Giới trẻ

Sếp nữ 8X tại P&G: ‘Tại sao phải chọn gia đình hay sự nghiệp?’

Ở tuổi 32, chị Đặng Thị Hương Trang vừa nắm giữ cùng lúc 2 vị trí quan trọng tại P&G Việt Nam, vừa là mẹ đảm của một nhóc tì 2 tuổi rưỡi, mà vẫn có thời gian dành cho bản thân.

Giám đốc kinh doanh kênh phân phối hiện đại và Giám đốc kế hoạch và chiến lược thị trường toàn quốc của P&G Việt Nam chia sẻ, bên cạnh những nỗ lực của bản thân nhằm cân bằng cuộc sống, chính môi trường làm việc bình đẳng và sự hỗ trợ chu đáo của công ty đã giúp chị và các nhân viên nữ của P&G vừa hoàn thành tốt công việc, vừa toàn tâm với gia đình.

- Là một trong những lãnh đạo trẻ thành công của P&G Việt Nam, hành trình của chị đến với vị trí hiện tại như thế nào?

- Tôi gia nhập P&G khi vẫn còn đang là sinh viên năm cuối của Đại học Ngoại thương Hà Nội. Đến nay đã gần tròn 10 năm, tôi đã có cơ hội trải nghiệm rất nhiều lĩnh vực mà một nhân viên sales nào cũng mong muốn có được. Đó là từ quản lý nhà phân phối của kênh truyền thống đến quản lý khách hàng phân phối hiện đại chiến lược, từ lên kế hoạch và chiến lược thị trường kênh phân phối truyền thống Việt Nam đến lên kế hoạch và chiến lược cho ngành hàng tã giấy Pampers toàn cầu.

Tôi cũng đã được làm việc ở Hà Nội, TP.HCM và Singpore, đồng thời chịu trách nhiệm nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ ở Singapore, tôi đang giữ đồng thời 2 vị trí là Giám đốc kinh doanh kênh phân phối hiện đại và Giám đốc kế hoạch và chiến lược thị trường toàn quốc.

Sếp nữ 8X tại P&G: ‘Tại sao phải chọn gia đình hay sự nghiệp?’
Ở tuổi 32, chị Hương Trang hiện đang nắm giữ hai vị trí quan trọng tại P&G Việt Nam. Ảnh: NVCC.

- Đã và đang đảm trách nhiều vị trí quan trọng tại P&G Việt Nam, chị có là một “bông hoa giữa rừng gươm” trong đội ngũ lãnh đạo của P&G không?

- Không, tôi hoàn toàn không phải là “hàng hiếm”. Vào khoảng 2012 thì chỉ có 17% thành viên ban lãnh đạo là phụ nữ thôi, nhưng hiện nay, tỷ lệ này đã lên đến 50% - nghĩa là cân bằng giữa hai giới. Và tỷ lệ 50 - 50 này cũng được duy trì ở các vị trí quản lý, các cấp bậc khác trong đội ngũ nhân lực của P&G, kể cả khâu tuyển dụng.

Chính sách này là một phần của #WeSeeEqual, một chiến dịch toàn cầu của P&G nhằm trao quyền cho nữ giới, giúp họ có được tiếng nói và cơ hội để thể hiện trọn vẹn năng lực của mình. Nhiều nhãn hàng thuộc công ty P&G đã thực hiện những dự án rất hay nhằm xóa bỏ rào cản định kiến giới như Always với “Like a girl”, Ariel với “Share the load” hay Pantene với “Strong is beautiful”...

Không chỉ trên thế giới, mà ngay ở Việt Nam, P&G cũng có chương trình “Phụ nữ tự tin tiến bước” của Ariel, hay Downy Nước Hoa kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ với tinh thần #MãiKhôngPhai…

- #WeSeeEqual được đánh giá là một chiến dịch ý nghĩa, nhưng nam và nữ liệu có đúng là như nhau về năng lực? Rất nhiều người vẫn cho rằng kỹ năng lãnh đạo của nữ giới thường kém hơn so với phái mạnh, chị nghĩ sao về điều này?

- Tôi không nghĩ vậy. Về mặt thể chất, phụ nữ không bằng nam giới, nên chúng tôi hiểu rằng có những công việc chỉ dành riêng cho nam mà thôi, phụ nữ không thể giỏi bằng được. Tuy nhiên, trong việc lãnh đạo, nam giới thường có thể quyết định cứng rắn hơn, nhanh hơn nhưng phụ nữ lại có tính linh động, tỉ mỉ, chu đáo hơn.

Cho dù không phân biệt nam hay nữ thì bất kỳ ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu cả. Quan trọng là phải hiểu rõ bản thân để thay đổi hoặc chế ngự điểm yếu và tối ưu hóa các điểm mạnh. Chính vì vậy, công ty P&G cũng tôn trọng sự khác biệt, không chỉ giữa nam - nữ, mà cả giữa các sắc tộc, tôn giáo..., đúng như tinh thần của #WeSeeEqual.

- Để có thể toàn tâm với cả công việc và gia đình, hẳn cuộc sống của chị rất bận rộn? Một ngày của chị diễn ra như thế nào? Có bao giờ chị thấy mình đang cố gắng quá sức không?

