Giới trẻ

“Lố” ở nơi linh thiêng: Văng tục, chửi thề nơi cửa chùa

Tranh nhau lộc thánh, so bì lễ to, lễ nhỏ, thậm chí chỉ vì chen nhau trên một lối đi nhỏ vào cửa Phật cũng có thể trở thành lí do để những câu văng tục, chửi thề được người trẻ hồn nhiên thốt lên nơi cửa chùa…

Tranh nhau lộc thánh, so bì lễ to, lễ nhỏ, thậm chí chỉ vì chen nhau trên một lối đi nhỏ vào cửa Phật cũng có thể trở thành lí do để những câu văng tục, chửi thề được người trẻ hồn nhiên thốt lên nơi cửa chùa…

Cùng gia đình đi lễ chùa Thầy (huyện Quốc Oai, Hà Nội) ngày mùng 8 Âm lịch vừa qua, cho đến giờ, chị Nguyễn Thị Hà (khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) vẫn còn bị ám ảnh bởi những hành xử khiếm nhã của một số bạn trẻ mà chị bắt gặp hôm ấy.

Chùa Thầy có không gian tĩnh mịch và kiến trúc cổ. Lối đi lên, xuống qua các gian thờ tự rất nhỏ, phải lần lượt từng người bước lên cầu thang để đi vào. Tuy chưa vào chính hội nhưng vì đầu xuân nên lượng du khách đến thăm quan, vãng cảnh, lễ chùa rất đông. Trong đó, chiếm phần lớn là các bạn trẻ.

Văng tục, chửi bậy chốn chùa chiền đang làm hình ảnh giới trẻ ngày càng trở lên xấu xí hơn (ảnh có tính chất minh họa)

“Ngay trên lối đi trước đền Thượng, một nhóm bạn trẻ từ trong điện chính đi ra, một nhóm bạn trẻ từ phía ngoài đi vào. Cùng chen nhau trên một lối đi hẹp nên có bạn đã dẫm chân vào nhau. Nhưng thay vì câu xin lỗi nhẹ nhàng, hai bạn trẻ lại trợn mắt nhìn nhau rồi buông tiếng chửi bới: “Mẹ mày! Đi thế mà cũng đi. Mù à?”, chị Hà kể.

Cũng bất ngờ không kém khi được tận mắt chứng kiến hành xử thô lỗ của các bạn trẻ nơi chùa chiền là tâm trạng của anh Lưu Văn Ngọc (đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội).

Tranh thủ ngày cuối tuần, anh Ngọc đưa gia đình đi lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Không khí thờ tự diễn ra rất trang nghiêm, thành kính. Đông đảo bạn trẻ cũng đến đây cầu mong may mắn, bình an và của cải dư dả cho bản thân và gia đình. Ăn theo mùa lễ hội, dịch vụ chụp ảnh lưu niệm cũng mọc lên tấp nập. Đang lúi húi cùng vợ sắp lễ, anh giật mình bởi tiếng cãi cọ, chửi đổng vang lên ngay phía sau lưng mình. “Mẹ nhà chúng mày, không chụp thì thôi, nói giọng bố đời như thế à?”, tiếng của thanh niên trẻ làm nghề chụp ảnh. Thì ra, nhóm du khách trẻ "trót đùa”: “Từ sáng, em chụp 200 kiểu rồi” để từ chối lời mời mọc là nguyên nhân của câu chửi đổng.

Làm xô bồ chốn linh thiêng

Dường như không ý thức được mình đang có mặt tại đâu, người thanh niên trẻ vẫn tiếp tục “phun châu nhả ngọc” bằng những lời lẽ thô lỗ, khó nghe như để trút đi nỗi uất giận của mình dù nhóm khách trẻ đã đi khuất.

“Cậu con trai vừa học lớp 2 của mình ngạc nhiên thắc mắc với bố: “Anh này giận ai mà chửi mãi không thôi thế bố? anh này mà ở lớp con là bị cô giáo phạt rồi đấy!”, anh Ngọc kể lại.

Vừa không vui khi để con trẻ chứng kiến những hành xử thô lỗ, anh Ngọc lại càng buồn hơn cho ý thức của một bộ phận giới trẻ hiện đại. “Các dịch vụ ăn theo mùa lễ hội không chỉ biến nơi thờ tự thành một chốn xô bồ, phàm tục mà còn là cơ hội để những người trẻ thể hiện những thói hư, tật xấu của mình bằng hành xử kém văn hóa. Giữa không khí nhang khói trang nghiêm mà thốt lên những lời lẽ như vậy là điều không thể chấp nhận được”, anh Ngọc bày tỏ nỗi bức xúc.

“Lễ chùa đầu năm từ lâu đã là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt. Vì vậy, hơn ai hết, là những người trẻ, khi tham gia vào lễ hội này, các bạn càng cần chỉn chu, lịch sự hơn”, bạn Hoàng Thị Loan (sinh viên trường Cao đẳng nghề Giao thông vận tải chia sẻ.

Đi lễ chùa với tâm thế hướng lòng thành về nơi cửa Phật, cầu mong may mắn và bình an vì vậy bạn Nguyễn Thị Hoài cho rằng: “Mâm cao, lễ đầy cũng không bằng tấm lòng thành kính. Sự thành kính ấy thể hiện qua những hành động nhỏ nhất của các bạn khi đi lễ chùa, từ cách đi đứng, nói năng, ăn mặc đến việc tuân thủ các lễ nghi của nhà Phật”.

Văng tục, chửi thề ở nơi công cộng khiến hình ảnh người trẻ trở nên xấu xí, khó coi, buông những lời lẽ khiếm nhã ở chốn thờ tự linh thiêng lại càng khiến hình ảnh người trẻ… mất giá thêm nhiều phần.

(còn nữa)

>> "Lố" ở nơi linh thiêng: Váy “ngắn quá đà” nơi đền chùa
>> “Lố” ở nơi linh thiêng: “Tự sướng” khác người...

Theo Ngọc Linh (Tuổi Trẻ Thủ Đô)