Giới trẻ

Selfie tại đường ray: Người trẻ chết lúc nào không biết

Dù nhiều người phải chịu cái chết đau đớn, chụp ảnh tại đường ray tàu hỏa vẫn là trào lưu không có dấu hiệu dừng lại trong giới trẻ.

Dù nhiều người phải chịu cái chết đau đớn, chụp ảnh tại đường ray tàu hỏa vẫn là trào lưu không có dấu hiệu dừng lại trong giới trẻ.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, giá trị của một bức ảnh ngày càng được nâng lên. Thậm chí, nhiều bạn trẻ bất chấp cả tính mạng với hy vọng có tấm hình để đời.

Theo The Guardian, ít nhất 127 người đã thiệt mạng vì selfie trong năm 2014. Trong tiếng Anh, những cái chết như vậy được gọi chung là “killfie” - chết vì selfie.

Hầu hết "killfie" xảy ra tại các tòa nhà chọc trời, vách núi, dưới nước (do người chụp rơi từ trên cao hoặc trượt chân xuống sông, biển). Bên cạnh đó, không ít người trẻ chẳng cần lên cao cũng phải bỏ mạng khi selfie tại đường ray của tàu hỏa.

Đừng selfie kiểu tự sát

Savannah Webster (13 tuổi) đăng lên trang cá nhân dòng trạng thái “Đứng cạnh một đoàn tàu đang chạy thật thú vị” chỉ vài giây trước khi cô cùng chị gái Kelsea (15 tuổi) và bạn Essa Ricker (15 tuổi) qua đời tại Spanish Fork Canyon (Utah, Mỹ) vào cuối năm 2011.

Selfie tai duong ray: Nguoi tre chet luc nao khong biet hinh anh 1

Ba cô gái thiệt mạng chỉ vài giây sau khi chụp bức ảnh này. Ảnh: Union Pacific Inside Track. 

Ba cô gái đắm chìm vào việc selfie đến mức họ không chú ý sự xuất hiện của đoàn tàu, ngay cả khi ánh đèn của nó đã len vào một góc của bức ảnh. Vụ tai nạn khiến Kelsea và Essa thiệt mạng tại chỗ, còn Savannah qua đời 3 ngày sau đó vì chấn thương quá nặng.

Ngày 10/3 vừa qua, nữ người mẫu Fredzania Thompson (19 tuổi) gặp tai nạn thảm khốc trong lúc chụp hình tại điểm giao giữa hai đường sắt BNSF và Union Pacific (Texas, Mỹ), theo Daily Mail. 

Khi phát hiện đoàn tàu bên BNSF, Fredzania kịp tránh sang Union Pacific. Song trên đường ray này, đoàn tàu khác lại di chuyển theo hướng ngược lại. Fredzania cùng đứa con trong bụng đã không tránh kịp.

Trước đó một ngày, truyền thông Italy đưa tin 3 cậu bé nước này bất chấp mạng sống để selfie tại đường ray. Hai trong số 3 thiếu niên may mắn thoát chết, người còn lại - Leandro Celia - mãi ra đi ở độ tuổi 13.

Washington Post cho hay ngày 14/9/2015, John DeReggi nói yêu mẹ, sau đó rời nhà ở Maryland (Mỹ) để đến một đường ray gần đó chụp ảnh cùng bạn gái. Tuy nhiên, chàng trai 16 tuổi vĩnh viễn không thể trở về nhà vì bị đoàn tàu đang chạy với vận tốc hơn 100 km/h đâm.

Theo một nghiên cứu của trường Carnegie Mellon (Pennsylvania, Mỹ), nhiều bạn trẻ hiện chuộng kiểu selfie, chụp ảnh tại đường sắt, từ chụp cá nhân đến theo nhóm, từ ảnh kỷ yếu đến hình cưới.

Xu hướng này bắt nguồn từ niềm tin rằng tạo dáng trên đường ray cùng người bạn yêu mến là hành động lãng mạn, thể hiện thứ tình cảm không bao giờ kết thúc. Bên cạnh đó, các con đường dành cho tàu hỏa thường được đặt tại nơi thoáng đãng, phong cảnh đẹp nên dễ dàng thu hút những tín đồ của selfie.

Mặt khác, nhiều người trẻ liều mạng để có những bức selfie với đoàn tàu đang chạy chỉ với mục đích cho người khác thấy cách họ sống - táo bạo và không sợ điều gì.

Tuy nhiên, phần lớn bạn trẻ đều khá chủ quan, chưa hiểu rõ mối nguy hiểm ẩn nấp bên trong không gian tưởng như yên bình đó, nên “killfie” mới liên tục xảy ra trong những năm trở lại đây.

Selfie tai duong ray: Nguoi tre chet luc nao khong biet hinh anh 2

John DeReggi ra đi khi mới 16 tuổi trong lúc đang chụp ảnh cùng bạn gái ở đường ray. Ảnh: ABC News.

Cái giá phải trả cho việc coi thường tàu hỏa

Những người đến đường sắt thường tin họ có thể tránh tàu hỏa một cách dễ dàng chỉ với vài bước chân. Song, chính vì suy nghĩ sai lầm đó mà nhiều bạn trẻ phải chết thảm.

