Giới trẻ

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop

Đó là câu chuyện lặn lội sang Thái Lan để xem concert, được thấy idol - một boyband Hàn Quốc - bằng xương bằng thịt của cô gái 20 tuổi.

Bangkok, một ngày cuối tháng 6, thời tiết nóng nực, oi bức với nhiệt độ gần 40 độ C. Trong biển người tại sân vận động Impact Muang Thong Thani, Nguyễn Thị Mỹ Duyên (22 tuổi, quê Quảng Ngãi) không hề bận tâm đến cái không gian bí bách, hầm hập đó.

Điều duy nhất thu hút sự chú ý của cô gái trẻ là những chấm nhỏ trên sân khấu kia.

Đó là các thành viên trong GOT7– một nhóm nhạc thần tượng của Hàn Quốc. Họ đang hát ca khúc Girl Girl Girl trong phần mở màn concert mang tên Fly in Bangkok tại Thái Lan.

Cùng hàng nghìn khán giả khác, Duyên hát theo một cách rành rọt dù không hề biết tiếng Hàn. Tất cả mệt mỏi của hành trình lặn lội từ Việt Nam sang Thái Lan, lạc lõng của những ngày một thân một mình nơi đất khách bỗng chốc cũng trở nên ngọt ngào.

Khi nhớ lại, Duyên nói giây phút đó là lần đầu tiên trong đời cô biết thế nào là hạnh phúc vỡ òa, hiểu vì sao bạn bè vẫn bảo: “Đời fan girl chỉ cần một lần được gặp idol”.

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 1

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 2

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 3

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 4
Fan hâm mộ trong lần GOT7 tới Việt Nam vào tháng 1/2018. Ảnh: Thành Nguyễn.

Yêu ai, thích ai, quan tâm ai, đó là đặc quyền và lý lẽ riêng của tuổi trẻ. Duyên, cũng như hàng nghìn trái tim yêu Kpop khác chưa bao giờ hối hận vì đã hâm mộ những ca sĩ, nhóm nhạc đến mức coi họ thần tượng.

Ai đó từng nói, yêu thích một người như là một người đeo headphone và vặn âm thanh to hết mức vậy. Nhìn vào thì tưởng như yên ắng, chỉ có riêng mình mới biết nó cuồng nhiệt tới mức nào.

Những cảnh tượng như tại sân vận động Impact Muang Thong Thani có thể xuất hiện ở mọi nơi tại Châu Á, như Hong Kong, Đài Loan, Kuala Lumpur,... trong khoảng 10 năm gần đây, là biểu hiện cho sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Hallyu.

Hallyu (Hàn lưu hay Korea Wave) là thuật ngữ chỉ sự phổ biến của văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài, bao gồm K-pop, ẩm thực, chương trình truyền hình, phim truyện, các trò chơi giải trí, thời trang....

Thuật ngữ này lần đầu xuất hiện trên báo chí Trung Quốc vào khoảng giữa năm 1999 khi nói về sức hấp dẫn mạnh mẽ của K-pop, cụ thể là các nhóm nhạc như Clone, H.O.T… với giới trẻ nước này.

Những lần đầu tiên

4h sáng tại ga quốc tế, sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, Duyên làm xong các thủ tục check-in, cắm tai phone, bật nhạc điện thoại và ngồi đợi đến giờ lên máy bay.

Trên lưng cô là chiếc balo nhỏ màu xám thường ngày vẫn đeo đến lớp. Một ví tiền với khoảng 4 triệu đồng tiền mặt đã đổi sang bath Thái, một máy ảnh và hai bộ áo quần.

Ai đó từng nói, yêu thích một người như là một người đeo headphone và vặn âm thanh to hết mức vậy. Nhìn vào thì tưởng như yên ắng, chỉ có riêng mình mới biết nó cuồng nhiệt tới mức nào.

Dù bên tai vẫn là bài hát Fly của GOT7, Duyên vẫn nghe nhịp tim bùm bụp của chính mình. Lần đầu tiên đi máy bay. Lần đầu tiên ra nước ngoài. Lần đầu tiên xem concert. Lần đầu tiên tận mắt thấy thần tượng. Quá nhiều lần đầu khiến Duyên hồi hộp và háo hức.

“Mình không nói với bố mẹ. Bạn bè cũng không nhiều người biết. Mình đi làm thêm và tiết kiệm tiền trong vòng 6 tháng. Từ làm hộ chiếu đến vé xem biểu diễn, vé máy bay đều tự lo. Các concert trong nước không nhiều và mình nghĩ ra nước ngoài để gặp thần tượng sẽ khả thi hơn”.

