Giới trẻ

Nữ thủ khoa 30 điểm rửa bát thuê nuôi ước mơ thành trinh sát

Nữ thủ khoa đại học khối C Nguyễn Thị Kim Ngân sinh ra trong gia đình khó khăn, cha mẹ bán đậu phụ kiếm sống. Ngân biết mình đỗ thủ khoa khi đang rửa bát thuê trong quán ăn.

Nữ thủ khoa đại học khối C Nguyễn Thị Kim Ngân sinh ra trong gia đình khó khăn, cha mẹ bán đậu phụ kiếm sống. Ngân biết mình đỗ thủ khoa khi đang rửa bát thuê trong quán ăn.

Được cộng 1,5 điểm ưu tiên khu vực và 1 điểm thưởng học sinh giỏi quốc gia, tổng điểm xét tuyển của Kim Ngân là 30. Em trở thành thủ khoa khối C ở cụm thi số 17 do Đại học Xây dựng (Hà Nội) chủ trì.

Vừa đi học vừa rửa bát thuê kiếm tiền

Kim Ngân sinh ra ở thành phố Lạng Sơn, gia đình em làm đậu phụ. Hàng ngày, bố mẹ Ngân dậy từ 3h sáng, làm đậu rồi mang ra chợ bán, đến tối mịt mới về.

Những miếng đậu phụ bán ở khu chợ vùng biên chỉ đủ gia đình có bữa ăn qua ngày, chứ không thể giúp bố mẹ Ngân nuôi các con đi học. Chị gái lớn trong gia đình chỉ được đến trường hết lớp 9 rồi nghỉ ở nhà đi làm thuê, kiếm tiền.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đến trường, Ngân quyết tâm đi học dù gia đình không có điều kiện. Những năm học phổ thông, em từng đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn.

Để có tiền đóng học phí và mua sách vở, cô gái sinh năm 1997 xin đi bưng bê, phục vụ và rửa bát thuê buổi tối ở một nhà hàng từ năm lớp 11.

Thu nhập của công việc tay chân vất vả hàng tháng rất ít ỏi, chỉ được từ 900 nghìn đến 1,5 triệu đồng, nhưng đó là tiền lương do chính em kiếm ra, cũng là cách nữ sinh giúp đỡ bố mẹ, bớt gánh nặng cho chị gái.

Nu thu khoa 30 diem rua bat thue nuoi uoc mo thanh trinh sat hinh anh 1
Cô thủ khoa khối C xinh xắn xứ Lạng. Ảnh: NVCC

Lần 'vượt vũ môn' thứ hai đầy áp lực

Kỳ thi tuyển sinh năm 2015, Kim Ngân được 25,5 điểm, thêm 1,5 điểm ưu tiên khu vực, 1 điểm học sinh giỏi quốc gia, tổng cộng 28 điểm. 

Năm đó, em đăng ký xét tuyển vào Học viên An ninh Nhân dân nhưng thiếu mất 1 điểm nên chỉ trúng tuyển nguyện vọng 2 tại Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

Thế nhưng, trở thành hướng dẫn viên du lịch không phải ước mơ của Kim Ngân. Hết học kỳ một ở trường, em nộp đơn bảo lưu kết quả học tập, trở về Lạng Sơn, dành thời gian ôn luyện cho kỳ "vượt vũ môn" lần thứ hai.

Suốt thời gian đó, em vẫn làm công việc bưng bê, lau dọn và rửa bát ở nhà hàng. Em làm nửa ngày, nửa ngày dành cho việc học. 

Mỗi ngày kết thúc công việc, hai cánh tay của Ngân mỏi nhừ, những đầu ngón tay bị nước rửa bát ăn mòn, nứt nẻ, nhiều lúc bật cả máu.

Lần ôn thi thứ hai không hề đơn giản như trong tưởng tượng. Nữ sinh tâm sự, quyết tâm những ngày đầu của em rất cao, nhưng càng về sau càng giảm xuống. Áp lực tiền bạc, công việc, thời gian, căn bệnh tụt huyết áp của mẹ khiến Ngân nhiều khi muốn bỏ cuộc.