Năm 2015, Jeff Rossen - phóng viên của American Today - từng bị chỉ trích khi đăng ảnh các con đứng giữa đường dành cho xe lửa. Khi ấy, Jeff hoàn toàn bất ngờ trước phản ứng của mọi người vì anh luôn cho rằng chụp ảnh tại đường ray không nguy hiểm, chọn lúc không có tàu đi qua là được. 

Tuy nhiên, sau khi làm một thí nghiệm, Jeff mới tỉnh ngộ. Anh đến một đoạn đường sắt để xem con người có thể nghe thấy tiếng tàu ở khoảng cách nào.

Thử nghiệm nghe tiếng tàu của phóng viên Today Jeff Rossen - phóng viên của American Today - đã đến một đường ray để xem con người có thể phát hiện tiếng tàu hỏa ở khoảng cách nào. Từ đó, anh khuyên mọi người nên tránh xa mọi đường sắt vì quá nguy hiểm.

Sau khi tự mình kiểm chứng, kết hợp với kết quả khách quan từ camera, Jeff khẳng định tiếng của xe lửa rất nhỏ so với "thân hình" nên anh chỉ có thể phát hiện ra đoàn tàu khi nó ở ngay sau lưng. Đó chính là lý do khiến nhiều người chạy không kịp và phải bỏ mạng trên đường ray.

Theo God Vine, đoàn tàu chạy với vận tốc 90 km/h chỉ có thể phanh gấp thành công khi cách mục tiêu cần tránh 1,6 km. Tức là, khi người lái tàu bắt đầu thấy vật cản, họ cũng không thể cho tàu dừng đúng lúc, đúng chỗ.

Chẳng hạn, khi va chạm với Savannah, Kelsea và Essa tại bang Utah, đoàn tàu do John Anderson và Michael Anderson điều khiển đang chạy với vận tốc khoảng 63 km/h, song cũng không thể tránh tai nạn.

Hai người đàn ông nỗ lực thổi còi, hét to nhưng vẫn không thu hút được sự chú ý của 3 cô gái đang đắm chìm trong các bức selfie.

“Chúng tôi thấy các cháu chỉ khoảng 12 giây trước khi chúng biến mất khỏi tầm nhìn của mình, sau đó con tàu vẫn lao về phía trước”, John và Michael kể.

Năm 2014, anh chàng tên Jared Michael may mắn sống sót khi đang lang thang quanh đường ray ở Peru.

Đúng như thử nghiệm của phóng viên Jeff, do mải quay video, Jared cũng không biết đến sự xuất hiện của đoàn tàu cho đến khi nó tiến sát anh. Nếu không có cú đạp chân của người lái tàu, có lẽ Jared cũng khó lòng thoát khỏi bàn tay tử thần.

Selfie tai duong ray: Nguoi tre chet luc nao khong biet hinh anh 3

Mải quay video, Jared Michael thoát chết trong gang tấc nhờ bàn chân của người lái tàu. Ảnh cắt từ clip.

Dù thoát chết, Jared cũng khẳng định ranh giới giữa sự sống và cái chết khi đứng ở đường ray quá mong manh. Nam thanh niên chia sẻ rằng anh bất ngờ và bàng hoàng đến mức không có thời gian để cảm nhận nỗi đau sau cú đạp mạnh của người lái tàu.

Nỗi đau khôn nguôi của những người ở lại

Sự ra đi của những bạn trẻ để lại nỗi đau rất lớn trong lòng người thân, bạn bè của họ.

“Đây là tai nạn, là nỗi đau mà chúng ta có thể tránh được. Các con của tôi lẽ ra không phải chết”, bà Jayna Webster - mẹ của Savannah và Kelsea - nói với Today trong nước mắt.

“Chúng tôi đang đi trong cơn ác mộng. Mọi con đường đều thật tồi tệ”, bà Christine - mẹ của John DeReggi - chia sẻ cảm xúc sau khi mất con.

Không chỉ cha mẹ của các nạn nhân mà cả những người xa lạ như nhân viên lái tàu hay các nhân chứng trong các vụ tai nạn đều thấy xót xa.

John và Michael luôn cảm thấy có một phần trách nhiệm trước cái chết của 3 cô gái ở Utah dù cả hai đã làm hết khả năng của mình. Cảm giác ám ảnh, sợ hãi trở thành những vết sẹo trong cảm xúc họ.

John nói rằng ngay khi tàu dừng lại được, anh đã chạy đến chỗ 3 nạn nhân. Biết Savannah còn sống, anh nắm tay và liên tục động viên cô gái xấu số.

“Tôi nói với Savannah rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi. Dường như cô bé cũng thoải mái hơn chút và tôi đã hy vọng cháu có thể sống sót", John bồi hồi nhớ lại.

Theo các nhà nghiên cứu, “killfie” hoàn toàn có thể ngăn chặn được bằng việc giảm sức mạnh của các bức ảnh trên mạng xã hội. Chỉ khi đứng trên một vách núi cao hay thấy một đoàn tàu đang đến, con người không còn phản xạ lấy máy ra selfie, thì “killfie” mới chấm dứt.

Ngoài ra, chúng ta có thể học cách kể những trải nghiệm đáng nhớ cho bạn bè mà không cần dùng các bức selfie mạo hiểm hoặc tự tìm những phương pháp khác nhau để không phải chết chỉ vì cố gắng chứng minh cách mình đang sống.

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)