Giới trẻ

Nghệ sĩ dương cầm 9X: 'Đừng gọi mình là thần đồng âm nhạc'

Lưu Đức Anh 24 tuổi song gắn bó với piano tròn 20 năm. Sau nhiều năm học tập ở nước ngoài, 9X tự thấy sứ mệnh của mình là mang âm nhạc cổ điển về Việt Nam duy trì, phát triển.

Cảm xúc ngay khi nhận được cái gật đầu hẹn phỏng vấn từ Lưu Đức Anh là vừa vui mừng, vừa có chút hoang mang.

Chàng trai 24 tuổi xuất thân trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha anh là PGS.TS, NSƯT Lưu Quang Minh - giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, người có kinh nghiệm biểu diễn đàn accordion quốc tế. Anh trai là nghệ sĩ piano nổi tiếng Lưu Hồng Quang, còn mẹ công tác trong ngành Du lịch.

Đức Anh hiện theo bậc sau cao học tại Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển), cũng như sở hữu 8 giải thưởng piano trong nước và quốc tế.

Profile sáng giá đó đồng nghĩa với việc kiến thức về piano, âm nhạc cổ điển của Đức Anh không hề tầm thường. Trò chuyện cùng 9X hẳn là điều áp lực nếu hiểu biết về nhạc cụ và dòng nhạc nghệ thuật kể trên gần như là con số 0.

Tuy nhiên, cảm giác căng thẳng phần nào được giải tỏa khi Đức Anh xuất hiện tại điểm hẹn: Đúng giờ, trang phục đơn giản, gương mặt thư sinh, da trắng, cao ráo, nở nụ cười thay lời chào.

Suốt buổi trò chuyện, chàng trai Hà thành thỉnh thoảng bí câu trả lời, bất ngờ "chêm" vào những lời hài hước rồi lại xua tay nói: "Đừng cho vào bài phỏng vấn nhé!".

Piano từng là nỗi tuyệt vọng của đứa trẻ 4 tuổi

Lên 4 tuổi, Đức Anh chập chững chơi những nốt nhạc piano đầu tiên dưới sự chỉ dạy của cha - PGS.TS, NSƯT Lưu Quang Minh. Vì sao là dương cầm mà không phải organ, accordion hay violin, Đức Anh cũng không thể lý giải, chỉ gói gọn nguyên do trong hai chữ "duyên số".

9X nhớ lại thời điểm năm 1997, đàn không tốt, mọi thứ về âm nhạc chưa được phổ cập nhiều, cộng với tâm hồn còn non nớt, ham chơi nên anh phát chán khi phải ngồi yên đánh đi đánh lại một dòng nhạc hàng tiếng đồng hồ.

Vợ chồng nghệ sĩ Lưu Quang Minh khi ấy không định hướng Đức Anh theo học piano chuyên nghiệp hay làm nghề liên quan đến âm nhạc. Họ chỉ muốn con trai hình thành thẩm mỹ cao, có tư duy nhất định về nghệ thuật.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà cha mẹ lơi lỏng việc tập đàn của Đức Anh. Trong mỗi buổi học kéo dài nhiều giờ, cha anh trở thành thầy giáo khó tính, không chút mềm lòng khi thấy con trai khóc lóc, khổ sở.

Cũng đôi lúc hai vị phụ huynh động viên Đức Anh tập đàn bằng cách "treo thưởng" chuyến đi chơi, quyển truyện hay đồ ăn ngon... cho ít phút luyện thêm. Nhờ thế, nỗi tuyệt vọng về piano vơi bớt trong cậu bé 4 tuổi.

Nghệ sĩ dương cầm 9X: 'Đừng gọi mình là thần đồng âm nhạc'

Khi Đức Anh 5-6 tuổi, nhà mua được đàn piano nhỏ, cũng là có điều kiện hơn nhiều gia đình thời bấy giờ. Nhưng so với điều kiện học rất tốt của trẻ em thời nay, đôi khi Đức Anh tiếc vì được sinh ra sớm quá.

