Giới trẻ

Mặt tối đáng buồn đằng sau nền giáo dục 'tốt nhất thế giới' của Hàn Quốc

Sức ép nặng nề của những đợt thi cử đã khiến tỷ lệ trầm cảm trong giới học sinh Hàn Quốc tăng cao, trở thành một trong những nước có tỷ lệ học sinh tự tử cao nhất thế giới.

Những thành tích mà ngành giáo dục Hàn Quốc đạt được trong 5 năm qua vô cùng đáng nể. Trên bảng xếp hạng top 20 nền giáo dục tốt nhất thế giới năm 2017 của NJ MED, Hàn Quốc đứng thứ nhất năm thứ 4 liên tiếp, tiếp theo sau là Nhật Bản.

Mặt tối đáng buồn đằng sau nền giáo dục 'tốt nhất thế giới' của Hàn Quốc

Tuy nhiên, song song với thành tích này là những mảng tối, các hệ lụy vô cùng nguy hiểm đang ngày càng lây lan trong xã hội. Sức ép nặng nề của những đợt thi cử đã khiến tỷ lệ trầm cảm trong giới học sinh Hàn tăng cao, trở thành một trong những nước có tỷ lệ học sinh tự tử cao nhất thế giới.

Giáo dục hay tàn sát thế hệ trẻ?

Nghiên cứu của trường đại học Stanford cho thấy các bậc phụ huynh Hàn Quốc cũng như châu Á tự hào khi con mình học giỏi hơn so với những gia đình khác, và việc tốn nhiều thời gian học hành sẽ giúp con cái họ sống tốt hơn.

Những học sinh Australia có gốc Đông Á thường có kết quả học tập tốt hơn những người bản địa. Các học sinh này thường tốn bình quân 15 tiếng mỗi tuần để học bài sau khi tan học, cao hơn mức 9 tiếng của học sinh bản địa. Khoảng 94% số học sinh Australia gốc Đông Á khát vọng được lên đại học trong khi tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều ở học sinh bản địa, thay vào đó họ ước mơ theo đuổi đam mê hay những công việc mà mình thích hơn.

Mặt tối đáng buồn đằng sau nền giáo dục 'tốt nhất thế giới' của Hàn Quốc - 1
"Chúng em là những nô lệ của trường học"

Thậm chí chính Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng than phiền rằng trẻ em Mỹ mỗi năm dành thời gian học ít hơn 1 tháng so với học sinh Hàn Quốc và điều đó sẽ khiến các em không chuẩn bị đủ cho thị trường lao động thế kỷ 21. Ông Obama thừa nhận rằng việc học thêm không phải là một ý tưởng hay nhưng chúng là điều cần thiết cho thế hệ trẻ Mỹ cho một tương lai tươi sáng hơn. Liệu quan điểm này có chính xác?

Trong khi báo cáo của Pearson hay Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá cao nền giáo dục của Hàn Quốc và coi học sinh Phần Lan kém tinh thần cạnh tranh ở mảng giáo dục thì thực tế lại cho thấy điều hoàn toàn khác. Trong khi trẻ em Phần Lan sống hạnh phúc thì các học sinh Hàn lại phải gồng mình trước kỳ vọng của cha mẹ cũng như tranh giành nhau cho sự nghiệp tương lai, qua đó dẫn đến những cái chết thương tâm.

Báo cáo của Statistic Korea cho thấy tự tử là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất cho giới trẻ Hàn Quốc độ tuổi 9-24 vào năm 2013.

Nguyên nhân của việc tự tử của học sinh Hàn thường đến từ nhiều yếu tố, đứng đầu là do áp lực học hành (39,2%), rắc rối về gia đình (16,9%), khó khăn về tài chính (16,7%) hay đơn giản chỉ là do cô đơn (12,5%).

Tương tự, số liệu của OECD cho thấy Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới với 28,9%. Quốc gia này cũng đứng hàng "top" về nợ hộ gia đình, trầm cảm, tỷ lệ ly hôn, nghiện rượu… trong OECD. Các cuộc khảo sát cũng cho thấy hơn 50% số học sinh Hàn trong độ tuổi 11-15 stress nặng mỗi ngày vì học hành và thi cử, cao hơn bất kỳ nước thành viên nào của OECD.