Cùng suy nghĩ với Mỹ Duyên, ngày càng nhiều bạn trẻ có xu hướng “xuất ngoại” để thấy idol bằng xương bằng thịt. Các tour du lịch xem concert cũng từ đó mà ra đời. Nơi các fan K-pop Việt Nam thường hướng đến là các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó nhiều nhất là Thái Lan, Singapore.

Vé concert tại các nước này thường dao động từ khoảng 3-6 triệu đồng. Chi phí cho ăn ở, di chuyển lại rẻ hơn các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 5

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 6
Không chỉ các cô gái, mà các chàng trai cũng dành thời gian để chờ đợi thần tượng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ba ngày một mình nơi xứ người

Xác định “đơn phương độc mã”, Duyên tìm hiểu tất cả thông tin về nơi ăn ở, thời tiết, đường xá, phương tiện di chuyển… ở Bangkok trước khi lên đường.

Cô ở trong một homestay gần sân vận động, dùng chung phòng với 4 du khách khác. Tất cả đều không quen biết nhau.9X không bắt chuyện với họ vì dường như ai cũng bận rộn và chỉ cần một chỗ để ngả lưng vào buổi tối.

Ba ngày hai đêm giữa Bangkok, chỉ có vé xem buổi đầu tiên trong tour diễn 3 đêm, Duyên dành thời gian còn lại để tham quan thành phố xa lạ. Lang thang trong các trung tâm thương mại, khu chợ trời, cô phát hiện ra nhiều thứ thú vị nhưng cũng cảm thấy đơn độc.

Kể về chuyến đi trầy trật cho đứa bạn thân nghe, cô nhận được câu “xanh rờn”: “Đi để hành xác à”. Đến bây giờ nghĩ lại Duyên mới thấy mình liều và lì như thế nào. Không giỏi tiếng Anh, chẳng biết một chữ tiếng Thái, nữ sinh một mình lên đường để hoàn thành nguyện ước lớn nhất của tuổi trẻ.

Nghe K-pop từ năm lớp 8, Duyên ban đầu chỉ đơn giản tò mò về một thể loại âm nhạc mới, được nhiều bạn cùng tuổi yêu thích. Rồi cô cũng dần trở nên say mê khi nào không biết. Nữ sinh thuộc tên, nhớ mặt tất cả thành viên của các nhóm nhạc từ tân bình đến lão làng.

Trong phòng ngủ chưa đầy 20 m2, cô treo đầy các tấm hình, poster các boyband Hàn Quốc: Super Junior, EXO, SHINee, 2PM, GOT7… Những album của thần tượng mua bằng tiền tiết kiệm được gói ghém cẩn thận và cất trên ngăn cao nhất của giá sách.

“Tại sao lại thích nghe K-pop, thích các nhóm nhạc Hàn đến vậy?”, đó là câu hỏi cô vẫn thường nhận được. Vì họ đẹp? Đúng, cô không phủ nhận nhưng đó đâu phải tất cả.

Mỗi lúc buồn vì bị điểm kém ở lớp, bị bố mẹ đem ra so sánh với cái Nguyên - con nhà hàng xóm – Duyên cảm thấy khá hơn khi nghe ca khúc A-yo (SHINee). Lời bài hát có đoạn: “Trong ngày ngột ngạt này, dù không có lúc nào được nghỉ ngơi thoải mái, cũng đừng bao giờ buông xuôi. Không nhé! Không nhé”.

Idol đối với những bạn trẻ như Duyên có một vẻ đẹp khác không nằm ở bề ngoài.

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 7

Trong một nghiên cứu công bố năm 2015, giáo sư Kim Bok-rae, ĐH Quốc gia Andong (Hàn Quốc), chia hallyu thành 3 giai đoạn: K-drama. K-pop và K-culture.

K-drama gắn liền với sự thành công của các bộ phim như Bản tình ca mùa đông, Trái tim mùa thu, Cô nàng ngổ ngáo... ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam.

K-pop, với đại diện là các nhóm nhạc, trở nên phổ biến đối cả với giới trẻ Bắc Mỹ và châu Âu.

Trong những năm tới, K-cuture được dự báo soán ngôi. Không chỉ âm nhạc, mạng xã hội sẽ thúc đẩy việc thiết lập “cultural territory” (tạm dịch: lãnh thổ văn hóa bao gồm cả thời trang, lối sống, ẩm thực, phim ảnh,...) của Hàn Quốc trên thế giới mà trước tiên sẽ là trong giới trẻ.