Ngày thi đến gần, nỗi lo lắng của cô gái 18 tuổi càng nhiều hơn. Đôi vai bé nhỏ của em mang cả ước mơ thay cho đấng sinh thành, người chị gái phải nghỉ học sớm đi làm, và cả em gái luôn coi Ngân là thần tượng.

Những ngày thi cũng đến, rồi qua đi. Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia tại ĐH Xây dựng, cô gái lại trở về với quán ăn, tiếp tục công việc phục vụ, bưng bê, rửa bát. Lần nay, em bắt đầu làm từ 7h sáng đến 22h mới kết thúc.

Ngân biết điểm thi của mình cũng trong lúc đang rửa bát ở quán ăn. "Em đã chạy ù về nhà. Mẹ hôm đó bị ốm, đang nghỉ trong phòng. Khi nghe thông báo điểm xong, hai mẹ con ôm nhau khóc".

Nuôi ước mơ trở thành nữ trinh sát giỏi

Với số điểm 30, Kim Ngân tiếp tục nộp hồ sơ vào Học viện An ninh Nhân dân. Em hy vọng sẽ nhận được giấy báo từ ngôi trường yêu thích để thỏa lòng mong muốn trở thành nữ trinh sát giỏi trong phòng chống tội phạm.

Cô gái nhỏ thích học văn, làm thơ và đọc truyện ngắn. Đối với em, những dòng chữ trong sách vở luôn mang những giá trị tốt đẹp. Nữ thủ khoa khối C đam mê tác phẩm của nhà văn Kim Lân, những câu chuyện của nhà văn, dịch giả nước ngoài.

Kim Ngân còn học tốt môn Lịch sử và Địa lý. Em không chọn cách học thuộc lòng mà tìm phương pháp nhớ sự kiện, hiểu bản chất vấn đề, gắn kiến thức với cuộc sống xung quanh.

"Em thấy mình không thông minh, nên phải dùng sự chăm chỉ để bù đắp. Mỗi ngày, em học một ít, học hiểu để kiến thức đến với mình thật tự nhiên", thí sinh đạt 9,5 môn Sử nói.

Dù ở bất cứ đâu, Kim Ngân luôn cố gắng dùng sự thành thật, dí dỏm và hồn nhiên để chiến đấu với những khó khăn và áp lực của cuốc sống. 

Cứ chiều về, đạp chiếc xe cọc cạch đã cũ ra chợ, nơi người mẹ đang ngồi bán đậu, hai mẹ con lại cùng nhau rủ rỉ chuyện trò. 

Mẹ của Ngân thương con, tâm sự: "Con tôi thiệt thòi nhiều thứ. Đến giờ mà vẫn đi học bằng cái xe đạp cũ, dùng chiếc túi mà nhiều người bảo 'như đi vào rừng hái củi'. Đợt đi Hà Nội thi ĐH, cháu cũng chỉ có cái túi đấy mang theo".

Những ngày này, ngôi nhà của vợ chồng người làm đậu phụ xứ Lạng rộn ràng hẳn vì tin vui của con gái thứ hai. Tài sản của gia đình nghèo  không phải là tiền bạc, của cải mà là ba con gái ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiền lành.

Còn Kim Ngân, em vẫn tiếp tục đi rửa bát thuê ở hàng ăn gần nhà, chờ tin vui của Học viện An ninh Nhân dân. 

"Em không thấy mình thiệt thòi, mà luôn nghĩ mình may mắn vì có gia đình ủng hộ. Khi đi làm ở quán, thỉnh thoảng gặp bạn cùng lớp, chúng em vẫn trò chuyện với nhau bình thường, không có gì phải ngại", Kim Ngân thổ lộ.

Đi làm từ sớm, lại sinh ra trong gia đình khó khăn, Kim Ngân hiểu được giá trị của đồng tiền do chính sức mình làm nên, cũng như chuẩn bị thêm cho mình những kiến thức thực tế của cuộc sống.

Theo Ngân Giang (Zing.vn)