Giới trẻ

Người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính!

Chúng ta thấy rất nhiều bạn trẻ Việt ngày nay sẵn sàng tiêu hết lương tháng cho mua sắm, du lịch, ăn uống, trải nghiệm từ trung đến cao cấp…

Nhưng thực chất, tài khoản tiết kiệm của họ là 0 đồng, chi phí đầu tư là 0 đồng, chỉ có nợ tín dụng là luôn "sẵn sàng" từ vài triệu đến chục triệu hàng tháng.

Một khảo sát "Am hiểu tài chính" do Master Card tổ chức thường niên tại 16 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã cho kết quả: Người trẻ Việt dù hoạch định khá tốt ở mức 73 điểm, nhưng hạn chế về kỹ năng quản lý tiền cơ bản (52 điểm) và yếu nhất về kỹ năng đầu tư tài chính (51 điểm). Cuối cùng, trong 16 nước được khảo sát, Việt Nam đứng thứ 14, suýt "đội sổ". 

Có nghĩa là, người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và Đầu tư tài chính!

Nếu bạn đang ở ngưỡng tuổi 20 và đọc những dòng này, bạn hãy tự đặt câu hỏi cho mình: Bạn có muốn có một cuộc sống thoải mái và đầy đủ không? Dĩ nhiên là có. Chính vì thế, hãy đặt tiếp một câu hỏi: Bạn sẽ làm gì và sẽ là ai vào những năm tuổi 20s của đời mình để có thể có một cuộc sống thoải mái và đầy đủ như mình mong muốn?  

Người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính!

Khi người ta 20s, người ta làm gì?

Năm nay 32 tuổi, nữ triệu phú Anna Haotanto hiện đang là CEO của The New Savvy - một công ty tư vấn tài chính, và cũng đồng thời là một trong những người sáng lập Tổ chức Fintech Singapore. Haotanto đã nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cho câu chuyện làm giàu đầy cảm hứng của cô, trong đó có cả việc được chọn vào danh sách "Những người phụ nữ quyền lực nhất của FORTUNE" năm 2015 và 2016. Câu chuyện của cô đã được giới thiệu trên nhiều kênh truyền thông nổi tiếng như CNBC, Forbes, Channel NewsAsia, The Straits Times, Business Insider…

Điều kỳ diệu khiến câu chuyện của Haotanto trở nên đặc biệt đến vậy đó là cô vốn không xuất thân từ một danh gia vọng tộc nào đó. Haotanto trưởng thành trong nợ nần của gia đình. Công việc kinh doanh hàng dệt may của bố mẹ cô bị phá sản do cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á năm 1997, gia đình cô phải gánh chịu một khoản nợ tín dụng hàng nghìn đô. Lúc bấy giờ, chỉ vừa 21 tuổi, cô gái Anna Haotanto đã quyết định rằng mình phải trở nên giàu có.

Người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính! - 1

Cô bắt đầu tập quản lý tài chính và xác định thời gian để trả nợ cho gia đình, thậm chí còn lập ra mục tiêu mua cho bố mẹ một căn nhà trước năm 30 tuổi. Mới chỉ 28 tuổi, Haotanto đã làm được chuyện đó, và trước thời điểm sinh nhật tròn 30 tuổi, cô đã chính thức trở thành một triệu phú.

Haotanto cho biết: "Tôi đã lập kế hoạch tài chính ở tuổi 21 và tự cho bản thân 9 năm để kiếm được khoảng 600.000 đô la Singapore (tương đương khoảng 450.000 đô la Mỹ)".Trong 9 năm này, Haotanto đã làm một vài công việc và vận dụng kiến thức về tài chính để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Không chỉ vậy, Haotanto cũng quản lý chi tiêu cá nhân rất tốt. Cô chỉ gói gọn tiền sinh hoạt của mình vào khoảng 100 đô Singapore một tuần (khoảng 75 đô la Mỹ) và chỉ đi nghỉ mát một lần trong năm. Haotanto khiến mọi người kinh ngạc, rằng thì ra trên đời vẫn có một cô gái có thể từ bỏ mọi phù phiếm của tuổi trẻ hay chuyện váy áo phấn son của đàn bà để tập trung cho mục tiêu làm giàu như thế!

Người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính! - 2

Một triệu phú tự thân trẻ tuổi khác của Mỹ - Anton Ivanov, cũng là một câu chuyện cực kỳ truyền cảm hứng. Anh cũng từng đặt mục tiêu là phải trở nên cực kỳ giàu có từ khi còn rất trẻ, lúc chỉ mới 16 tuổi.