Không hối tiếc

Duyên vẫn thường xem clip biểu diễn của các nhóm nhạc trên mạng. Qua màn hình máy tính, điện thoại, cô từng ước mình được là một chấm nhỏ trong biển light stick rực sáng quanh sân khấu. Duyên đã thực hiện được mơ ước đó.

Trên sân khấu, 7 thành viên GOT7 xuất hiện. Ánh đèn chiếu rọi lên các chàng trai. Chiếc áo vest đỏ họ mặc phát ra thứ ánh sáng rực rỡ. Đứng khá xa sân khấu chính, cô vẫn ngay lập tức nhận ra từng người.

Mỗi lúc buồn vì bị điểm kém ở lớp, Duyên cảm thấy khá hơn khi nghe ca khúc A-yo(SHINee). Lời bài hát có đoạn: “Trong ngày ngột ngạt này, dù không có lúc nào được nghỉ ngơi thoải mái, cũng đừng bao giờ buông xuôi. Không nhé! Không nhé”.

Tiếng reo hò dường như lấn át âm nhạc. Dù có thét khản cả cổ, Duyên cũng không nghe thấy tiếng của chính mình. Hạnh phúc? Duyên chẳng thể mô tả được chính xác thứ cảm xúc tuyệt vời lúc đó bằng một tính từ nào mà cô biết.

Không còn lạc lõng, cô đơn. Duyên thấy có một sợi dây liên kết đặc biệt với những người xung quanh dù chẳng một lời chào. “JB, Mark, Jackson, Park Jin-young, Choi Young-jae, BamBam, Kim Yu-gyeom, GOT7”, khán giả đồng thanh giữa những đoạn nhạc dạo của bài hát.

“Tuyệt nhất là cảm giác đang đứng chung một nơi cùng thần tượng, được hòa mình vào một cộng đồng”.

Ba tiếng của buổi biểu diễn, mười mấy tiết mục của GOT7 kết thúc chóng vánh. Nó chỉ chiếm khoảng 1/20 thời gian ở Thái Lan của Duyên nhưng là tất cả những gì cô muốn nhớ đến hết cuộc đời này.

Bầu trời đêm Bangkok hóa ra đẹp đến thế! Bên tai là bài hát tiếng Thái khép lại đêm diễn I love you, cô ngước lên ngắm nghía, lặng lẽ nhìn những người xung quanh và cuối cùng nhìn thật kỹ, thật lâu những chàng trai đang hát trên sân khấu.

Duyên muốn lưu giữ tất cả không gian, cảnh vật, con người trong đêm nhạc tuyệt vời này. Bởi vì đó là một đoạn thanh xuân cô sẽ không bao giờ hối tiếc.

Những năm tháng này sẽ trở thành một loại ký ức đẹp và rực rỡ, trộn thêm một chút điên cuồng và cô không thể trải nghiệm ở đâu khác nữa.

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 8

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 9

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 10

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 11

Nhật ký cô gái lần đầu xuất ngoại đi xem Kpop - 12
Âm nhạc Hàn Quốc đã trở thành một phần văn hóa của người trẻ.

Hallyu đã trở thành một loại "quyền lực mềm", vượt xa ranh giới của âm nhạc và giải trí. Cùng với sức mạnh kinh tế ngày càng lên của Hàn Quốc, văn hóa đại chúng của nước này - từ những boyband như thần tượng của Duyên đến phương pháp dưỡng da Hàn Quốc - đã mang ảnh hưởng của Seoul vượt khỏi khu vực để vươn đến Châu Âu và Nam Mỹ, không thua gì những khoản đầu tư của các công ty điện thoại di động hay tủ lạnh của nước này.

Còn với những người như Duyên, một cô gái thuộc thế hệ cuối 9X, sinh ra và lớn lên trong "bầu khí quyển" Hallyu, sẽ đến lúc không còn bỏ tiền ra để mua sách ảnh, album, sticker, phải tạm cất chiếc lightstick Aga Saebong với biểu tượng chú chim xanh huyền thoại của GOT7 vào góc phòng, để trưởng thành.

Nhưng chắc chắn Duyên sẽ nhớ mãi "mối tình đầu" phù phiếm lẫn ngớ ngẩn, và những ngày phi thường dũng cảm ở Bangkok vào mùa hè tháng 6 năm đó.

Theo Huệ Lâm (Tri Thức Trực Tuyến)