Công nghệ

Apple và Samsung gặp khó tại thị trường Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường béo bở, song sức ép đến từ rào cản pháp lý cũng như từ các công ty nội địa khiến việc kinh doanh tại đây của Apple, Samsung đang trở nên khó khăn hơn.

Trung Quốc là thị trường béo bở, song sức ép đến từ rào cản pháp lý cũng như từ các công ty nội địa khiến việc kinh doanh tại đây của Apple, Samsung đang trở nên khó khăn hơn.

Tuần này, Cục quản lý nhà nước về Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình (SARFT) tại quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân cho rằng Apple sử dụng trái phép bộ phim từ năm 1994 do họ sở hữu tác quyền. SARFT khẳng định họ chịu thiệt hại "vô cùng lớn về kinh tế" khi Apple cho phép ứng dụng Youku Tudou phát phát phim này trên Apple TV.

Đây là trường hợp mới nhất trong loạt các khó khăn mà "Quả táo" đang gặp phải tại Trung Quốc, thị trường chiếm hơn 25% doanh thu của hãng. Hồi tháng 5, Văn phòng sở hữu trí tuệ Bắc Kinh cũng ban hành lệnh cấm bán đối với hai sản phẩm là iPhone 6 và 6 Plus tại thành phố này. Cơ quan nói trên cho rằng Apple đã vi phạm bằng sáng chế về thiết kế của một điện thoại khác tên là 100C của Baili, công ty tại Thẩm Quyến (Trung Quốc). Apple đã nộp đơn kháng cáo và hiện vẫn được phép bán hai mẫu smartphone trên.

Chưa hết, một sự cố khác mà Apple hứng chịu tại Trung Quốc thậm chí còn trớ trêu hơn, liên quan đến thương hiệu iPhone. Trong tháng 5/2016, Apple thất bại trong cuộc chiến độc quyền thương hiệu iPhone tại thị trường Trung Quốc. Mặc dù vẫn có thể sử dụng cái tên này cho các sản phẩm điện thoại thông minh của mình, song một nhà sản xuất đồ da khác là Xintong Tiandi Technology cũng được phép dùng "iPhone" cho các mặt hàng của họ. Có nghĩa, nếu đến Trung Quốc, mọi người sẽ thấy những chiếc ví da, túi xách hay ốp điện thoại được dán nhãn "iPhone" hoàn toàn hợp lệ.
apple-va-samsung-gap-kho-tai-thi-truong-trung-quoc
Apple đang gặp không ít khó khăn tại Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters.

Trước đó, vào tháng 4, chính quyền Trung Quốc đột ngột đóng cửa iBooks Store và iTunes Movie của Apple, chỉ 6 tháng sau khi hai dịch vụ này được đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Nhà chức trách không giải thích gì thêm về lệnh cấm, nhưng cũng không khó hiểu trước quyết định của Trung Quốc, khi họ không muốn các công ty nước ngoài can thiệp quá nhiều vào việc cung cấp thông tin trong nước. Bằng chứng rõ ràng nhất là Google và cả mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cũng không được phép hoạt động tại đây. Không có iBooks và iTunes, Apple đơn thuần là một thương hiệu phần cứng tại Trung Quốc, trái ngược với những gì họ đã xây dựng ở thị trường nội địa Mỹ. Tại quê nhà cũng như một số thị trường khác, nội dung trực tuyến cũng là yếu tố không kém phần quan trọng trong việc thu hút khách hàng tìm đến sản phẩm mang thương hiệu Apple.

Những khó khăn vừa kể có tác động không nhỏ đến doanh số của Apple ở Trung Quốc. Có thể nói, tình hình kinh doanh khó khăn ở đây cũng như các thị trường lân cận gồm Hong Kong hay Đài Loan chính là nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm doanh thu đầu tiên sau 13 năm tăng trưởng của Apple trong quý vừa qua. Doanh thu từ các thị trường kể trên giảm 4,3 tỷ USD xuống còn 12,49 tỷ USD trong quý II năm tài chính 2016, trong khi tổng doanh thu giảm hơn 13%, xuống còn 50,55 tỷ USD. Nhà đầu tư, tỷ phú Carl Icahn cũng đã bán cổ phần của mình tại Apple vào tháng 4 với lý do xuất phát từ các tác động tiêu cực của thị trường Trung Quốc đến công ty.

Về phần Samsung, đối thủ hàng đầu của Apple, đã gặt hái được thành công nhất định với hai mẫu smartphone mới là Galaxy S7 và S7 edge với lợi nhuận thu về tăng đáng kể. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của hãng điện tử Hàn Quốc tiếp tục tụt dốc. Trong báo cáo mới, Samsung cho biết doanh số của họ năm thứ ba liên tiếp suy giảm tại Trung Quốc, với mức giảm qua các năm lần lượt là 18%, 16% và 15%. Năm 2013, nhà sản xuất Hàn Quốc từng dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc. Tuy vậy, việc chậm đưa ra những thay đổi phù hợp thị trường khiến Samsung chính thức mất ngôi vương vào tay Xiaomi, thậm chí còn tụt xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất hàng đầu.

Các công ty điện thoại thông minh Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi đang trỗi dậy mạnh mẽ và dần chiếm lĩnh thị trường trong nước, với các thiết bị giá rẻ nhưng chất lượng được cho là ngang ngửa so với các sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng hơn như Samsung.

Trung Quốc rõ ràng là thị trường vô cùng màu mỡ, là miếng bánh ngon đối với hầu hết các công ty, các tập đoàn lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù cả về pháp lý lẫn thị trường, các nhà sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ đã, đang và sẽ hoạt động tại đây có lẽ cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nếu muốn tồn tại và phát triển ở thị trường béo bở nhưng không kém phần khắc nghiệt mang tên Trung Quốc.

Theo Trí Nguyễn (VnExpress.net)