Ivanov đã làm giàu bằng một công thức khá "cổ điển": Lập tài khoản tiết kiệm từ rất sớm, sau đó nhập ngũ, học đại học từ xa và dùng tiền lương để đầu tư chứng khoán, bất động sản. Gia đình anh vốn là dân nhập cư từ Nga. Ivanov cũng trải qua tuổi teen như các bạn bè đồng lứa khác, cũng đi làm thêm ở các cửa hàng thức ăn nhanh. Nhưng ý thức sớm về chuyện phải làm giàu, anh đã mở một tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng và đặt toàn bộ tiền làm thêm vào đó trong 3 năm. Đến khi tốt nghiệp phổ thông, anh đã có 10.000 USD.

Lẽ ra Ivanov đã có thể dùng số tiền này để trả một phần học phí đại học, nhưng anh không muốn phải vay nợ cho phần còn lại. Vì thế, khi bạn bè nô nức tiếp tục đến trường thì Ivanov nghỉ học để đi làm, đồng thời mở một tài khoản tiết kiệm dành cho lúc về hưu. Lúc này, Ivanov chỉ mới 18 tuổi! Nếu bạn biết rằng có đến 42% người Mỹ tiết kiệm được chưa đầy 10.000 USD cho lúc về hưu (theo nghiên cứu GoBankingRates vừa công bố năm 2018) thì bạn sẽ hiểu Ivanov thực sự đã nhìn xa trông rộng như thế nào.

Tiếp đó, chàng trai trẻ đăng ký vào quân đội và kiếm được 55.000 USD mỗi năm. Ivanov cũng đăng ký học từ xa để lấy bằng cử nhân công nghệ thông tin và lập trình. Dĩ nhiên, khóa học của anh là do Chính phủ chi trả. Tiếp nữa, Ivanov bắt đầu đầu tư chứng khoán. Khủng hoảng tài chính 2008 nổ ra, khi mà hầu hết mọi người đều sợ hãi thì Ivanov dốc hết tiền để mua vào. Anh từng chia sẻ về câu chuyện làm giàu của mình: "Thị trường chạm đáy là lúc tôi đầu tư mạnh hơn nữa. Tôi hầu như chẳng suy nghĩ gì cả". Nhưng chính cái "chẳng suy nghĩ gì cả" đó đã đem lại cho anh rất nhiều tiền. Ivanov mang tiền đó tiếp tục đầu tư vào bất động sản. Anh chàng cũng tập thói quen tiết kiệm đến 60% thu nhập. Đây là một điều rất đáng nể, nếu bạn biết một người Mỹ trung bình chỉ để dành được khoảng 5% thu nhập một năm.

Lên kế hoạch tài chính từ khi còn rất trẻ, liên tục đầu tư và sống cực kỳ tiết kiệm chính là bí quyết đã mang lại 1 triệu đô la tài sản cho Ivanov trước khi chàng trai này chạm mốc 27 tuổi.

Người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính! - 3

Anna Haotanto hay Anton Ivanov chính là những lời đáp tuyệt vời nhất cho câu hỏi "Khi người ta 20s, người ta làm gì?".

Chính là làm giàu!

Còn bạn thì sao?

Khi chúng ta 20s, chúng ta đang làm gì?

Theo một khảo sát của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào năm 2016, thì dù mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường hiện nay là 8,2 triệu đồng/tháng (gần gấp đôi mức lương cơ bản của công chức nhà nước), nhưng không mấy ai nuôi mộng sở hữu tài sản như ô tô hay nhà cửa từ lương cứng. 40% người được hỏi không biết tiết kiệm thế nào là hiệu quả.

Còn theo "Khảo sát Tài Chính Cá Nhân 2017" của Nielsen Việt Nam thì kết quả cho thấy cùng một mức thu nhập, người tiêu dùng trẻ hiện nay có xu hướng chi tiêu nhiều hơn từ 19 - 35% so với các nhóm tuổi khác.

Thực vậy, chúng ta thấy rất nhiều bạn trẻ Việt ngày nay sẵn sàng tiêu hết lương tháng cho mua sắm, du lịch, ăn uống, trải nghiệm từ trung đến cao cấp… Nhưng thực chất, tài khoản tiết kiệm của họ là 0 đồng, chi phí đầu tư là 0 đồng, chỉ có nợ tín dụng là luôn "sẵn sàng" từ vài triệu đến chục triệu hằng tháng. Việt Nam luôn nằm trong Top những quốc gia có mức độ lạc quan cao về viễn cảnh kinh tế, ở quý 3/2017 là vị trí thứ 5 toàn cầu (theo báo cáo Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của Nielsel).

Người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính! - 4

Sự lạc quan ở đây chính là xét về chỉ số tự tin vào khả năng tài chính cá nhân cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu. Nhìn vào mặt tích cực, điểm lạc quan cao cho thấy niềm tin vào công việc hiện tại cũng như niềm hy vọng cho tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng ở phần chìm của tảng băng, Việt Nam là một quốc gia có nhiều người tiêu dùng trẻ, và chỉ số lạc quan cao lại mang đến những cảnh báo nguy hiểm về thói tiêu hoang cũng như "điếc không sợ súng", không biết hoạch định tài chính tương lai cũng như yếu kém trong việc quản lý chi tiêu hiện tại.

