Công nghệ

"Cháu ông chú ở Viettel", chiêu lừa mới từ mánh khoé cũ

Lợi dụng sự cả tin và hám lợi của người sử dụng, kẻ đội lốt "cháu của ông chú ở Viettel" đã khiến nhiều người điêu đứng vì nạp mã số thẻ cào vào tay kẻ lừa đảo.

Lợi dụng sự cả tin và hám lợi của người sử dụng, kẻ đội lốt "cháu của ông chú ở Viettel" đã khiến nhiều người điêu đứng vì nạp mã số thẻ cào vào tay kẻ lừa đảo.


Một spam trên mạng xã hội lừa đảo nạp thẻ Viettel được nhận khuyến mại gấp 10 lần.

 
Kẻ xấu thường phát tán thông điệp với nội dung: “Có thể mọi người sẽ không tin nhưng cam đoan là sự thật 100%, theo thông tin mới lộ ra do người chú của mình làm ở Viettel cho biết thì Viettel đang có chương trình khuyến mãi đặc biệt… khuyến mãi X10 giá trị thẻ nạp cho nhân viên trong công ty của Viettel, nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập tập đoàn Viettel”.

Tin này chỉ trong Viettel mới biết nhé. Chú mình đã bảo mình làm ngay và Mình đã nạp được 1 cái thẻ 200k rồi, tài khoản của mình hiện tại là 2 triệu, mình nghĩ nên share lên chia sẻ cho mọi người cùng biết…”

Để thuyết phục hơn, nhưng kẻ lừa đảo còn sử dụng hình ảnh được chỉnh sửa với nội dung tài khoản tăng 10 đến 20 lần để tăng mức độ tin cậy cho người dùng. Các bước xác thực là nhân viên của Viettel trong cú pháp mà kẻ lừa đảo đưa ra, chính là bước để người dùng nạp thẳng tiền vào số điện thoại của chúng.

Thực ra, đây không phải là một hình thức lừa đảo mới. Nó được biến tướng từ các mánh khoé đã tồn tại trên mạng từ lâu nay như việc ướp nick Yahoo hay nick Facebook rồi chat lừa đảo đang có việc gấp, nhờ cào hộ thẻ cào Vina, Mobi, Viettel mệnh giá 100k-500k.

Tuy nhiên, trò lừa ông chú ở Viettel có xác suất cao hơn vì phát tán nội dung lừa đảo qua kẽ hở của Facebook giống như virus. Người bị hại dễ mắc lừa vì được dụ chỉ cần bấm vào đường link và nhập mã thẻ, số di động của họ là được nhân 10 lần -20 lần giá trị thẻ nạp vào tài khoản.

Kẻ xấu sử dụng hình ảnh lừa đảo đưa lên Facebook để dụ những người hám lợi nạp tiền vào website của chúng.


Hình thức lừa đảo này được phát tán với mức độ chóng mặt cũng chính do những người dùng Facebook nhẹ dạ lỡ click vào đường link và bị hijack tài khoản, tiếp tay cho kẻ xấu phát tán status lừa đảo vào timeline của tất cả các friends.

Ngoài hình thức lừa đảo có "ông chú làm Viettel", gần đây còn xuất hiện nhiều biến tướng khác như có ông anh, bà chị làm tại các nhà mạng,... Người dùng phải luôn cảnh giác với các thông tin spam trên mạng xã hội, thậm chí là cả các tin nhắn trực tiếp đến điện thoại để không bị kẻ xấu lợi dụng, mất tiền oan.
 
>> Lộ diện cháu thứ 2 của “ông chú ở Viettel”
>> Bắt giam “cháu” của “ông chú ở Viettel”
>> Viettel lên tiếng về “ông chú làm ở Viettel”
Theo H.P (VietNamNet)