Bù lại, 9X được chào đời và ươm mầm trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Anh cảm thấy may mắn hơn những người yêu âm nhạc, nhưng thiếu người kèm cặp từ nhỏ, không phát huy được hết khả năng.

"Cha mẹ nghiêm khắc nên trình độ của mình ngày càng lên, học được các tác phẩm khó, thấy nhiều thứ 'hay ho' hơn nên dần thấy tò mò, hứng thú với âm nhạc. Theo nhiều năm, kỹ thuật lên, tư duy lên, mình nhận thấy lĩnh vực nghệ thuật này rất vĩ đại, tự nguyện muốn theo đuổi", Đức Anh nhớ lại.

Tuy nhiên, khi tư tưởng đã thông, Đức Anh lại chịu áp lực từ chính sự thành công của hai người đàn ông trong gia đình - cha và anh trai Lưu Hồng Quang.

Hai anh em cùng học piano, bị so sánh là chuyện dễ hiểu. Đức Anh học sau Hồng Quang 2-3 năm, cùng một thầy.

Hơn nữa, Quang sớm bộc lộ tài năng và được mệnh danh là "thần đồng". Đức Anh không ghen tỵ mà luôn tự nhận là "phiên bản kém hoàn thiện" của anh trai tài giỏi. 

Những lời góp ý kiểu "cha và anh trai theo học đàn đủ rồi còn lao theo làm gì" từng ảnh hưởng khá nhiều tới Đức Anh. Suốt những năm đầu vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nam nghệ sĩ 9X vẫn nghĩ chỉ học hết hệ sơ cấp, cùng lắm là trung cấp rồi tìm ngành khác.

Càng gắn bó với piano và âm nhạc cổ điển, Đức Anh càng tự phá bỏ suy nghĩ hạn hẹp đó và học được cách bỏ ngoài tai những gì ảnh hưởng đến động lực của mình.

Đến giờ khi được hỏi có còn áp lực khi bị so sánh với Hồng Quang không, 9X mỉm cười khẳng định hai anh em hiện theo đuổi 2 phong cách, 2 con đường hoàn toàn khác nhau.

Nghệ sĩ dương cầm 9X: 'Đừng gọi mình là thần đồng âm nhạc' - 1

Rất ngại khi được gọi là thần đồng, thiên tài

Ở Nhạc viện, sau mỗi học kỳ, những người điểm cao nhất sẽ được biểu diễn chung trong buổi diễn tổng kết ở phòng hòa nhạc nhỏ. Năm 2000, Đức Anh khi ấy là học viên Sơ cấp 1, nhờ giành điểm 10 mà có vinh hạnh đó.

Suy nghĩ còn non nớt của cậu nhóc mới 6-7 tuổi đơn giản chỉ chơi đàn theo bản năng, không thấy vui cũng không run, xong mọi người vỗ tay thì thấy thích.

Từ sân khấu tuổi thơ ngày ấy, theo năm tháng, Đức Anh ngày càng bước lên tầm cao hơn, thậm chí vươn ra thế giới. Cùng với đó, lối chơi đàn bản năng được thay bằng phong cách trình diễn chuyên nghiệp, sử dụng đầu óc nhiều hơn.

Cách đây 10 năm, ngay ở sân chơi lớn đầu tiên tham gia là cuộc thi tài năng âm nhạc trẻ Concours Mùa thu 2007, Đức Anh 14 tuổi đã giành giải nhất. Mới đây, anh mỉm cười khi nhận lời chúc mừng năm 2017 khá thành công với 2 giải thưởng quốc tế.

Đó là giải nhất cuộc thi Piano quốc tế Stockholm - Sweden lần thứ VI tại Thụy Điển (tháng 5/2017) và giải đặc biệt - Nghệ sĩ ấn tượng nhất - tại Festival et Concours international de Piano à Collioure lần thứ 10 tại Pháp (tháng 6/2017). 

