Giới trẻ

Nữ sinh báo chí chỉ biết khóc khi bị nhân vật trêu ghẹo

Nhiều sinh viên báo chí từng gặp phải những tình huống "dở khóc dở cười" như bị nhân vật quát mắng, đe dọa, thiệt hại tài sản cá nhân... trong lần đầu tác nghiệp.

Nhiều sinh viên báo chí từng gặp phải những tình huống "dở khóc dở cười" như bị nhân vật quát mắng, đe dọa, thiệt hại tài sản cá nhân... trong lần đầu tác nghiệp.

Bất ngờ trong tác nghiệp

Nguyễn Tú Anh (sinh viên lớp Báo in, K32, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Hà Nội) là một trong những người năng nổ viết báo từ những ngày đầu tiên theo học. Từ năm 2, nữ sinh đã là cộng tác viên của một tờ báo điện tử. Năm thứ 3, khi đi kiến tập, Tú Anh chọn cho mình môi trường làm việc ở cơ quan báo giấy.

Điều đầu tiên cô sinh viên trải nghiệm trong hành trình vào nghề là làm quen những quy tắc làm việc. “Làm báo không đơn giản như viết một bài văn thông thường. Mình phải học cách viết sao cho ngắn gọn, hấp dẫn, nội dung bao hàm đầy đủ chi tiết. Mình được người hướng dẫn góp ý rất nhiều trong cách nhìn nhận, triển khai vấn đề và cách viết cho phù hợp” - Tú Anh nói.

Sinh viên tác nghiệp. Ảnh: Người Lao Động.

Bên cạnh đó, những chuyến tác nghiệp cũng để lại cho cô sinh viên năm 3 nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là lần kết thúc năm học thứ nhất, Tú Anh xin đi làm kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng cùng những người quen biết ở một số báo.

“Ngày đó, mình không biết sẽ đưa tin hay viết về vấn đề gì. Dù thời tiết nắng gắt, mình vẫn rất hào hứng và đi phỏng vấn nhiều thí sinh, phụ huynh và ghi âm cẩn thận... Tuy nhiên, vì không có sự định hướng từ đầu, nhiều tin lấy về không dùng đến, vấn đề cần mình lại không khai thác” - Tú Anh nhớ lại.

Sau nhiều lần va vấp thực tế, nữ sinh có kinh nghiệm hơn. “Thậm chí, có lúc mình chỉ biết khóc và cảm thấy bất lực với nghề” - Tú Anh chia sẻ. Một trong số đó là lần cô gặp nhân vật trái tính.

Nữ sinh năm thứ 3 kể, phỏng vấn một nhân vật, anh ấy chủ động hẹn trao đổi trực tiếp. Cô đến điểm hẹn sớm hơn để chuẩn bị, nhưng sau đó, ngồi chờ rất lâu và nhân vật không đến. Họ đề nghị sẽ trả lời qua email. Tú Anh tưởng đã hoàn thành được đề tài, nhưng đến khi hỏi ảnh, cô tiếp tục bị nhân vật trêu ghẹo.

"Anh ta lại hẹn gặp mình, yêu cầu mình chụp ảnh. Lần này, mình vẫn đến đúng giờ nhưng nhân vật lại di chuyển tới địa điểm khác. Mình chạy theo anh ta trong cảm giác đeo bám. Đến nơi, nhân vật nói vỏn vẹn: Anh chỉ muốn gặp em xem là ai, trông thế nào mà nói chuyện qua email sắc sảo thế. Không cho chụp hình, nhân vật còn bày tỏ không muốn viết bài nữa" - cô kể. 

Tương tự Tú Anh, trong lần đầu tác nghiệp tại điểm thi đại học, Thanh Xuân - sinh viên năm cuối trường Báo chí - cũng gặp không ít khó khăn.

Cô kể, thấy một số học sinh vào trường thi muộn, liền cùng một số anh chị phóng viên giơ máy ảnh tác nghiệp, bất ngờ một số phụ huynh lao ra giằng máy cùng thái độ hằn học. Họ chửi bới và dùng cách xưng hô thiếu văn hóa, kèm những lời nói khó nghe.

Trước những người lớn tuổi, Thanh Xuân khá lo sợ. Sau đó, cô và đoàn làm báo nhẹ nhàng giải thích. Tuy nhiên, tất cả bị yêu cầu xóa ảnh và tuyệt đối không được đăng tin.

Thiệt hại tài sản cá nhân

Tốt nghiệp đại học hơn một năm, Lê Anh vẫn không thể quên những thất bại, rủi ro trong chuyến đi thực tế. Theo đuổi mảng xã hội, Lê Anh thường xuyên phải lăn lộn trên đường, tác nghiệp những vụ tai nạn, đám cháy...

Nam sinh chia sẻ, những ngày đầu đi làm, rất sợ khi tiếp xúc những tai nạn. Cảnh những người gặp nạn đau đớn, người thân lo lắng, sự hoảng loạn của những ai gặp phải hoàn cảnh trớ trêu khiến cậu không khỏi đau lòng.

Không chỉ vậy, đồ nghề, máy ảnh của cựu sinh viên cũng không ít lần trục trặc vì trời mưa... "Có lần chụp ảnh tai nạn, không có chỗ để xe, mình dựng vội vào góc đường rồi chạy ra chụp ảnh. Đến khi hoàn thành nhiệm vụ, mình quay lại thì xe đã "không cánh mà bay”, chàng trai ngậm ngùi.

Công việc của phóng viên xã hội cũng khiến nhiều chàng trai, cô gái bị động về thời gian. Nhiều khi đang ngủ, có điện thoại báo cháy, mưa dông, bão bùng, họ phải vội vàng bật dậy, đến hiện trường.

Chàng trai cho biết thêm, đôi khi, việc có người yêu khá khó khăn nếu như họ không biết thông cảm. Anh kể, có lần đi ăn với bạn gái nhân dịp kỷ niệm 2 năm yêu nhau. Cả hai đang vui vẻ, trò chuyện, dự định ăn xong sẽ đi xem phim, nhưng có việc gấp nên đành bỏ dở buổi hẹn. Bạn gái giận dỗi nhưng cũng đành thông cảm, vì "nghề nó thế".

Gặp người nổi tiếng, học nhiều điều hay

Làm báo gặp nhiều hiểm nguy, nhưng những phóng viên tương lai cũng may mắn khi dễ dàng được gặp những người nổi tiếng. Đây là điều không ít người mong muốn.

Cộng tác trong lĩnh vực giải trí, Hà Linh - sinh viên năm cuối - có nhiều cơ hội tiếp xúc những ca sĩ, diễn viên tên tuổi trong làng giải trí Việt. "Không chỉ được gặp gỡ, mình còn được nói chuyện, trao đổi với họ. Một số ca sĩ khá thân thiện, trước khi phỏng vấn, mình còn được họ hỏi han một số vấn đề cuộc sống khiến mình rất vui" - nữ sinh bày tỏ. 

Trâm Anh (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí & Tuyên truyền) kể, trong quá trình thử việc, được gặp một số nhân vật đã làm thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống, cách học tập và hướng đi cho tương lai. Đó là bài học đắt giá đến từ thực tế cuộc sống thông qua viết báo.

Trong những bước đầu làm quen với ngành báo chí, nhiều sinh viên từng cảm thấy nản chí vì quá trình gian nan, nhưng tất cả họ vẫn luôn cố gắng rèn luyện. Ai cũng mang trong mình hoài bão, cố gắng trở thành cây bút "cứng" trong nghề truyền tải thông tin này.
 
Theo N.Ánh (Zing.vn)