- Một ngày của tôi bắt đầu lúc 6h khi thức dậy, chuẩn bị bữa sáng và đưa cậu con trai 2 tuổi rưỡi đi học, sau đó đến thẳng công ty vào lúc 8h. Ngày làm việc của tôi kết thúc vào lúc 16h để kịp đón con từ trường mẫu giáo về nhà. Sau đó là thời gian để chăm sóc, nấu ăn và chơi với con, đến chừng 18h thì con sẽ đi ngủ sớm.

Chồng tôi làm phi công nên giờ giấc cũng không cố định, những ngày chồng ở nhà thì thời gian biểu sẽ có chút thay đổi để gia đình quây quần bên nhau. Còn nếu không, thì từ 19h giờ, tôi đã có thể tiếp tục làm việc, nếu cần thiết.

Tôi quản lý một team lớn nhưng mọi người đều chuyên nghiệp nên công việc cũng rất suôn sẻ. Buổi trưa là thời gian tôi đi ăn, gặp gỡ và giao lưu với mọi người. Tôi cũng tham gia các bữa tiệc, các chuyến du lịch cùng công ty và xem đây là “Me time” - thời gian cho bản thân. Tôi cũng tập Yoga vào cuối tuần để rèn luyện sức khỏe, vì phải khỏe thì mới đủ sức để làm những điều mình muốn.

Sự nghiệp và gia đình, tôi muốn cả hai. Tôi vừa muốn đạt đến một cấp độ nào đó trong công việc, vừa có một gia đình hạnh phúc với chồng và con. Cuộc sống đúng là có bận rộn, nhưng một khi đã xác định được những giá trị mà bản thân theo đuổi, thì tôi sẽ cố gắng để thu xếp chu toàn.

Sếp nữ 8X tại P&G: ‘Tại sao phải chọn gia đình hay sự nghiệp?’ - 1
Dù công việc bận rộn nhưng chị Hương Trang vẫn dành thời gian chăm sóc con chu đáo. Ảnh: NVCC

- Ở các công ty nước ngoài, nhân viên thường về rất muộn, đôi khi đến 19h. Làm thế nào chị có thể rời công ty lúc 16h, đó có phải là đặc quyền dành cho nữ lãnh đạo tại P&G?

- Đó hoàn toàn không phải là đặc quyền, mà là sáng kiến ‘flex@work’ dành cho mọi nhân viên của P&G, cho phép chúng tôi cá nhân hóa thời gian làm việc một cách linh hoạt. Nhờ sáng kiến này, các nữ nhân viên có con nhỏ có thể tiếp tục đạt được kết quả tốt trong công việc, quản lý hiệu quả các ưu tiên trong công việc và cuộc sống đồng thời tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Song song đó, những công việc đòi hỏi nhiều phòng ban cùng tham gia như họp hành, hầu hết đều được tổ chức trong khung 8h – 16h để hạn chế bị ảnh hưởng.

P&G thấu hiểu sự cần thiết phải xây dựng một môi trường làm việc mà tại đó, mỗi nhân viên đều có thể đồng thời cân bằng hài hòa giữa công việc và cuộc sống. Do vậy, việc về sớm như tôi hoàn toàn không xa lạ ở P&G.

Ở các nước, sau khi hết thời gian thai sản, tôi cũng thấy có đồng nghiệp nữ còn có thể yêu cầu chỉ làm nửa thời gian, ví dụ chỉ làm 3 ngày một tuần hoặc làm việc nửa ngày. Điều này rất bình thường tại P&G.

- Thực tế, ngay cả khi các công ty có sự hỗ trợ như vậy, nhiều chị em phụ nữ Việt Nam vẫn rất ngần ngại sử dụng quyền lợi của mình. Họ cho rằng gia đình là chuyện cá nhân, nếu để ảnh hưởng đến công việc thì không được đánh giá cao. Chị nghĩ sao về điều này?

- Ở P&G, công việc là quan trọng, nhưng gia đình luôn là ưu tiên số một. Ví dụ, có một cuộc họp quan trọng nhưng con bạn ốm thì bạn vẫn có thể cáo lỗi để về với con, và mọi người đều hỗ trợ cho việc này. Vì nếu không, lúc ở công ty, bạn sẽ bứt rứt chuyện ở nhà và không tập trung, không làm tốt được.

Trong team của tôi, các bạn nữ hoàn toàn không phải ngại khi xin nghỉ phép vì người nhà ốm, hay có sự kiện gia đình. Gia đình phải được ưu tiên trước hết, chỉ cần khi bạn làm việc, bạn phải làm hết mình, hết tâm huyết.

Ở châu Á, phụ nữ dù cũng đi làm như chồng, vẫn bị mọi người kì vọng là phải đảm bảo chăm sóc tốt cho gia đình. Tôi nghĩ, chúng ta cần lên tiếng để được chia sẻ và giúp đỡ bởi chồng, con và bố mẹ mình.

Phụ nữ nên biết rõ điều mình muốn, và phải can đảm để yêu cầu đạt được điều đó. Công ty, đại diện là sếp, sếp chỉ là một con người bình thường và không thể nào hiểu được bạn cần gì, muốn gì. Vì vậy, tôi cho rằng, điều cần thay đổi là: chúng ta phải làm rõ cái mình muốn và lên tiếng để công ty hiểu và có hướng giúp đỡ. Quan trọng là phải lên tiếng.

Ngoài ra, người phụ nữ cũng cần thêm một chút khéo léo, biết sắp xếp thời gian để có thể vừa làm mẹ tốt, vừa phát huy năng lực của mình trong công việc.

Theo Hoài Thư (Tri Thức Trực Tuyến)