Đặc biệt, để được mời biểu diễn tại festival ở Pháp hồi tháng 6, Đức Anh phải trải qua vòng tuyển chọn với hơn 100 ứng viên. Trong số 9 nghệ sĩ trẻ nhận được vinh dự này, 7 người đến từ Pháp, anh là đại diện duy nhất ở châu Á.

Kết thúc phần trình diễn, 9X tự thấy bản thân làm tốt bằng tất cả khả năng. Tuy nhiên, khoảnh khắc được xướng tên cho giải thưởng cao nhất, anh xúc động trước sự trân trọng của giám khảo, cũng như khán giả Pháp dành cho nghệ sĩ người Việt.

Nhờ 2 thành công này, cái tên Lưu Đức Anh xuất hiện nhiều trên báo chí và truyền hình Việt Nam nửa cuối năm nay. Nam nghệ sĩ khiêm tốn cho rằng chưa nhiều người Việt tham gia cuộc thi piano ở nước ngoài, anh chỉ là đại diện của số ít đó nên được ưu ái nhắc tới nhiều.

Nghệ sĩ dương cầm 9X: 'Đừng gọi mình là thần đồng âm nhạc' - 2

Mượn cớ điểm lại 8 giải piano đủ đặc biệt, nhất, nhì để gọi Đức Anh là "thần đồng dương cầm", rồi "chàng trai thuộc thế hệ vàng của âm nhạc cổ điển Việt Nam", chàng trai học đàn đã 20 năm lắc đầu từ chối.

"Cảm ơn mọi ưu ái gọi như thế nhưng mình ngày ấy so với các bạn trẻ bây giờ không giỏi bằng nên nghe những từ 'thần đồng', 'thiên tài' cảm thấy rất ngại. Nghệ sĩ trong nghề đều hiểu yếu tố quan trọng là độ chín. Càng về già càng khó phát triển, rồi mới biết ai hơn ai.

Mình chỉ mong được coi là nghệ sĩ piano giỏi và thành công. Còn đạt đến mức thiên tài thì chỉ có các 'tượng đài' như Mozart, Beethoven mà thôi. Tất nhiên với mình, 8 giải thưởng piano cũng đáng tự hào bởi đó là lời khẳng định bản thân có khả năng chinh phục lượng khán giả nhất định", Đức Anh bộc bạch.

9X bảo giải thưởng chỉ là nguồn động viên, sự báo đáp dành cho cha mẹ không uổng công sức dạy dỗ, tốn kém rất nhiều tiền bạc.

Để chứng minh thêm cho sự "không phải thần đồng" của mình, nam nghệ sĩ tiết lộ anh không phải thi đâu trúng đó. Nhưng sau mỗi cuộc thi, Đức Anh nhận ra những gì chưa làm được, điểm độc đáo của người khác để học tập.

"Năm 19-20 tuổi, mình tham gia một số cuộc thi nhưng không giành giải. Mình thấy rất buồn và nghĩ bản thân không đủ khả năng thì tốt nhất nên cố học cho xong, rồi kiếm học sinh đi dạy, tuần kiếm 10 triệu đồng là được.

Nhưng ý nghĩ đó nhanh chóng bị dập tắt bởi âm nhạc dạy cho mình sự kiên nhẫn, ý chí mạnh mẽ. Mình mang theo ước mơ, niềm tin tưởng cùng bao năm nỗ lực uốn nắn từ gia đình, thầy cô... nếu chỉ dừng lại ở cuộc sống ổn định như vậy thì chẳng phải mất công sang tận Bỉ học", Đức Anh chia sẻ.

Nghệ sĩ dương cầm 9X: 'Đừng gọi mình là thần đồng âm nhạc' - 3

Tự thấy sứ mệnh là mang âm nhạc cổ điển về Việt Nam

Mọi người thường nghĩ nghệ sĩ dương cầm coi đôi tay là tài sản quý giá nhất và bảo vệ cẩn thận. Nhưng Đức Anh bất ngờ chia sẻ anh chỉ cẩn thận hơn chút chứ không phải giữ như kim cương trong nhà.

