước 1,1 tỷ đồng, đơn vị này sẽ hợp tác cũng như tạo điều kiện cho khách hàng để làm rõ các nội dung nói trên.
 

Đầu năm 2014, chị Võ Thị Ngọc Bích có bắt đầu sử dụng thuê bao di động trả sau với dịch vụ chuyển vùng quốc tế và ký gửi số tiền 5 triệu đồng. Sau khi đăng ký ít ngày, chị đưa điện thoại cho người em sử dụng trong chuyến đi Lào.

Ngay trong ngày tới Lào, em chị Bích cho biết bị mất điện thoại và đã gọi cho tổng đài khóa máy vào ngày hôm sau. Sau khi trở về nước, gia đình chị không lưu tâm đến vụ việc này nữa, trước khi nhận được giấy báo tiền cước tháng 1/2014 lên tới 1,14 tỷ đồng, kèm theo danh sách 5.939 cuộc gọi, trong đó có nhiều cuộc gọi diễn ra trong cùng thời điểm. Do gia đình chị và nhà mạng không thống nhất được hướng giải quyết, vụ việc đã được đưa ra tòa án phân xử, song đến nay chưa có kết quả.
 
>> Những vụ tính cước điện thoại khó hiểu của nhà mạng
>> "Để khách nợ cước 1,1 tỷ đồng là lỗi của nhà mạng"
>> Cước điện thoại lên đến hơn 1,1 tỉ đồng/tháng
 
Theo Ngọc Tuyên (VnExpress.net)