Phần chìm của tảng băng ấy - việc giới trẻ Việt không thiết tha để tiền tiết kiệm, càng không quan tâm đến chuyện đầu tư tài chính, xuất phát từ khá nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên và quan trọng nhất, ứng với hầu như tất cả các trường hợp, đó là sự phụ thuộc vào gia đình ở người trẻ Việt là vô cùng lớn. Thực tế các cuộc điều tra về tình hình tài chính của giới trẻ đều dẫn đến một nguyên nhân cho việc họ không để tiền vào sổ tiết kiệm và tiêu gần như toàn bộ lương tháng ấy là vì quá tự tin vào sự giúp đỡ của bố mẹ khi cần kíp. Nhiều người vẫn nhận "trợ cấp" của bố mẹ, sống chung nhà và ăn cơm của bố mẹ (mà không cần phải đưa tiền hoặc chỉ đưa một ít).

Điều này khá khác biệt so với ở một vài nước, giới trẻ từ 18 tuổi đã được gieo vào đầu một ý thức về tự túc tài chính, mà khởi đầu nhất chính là tự lo học phí đại học. Hầu như giới trẻ nào ở Mỹ, Anh, hay gần nhất như là Singapore cũng đều tốt nghiệp đại học với một khoản vay dành cho sinh viên, hối thúc họ làm việc và kiếm tiền cật lực để thanh toán lại cho chính phủ, thường là chiếm đến 20-30% thu nhập hằng tháng.

Chính vì vừa vào đời đã… nợ ngập đầu như thế, giới trẻ ở các nước bạn sẽ sớm hình thành ý thức tiết kiệm và đầu tư tài chính tốt hơn là giới trẻ Việt Nam - nơi mà mối dây gắn kết với gia đình thiếu một cột mốc thực sự để con cái tự lập.

Người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính! - 5

Janet Bodnar, biên tập viên của tờ báo tư vấn tài chính cá nhân Kiplinger từng chia sẻ: "Khi ai đó nhận tiền của cha mẹ, họ thường không nhận ra giá trị của đồng tiền vì họ không làm ra nó. Những đồng tiền dùng vào việc shopping, ăn uống, tiệc tùng... sẽ thật vô bổ".

Tiếp theo, lý do không kém phần quan trọng và phổ biến đó chính là đặc tính của độ tuổi. Khi chúng ta còn trẻ, thật khó lòng nghĩ đến những thứ như "tiết kiệm" hay "đầu tư". Hãy thành thật với nhau, tuổi trẻ thực sự rất phù phiếm! Chúng ta chỉ thích thú với quần quần áo áo, mặt nạ phấn son, du lịch tận hưởng…

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) từng nhận xét: "Hiện nay ở VN, số đối tượng trẻ trong độ tuổi mua sắm 8X, 9X chiếm đến hơn 1/3 dân số nên tỷ lệ người tiết kiệm (gửi tiền tiết kiệm) giảm thấp cũng là bình thường. Đối tượng này chi tiêu vào việc đi đây đi đó hay mua sắm công nghệ cũng có thể xem là một cách thức đầu tư để mở mang đầu óc, tiếp cận với thế giới, không nên chỉ xem đó là hình thức mua sắm đơn thuần".

Việc mua sắm hay tiết kiệm ngoài yếu tố kinh tế còn mang tính tự nhiên theo quy luật tuổi tác của con người. Vấn đề chỉ là, người trẻ Việt vì thiếu kỹ năng quản lý chi tiêu cá nhân, nên thay vì chỉ dùng một phần nhất định trong thu nhập để sinh hoạt, mua sắm, du lịch, thì họ đem "nướng" sạch, thậm chí mới vừa qua nửa tháng đã phải vay nợ tín dụng.

Lại nói về không biết phân chia số tiền mình có sao cho hợp lý và cân đối cho các mục đích khác nhau, điều này lại xuất phát từ hai nguyên nhân: Một là với người trẻ vừa ra trường, tiền lương khá ít, còn với người đã đi làm lâu năm thì thực tình mà nói, mặt bằng lương ở Việt Nam không phải là cao; Hai là xuất phát từ việc thiếu kiến thức, làm sao để tiết kiệm, đầu tư thế nào cho hiệu quả? Rất nhiều người vẫn nghĩ, đầu tư thì chắc chắn phải vài trăm triệu trở lên, hoặc đã gọi là kinh doanh thì chắc chắn là phải to phải bự. Kiến thức về chứng khoán hay thông tin về bất động sản thì thôi không cần bàn đến, là những chuyện thực sự rất xa vời!

