Công nghệ

Bức hình 12 chấm đen thành hiện tượng mạng

Ngày 10/9, nhà phát triển trò chơi Will Kerslake đăng bức ảnh lên Twitter, nó trở thành hiện tượng được chia sẻ nhiều.

Ngày 10/9, nhà phát triển trò chơi Will Kerslake đăng bức ảnh lên Twitter, nó trở thành hiện tượng được chia sẻ nhiều.

Thực tế, ảo ảnh này đã xuất hiện trên Facebook trước đó một ngày bởi giáo sư tâm lý Nhật Bản Akiyoshi Kitaoka, và cũng đã được chia sẻ 4.600 lần. 

Buc hinh 12 cham den thanh hien tuong mang hinh anh 1
Rất ít người có thể nhìn thấy 12 chấm đen cùng lúc. Ảnh: Will Kerslake.

Lật lại lịch sử, ảo ảnh này xuất hiện trên một bài báo thuộc tạp chí khoa học Perception năm 2000.

Thực tế, có đủ 12 chấm đen trong hình, nhưng đa số người xem không thể thấy chúng cùng lúc. "Họ nghĩ, đây là một khủng hoảng triết học về tồn tại", Derek Arnold, nhà khoa học hình ảnh tại Đại học Queensland, Australia phân tích, "Làm sao tôi biết đâu là hình ảnh thật?".

Ông nói thêm, những nhà khoa học hiểu rằng hình ảnh do hệ thống thị giác chúng ta tạo ra đôi khi không trùng khớp với sự thật. Trong ảo ảnh này, các đốm đen ở trung tâm ánh nhìn của bạn sẽ luôn xuất hiện, nhưng cùng lúc đó các chấm đen ở xung quanh sẽ ẩn hiện liên tục.

Đó là bởi vì mắt người có tầm nhìn ở biên rất tệ. Nếu bạn tập trung vào một từ ở giữa câu này, bạn sẽ thấy nó rất rõ. Nhưng nếu bạn thử đọc cả câu mà không di chuyển mắt, các chữ hầu như rất mờ ảo.

Kết quả, bộ não thường tự đoán xem các hình ảnh ở ngoại biên tầm mắt trông như thế nào, và nó hiển thị hình ảnh theo phỏng đoán đó.

Nghĩa là, nếu bạn nhìn vào một đốm đen ở trung tâm tầm mắt, toàn bộ hệ thống thị giác của bạn sẽ bắt đầu "điền" vào các khoảng xung quanh. Với những đường xám dọc ngang đều đều theo quy luật trên nền trắng, bộ não "đoán" rằng ở biên cũng có các hình ảnh tương tự, do đó nó "xóa" đi các chấm đen, vốn không nằm trong quy luật.

Các chấm đen này xuất hiện và biến mất khi mắt bạn di chuyển, "như một camera không được giữ ổn định", Arnold nói. Một vài yếu tố khác cũng ảnh hưởng, nếu bạn nhìn gần vào đường lưới xám, bạn sẽ thấy những ô trắng lòe nhòe tại các giao điểm.

Cũng tương tự như các ô đen xuất hiện tại giao lộ của những đường màu trắng trong ảo giác lưới Hermann. Đây là kết quả của các tế bào hạch trung tâm ở võng mạc, nằm ở đuôi mắt với nhiệm vụ phát hiện độ tương phản.

Buc hinh 12 cham den thanh hien tuong mang hinh anh 2
Giao điểm các đường đen sẽ là ảo giác ô màu trắng, và giao điểm đường trắng là ô đen. Ảnh: Hermann.

"Tại các vị trí không phải giao điểm, bạn thấy loạt đường thẳng màu xám, bao quanh bởi nhiều màu trắng", Arnold cho biết, "khi đến giao điểm, bạn thấy nhiều đường xám hơn, do đó mức màu trắng giảm đi".

Bởi độ tương phản màu ở các giao điểm thiên về xám nhiều hơn trắng, bộ não cho rằng màu xám ở các giao điểm "nhạt hơn" so với trên các cạnh. Do đó, nó "bù" màu trắng vào các điểm, tạo ra ảo giác về các ô màu trắng ở giao điểm.

Tương tự với ảo giác ở đầu bài, ở tầm mắt biên của chúng ta, "Bộ não sẽ 'trung hòa' các chấm đen mờ, dù chúng thực sự nằm đó".

Arnold nói thêm chúng ta không thực sự hiểu về cơ chế thần kinh đứng sau việc này. Nhưng ảo ảnh này cũng là một công cụ tốt để tìm hiểu cơ chế đó.

Theo Lê Phát (Zing.vn)