"Ngày bé, mình chơi các môn thể thao nhẹ, đúng kỹ thuật thì không sao cả. Giờ sống xa gia đình, mình cũng tự tay nấu ăn. Âm nhạc cổ điển xuất phát từ cuộc sống, nếu mình không lao động thì không hiểu hết những gì các tác giả muốn truyền tải trong bản nhạc. Khi đó, việc chạm ngón tay trên phím đàn chỉ tạo ra những âm thanh vô nghĩa", Đức Anh nói.

9X coi đôi tai quý giá hơn bởi người học nhạc cổ điển cần phát triển mạnh bộ phận này để khi vừa đàn xong một nốt, họ vẫn phải nghe được nó vang trong đầu. Thậm chí chưa chạm phím đàn, họ đã phải nghe thấy nốt nhạc định chơi.

Nhiều nghệ sĩ nhạc cổ điển ngại nghe dòng nhạc khác để giữ đôi tai có độ tinh tế nhất định. Đức Anh cũng nằm trong số này, dù không phủ nhận ở dòng nhạc nào cũng có nghệ sĩ giỏi, chất lượng.

Những lúc trên phim ảnh tình cờ có bài hát, hoặc bạn cùng phòng mở máy phát nhạc, Đức Anh mới nghe chứ không chủ động tìm.

Nghệ sĩ dương cầm 9X: 'Đừng gọi mình là thần đồng âm nhạc' - 4

Đức Anh cho rằng muốn theo đổi piano cổ điển cần 4 yếu tố chính: Năng khiếu, sự khổ luyện, thầy giỏi cộng điều kiện thuận lợi từ gia đình và cơ hội ra nước ngoài học tập.

9X có cả 4 yếu tố nhưng không giữ niềm may mắn cho riêng mình mà luôn muốn đưa âm nhạc cổ điển duy trì và phát triển ở Việt Nam. Đó là lý tưởng, trách nhiệm, lẽ sống, mà anh luôn bám vào để cố gắng, dù không biết khi hoàn thành sứ mệnh có còn sống trên đời hay không.

Thực tế, nhạc cổ điển không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia, luôn ít khán giả hơn các dòng nhạc khác. Tuy nhiên, ở nước ngoài, sự tôn trọng của mọi người cũng sự đầu tư của nhà nước cho âm nhạc cổ điển luôn ở vị trí hàng đầu.

"Nhạc cổ điển là đỉnh cao âm nhạc, tinh hoa được viết nên từ bao thế hệ. Đất nước phát triển cần văn hóa nghệ thuật ở trên đỉnh. Việt Nam do hoàn lịch sử nên đi ngược lại phương Tây: Các dòng nhạc mới du nhập vào trước thể loại cổ điển.

Mình mong muốn phần nào khiến người Việt hiểu rằng đây là loại âm nhạc cần được tôn trọng và phát triển. Quá trình này sẽ rất dài, qua nhiều thế hệ. Mình hy vọng các bạn trẻ Việt theo học âm nhạc cổ điển dù ở Việt Nam hay đi du học đều nhận thấy có trách nhiệm duy trì loại hình âm nhạc này ở đất nước chúng ta", Đức Anh nói.

Nghệ sĩ dương cầm 9X: 'Đừng gọi mình là thần đồng âm nhạc' - 5

9X chọn hướng đi cống hiến thay vì theo đuổi hào quang từ danh tiếng của một nghệ sĩ đình đám thế giới.

Từ năm 2016, Lưu Đức Anh thực hiện chuỗi dự án biểu diễn âm nhạc cổ điển chất lượng cao. Nam nghệ sĩ 23 tuổi dự định tổ chức hàng năm, quy mô ngày càng lớn và theo chủ đề nhất định.