Nhưng thực ra, tình trạng kém kỹ năng quản lý chi tiêu và hoàn toàn mù tịt về đầu tư tài chính không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam. Ở quốc gia nào cũng vậy, có những bạn trẻ sớm quan tâm và đặt ra mục tiêu tài chính cho mình, nhưng cũng có những người chả thiết tha. Janet Bodnar, biên tập viên của tờ báo tư vấn tài chính cá nhân Kiplinger từng phải than vãn: "Thật không bình thường khi những người trẻ tuổi trên thế giới lại tiết kiệm được ít hơn người lớn tuổi. Những người trẻ đã chi tiêu quá nhiều vào các thú vui ngắn hạn như đồ ăn nhanh, các bữa tiệc và các thiết bị điện tử".

Và không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia khác, những kỹ năng này cũng không có sách vở hay trường lớp nào dạy. Anh chàng Anton Ivanov triệu phú tuổi 26 cũng đã từng chia sẻ: "Ở trường, chúng tôi không được dạy nhiều về tài chính. Cha mẹ cũng chẳng nói chuyện với tôi về tiền bạc. Tất cả những gì tôi muốn biết đều phải tự học". Và cách học của Ivanov chính là đọc thật nhiều sách về làm giàu cũng như tự tìm hiểu về chứng khoán, đầu tư bất động sản.

Vậy đấy, không biết thì phải học. Chỉ cần chúng ta đừng nghĩ chuyện làm giàu không phải chuyện của những năm tuổi 20s là được. Thậm chí đã qua 20 rồi, thì từ giờ tính chuyện làm giàu vẫn kịp. Chỉ cần mình hành động!

Người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính! - 6

Vậy thì, mình tính chuyện làm giàu bằng cách nào đây?

Đương nhiên, để học về quản lý chi tiêu cá nhân hay đầu tư tài chính, bạn cần những bài học lớn và những trang kiến thức rất dài. Ở đây, chúng ta chỉ bàn đến những khía cạnh con người: Cần những tố chất hay yếu tố gì để bạn có thể trở thành một triệu phú, hay ít nhất là một người giàu có trong tương lai?

Hãy học cách thay đổi thói quen. Dựa trên nghiên cứu "Những thói quen giàu có của triệu phú nổi tiếng" (tác giả Thomas Corley), có tới 41% trong số 177 triệu phú tự thân sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đói nghèo. Và yếu tố giúp họ vươn lên chính là: Thay đổi thói quen hàng ngày.

Trước khi nghĩ đến việc kiếm những số tiền rất to hay vạch ra những bảng kế hoạch 5 năm, 10 năm, bạn sẽ phải bắt đầu kế hoạch tài chính cho bản thân bằng những việc rất nhỏ như: Bớt một vài ly trà sữa trong tuần, từ chối một vài cuộc hẹn cà phê hay nhậu nhẹt với đám bạn thân, lắc đầu trước một chiếc áo mới, quên đi vài thương hiệu thời trang đắt đỏ yêu thích… 

Người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính! - 7

Cả việc bớt thời gian lướt facebook, giảm số lần bấm mở tivi, và thực sự mở ra trang đầu tiên của một cuốn sách về chứng khoán hay kinh doanh. Thay đổi thói quen thực sự rất khó khăn, nhưng cũng rất quan trọng. Một nghiên cứu về thói quen cũng cho biết, nếu bạn luôn trích 10% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm thì có thể sẽ kéo theo các thói quen tích cực khác như thường xuyên sử dụng phiếu giảm giá, tiết kiệm, tái đầu tư vốn... Một thói quen tốt sẽ tự "rủ rê" bạn bè của chúng đến! Dần dần, tiết kiệm và quản lý tốt chi tiêu cá nhân sẽ trở thành nếp sống của bạn.

Cuối cùng, hãy quản lý sức khỏe bản thân thật tốt song song với quản lý tài chính. Nhiều người thường không ý thức được điều này, nhưng nó thực sự rất quan trọng. Đừng quên, một trong những yếu tố để đánh giá khả năng quản lý tài chính tốt còn bao gồm cả việc đầu tư vào chăm lo cho sức khỏe và mua những gói bảo hiểm tốt.

Người trẻ Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: Quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính! - 8

Bạn cần một thể chất khỏe mạnh, một tinh thần minh mẫn, một vóc dáng đầy tự tin, một khoản bảo hiểm đảm bảo an toàn phòng tránh rủi ro và bệnh tật, để có thể hăng say làm việc và quản lý tốt mọi thứ khác của cuộc đời mình, trong đó đương nhiên có cả ví tiền của bạn nữa!

Theo Khánh Linh (Trí Thức Trẻ)