Năm 2017, tờ Korea Herald đăng tải báo cáo cho thấy học sinh Hàn Quốc không hề sống hạnh phúc trước áp lực quá lớn từ học hành. Dù an sinh xã hội được nâng cao nhưng khảo sát hạnh phúc cho thấy người Hàn chỉ đứng thứ 33/34 nước. Khi được hỏi về sự hài lòng với cuộc sống, người dân Hàn Quốc cũng chỉ đứng thứ 27/34.

Mặt tối đáng buồn đằng sau nền giáo dục 'tốt nhất thế giới' của Hàn Quốc - 2
Caption


Chỉ số hạnh phúc năm 2014 cũng cho thấy chỉ 67,6% người trẻ Hàn Quốc thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 85,8% của OECD và nguyên nhân chủ yếu là do học hành.

Rõ ràng, ngành giáo dục Hàn Quốc đang đánh đổi hạnh phúc, sức khỏe của cả giới trẻ lẫn xã hội để đổi lấy điểm số.

Bỏ tiền cho thành tích

Không dừng lại ở vấn đề tự tử, Hàn Quốc còn đang phải tiêu tốn một lượng lớn tiền cho những trung tâm đào tạo hay các gia sư. Nói cách khác, kết quả cao mà ngành giáo dục Hàn đạt được có quá nhiều yếu tố ép buộc. Điều này khác với những nền giáo dục tiên tiến Phương Tây khác khi trẻ em được phát triển toàn diện và được khuyến khích nuôi dưỡng sở thích, tài năng hơn là tập trung quá nhiều vào điểm số.

Hàng năm, các bậc phụ huynh tại Hàn Quốc chi 18 nghìn tỷ Won (15,87 tỷ USD), tương đương 20% thu nhập bình quân hộ gia đình cho những trung tâm đào tạo ngoài giờ hay các gia sư để nâng cao điểm số cho con cái họ. Khoảng 75% số học sinh Hàn tham gia 100.000 trung tâm đào tạo ngoài giờ trên khắp Hàn Quốc. Sau những giờ học chính quy là các lớp học phụ đạo, rồi những giờ học gia sư cho đến tận tối muộn. Thông thường một học sinh Hàn sẽ đến trường vào 8h sáng để rồi kết thúc học tập vào 9h30 - 10h tối. Thậm chí vào cuối tuần các em cũng có lớp phụ đạo và học thêm.

Chính thời gian biểu khắc nghiệt này đã giúp ngành giáo dục Hàn có được các thứ hạng cao trong bảng xếp hạng nhờ thành tích của học sinh, nhưng chúng cũng gần như xóa sổ các hoạt động khác của trẻ em. Áp lực thi cử và học tập quá lớn khiến phần lớn trẻ em Hàn không có thời gian cho những hoạt động khác hoặc cho đam mê của mình. Hơn nữa, chi phí quá lớn cho học tập cũng khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn có con sớm, trong khi những gia đình có con cái lại phải vay nợ ngày càng nhiều để thanh toán chi phí giáo dục.

Với khoảng thời gian và tiền bạc đổ vào giáo dục nhiều như vậy, không có gì lạ khi Hàn Quốc đứng đầu chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) cho bộ môn toán học, đứng thứ 3 về văn học và đứng thứ 5 về khoa học trong số các nước thuộc OECD.

Mặt tối đáng buồn đằng sau nền giáo dục 'tốt nhất thế giới' của Hàn Quốc - 3


Tuy vậy theo các chuyên gia, các học sinh Hàn Quốc đạt thứ hạng cao tại PISA nhờ phương pháp ghi nhớ quá nhiều thay vì chứng tỏ được các kỹ năng cũng như năng khiếu của mình. Những mảng kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, sáng tạo… hầu như không được chú trọng giảng dạy tại các trung tâm đào tạo Hàn Quốc.

Trong kỳ thi đại học mới đây tại Hàn Quốc, máy bay bị cấm bay trong 40 phút còn quân đội thì ngừng tập trận. Rõ ràng, người Hàn coi trọng nền giáo dục của con trẻ nhưng liệu có nên đánh đổi bằng sức khỏe và sự hạnh phúc của chúng không thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Theo AB (Thời Đại)