Năm 2016, Đức Anh biểu diễn toàn bộ tác phẩm của nghệ sĩ người Hungary - Franz Liszt. Năm nay, anh chọn đem tới khán giả các tác phẩm của tác giả người Đức - Johannes Brahms - nhân kỷ niệm 120 năm ngày mất của ông.

Buổi diễn được tổ chức vào ngày 16/12 vừa qua với một phần tiền bán vé sẽ dành để ủng hộ học sinh, sinh viên khiếm thị của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Đức Anh hy vọng từ những buổi biểu diễn này có thể xây dựng thành chuỗi biểu diễn, sự kiện âm nhạc lớn ở Việt Nam trong những năm tới.

Không thể trở thành nô lệ của âm nhạc

Lưu Đức Anh thường dành 6-8 tiếng/ngày để tập đàn. Công việc tưởng không có gì đặc biệt nhưng lại khiến anh nhiều lúc thấy lo lắng, hoang mang.

"Các công việc như nhân viên văn phòng, giáo viên... thường được lương trả theo tuần, tháng. Nghĩa là tôi làm xong ngày nào chắc chắn tôi có tiền. Còn học nhạc mỗi ngày cảm thấy lo, hoang mang bởi có khi tập bài cả năm không được, cả mấy năm cũng không tự tin. Bởi vậy, theo được nghề không chắc chắn thế này cần có điều kiện và may mắn", Đức Anh tiết lộ.

Mỗi tuần, Đức Anh cố gắng dành ra một ngày nghỉ để đi chơi, gặp bạn bè, xem phim, mua sách, chơi điện tử. 9X tâm niệm âm nhạc vĩ đại nhưng phải giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn thay vì con người tự biến mình thành nô lệ của nó.

Sau mỗi lần đi thi, biểu diễn ở các quốc gia, Đức Anh cũng dành ra vài ngày ở lại tham quan cảnh đẹp, tìm hiểu văn hóa tại đó.

Nghệ sĩ dương cầm 9X: 'Đừng gọi mình là thần đồng âm nhạc' - 6

Mỗi lúc cần thêm động lực, Đức Anh lại nhớ câu chuyện về nghệ sĩ Romania -  Dinu Lipatti (1917-1950) - ốm nặng nhưng vẫn cố tiêm morphin để biểu diễn lần cuối cùng. Đến bài cuối, sức lực không còn, ông chuyển chơi một tác phẩm về Chúa.

Đức Anh luôn tưởng tượng hình ảnh một nghệ sĩ cận kề cái chết vẫn sống chết với âm nhạc và cảm thấy may mắn vì còn trẻ, còn sức lực để hoàn thành sứ mệnh.

Thành tích của nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh:

- Tốt nghiệp xuất sắc hệ trung cấp, Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam

- Tốt nghiệp thủ khoa đại học piano (2013) và thủ khoa cao học piano (2015) tại Nhạc viện hoàng gia Liège, Bỉ

- Theo học bậc đào tạo sau cao học tại Học viện âm nhạc Malmo theo diện học bổng toàn phần của chính phủ Thụy Điển

Giải thưởng:

- Giải nhì Concours Âm nhạc quốc gia mùa thu tại Việt Nam (2007)

- Giải nhì cuộc thi Classical Sonata tại Australia (2009)

- Giải nhì cuộc thi Piano quốc tế lần thứ nhất tại Việt Nam (2010)

- Giải nhì cuộc thi Piano toàn vương quốc Bỉ (2014)

- Giải nhất cuộc thi Piano Léopold Godowsky quốc tế tại Ba Lan (2014)

- Giải nhất cuộc thi Piano Andrée Charlier tại Bỉ (2015)

- Giải nhất cuộc thi Piano quốc tế Stockholm - Sweden lần thứ VI tại Thụy Điển (tháng 5/2017)

- Giải đặc biệt - Nghệ sĩ ấn tượng nhất - tại Festival et Concours international de Piano à Collioure lần thứ 10 tại Pháp (tháng 6/2017)

Theo Thu Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)