Giới trẻ

Làm việc trong Bộ Tài chính Anh như Chris Khoa có khó không?

Trước thông tin Chris Khoa Nguyễn trở thành cố vấn Bộ Tài chính Anh ở tuổi 24, nhiều người đặt câu hỏi: Làm thế nào để được như chàng trai này?

Những ngày gần đây, Chris Khoa Nguyễn trở thành tâm điểm chú ý khi được thông tin trở thành cố vấn Bộ Tài chính Anh ở tuổi 24. Sau đó, 9X đính chính trên trang cá nhân đến tháng 3, anh mới bắt đầu làm với vai trò Junior Policy Adviser (tạm dịch: Cố vấn tài chính cấp thấp), giống như công việc thực tập.

Đây là lần thứ hai cái tên Chris Khoa Nguyễn liên tục được nhắc đến trong cộng đồng mạng Việt và gắn với danh hiệu "con nhà người ta".

Làm việc trong Bộ Tài chính Anh như Chris Khoa có khó không?

Làm việc trong Bộ Tài chính Anh như Chris Khoa có khó không? - 1
Chris Khoa Nguyễn được thông tin trở thành cố vấn Bộ Tài chính Anh ở tuổi 24. Ảnh: FBNV.

Hot boy nổi tiếng trong giới trẻ

Chris Khoa Nguyễn sinh ra tại TP.HCM, lớn lên ở Prague (Cộng hòa Séc) và hiện sống, làm việc tại London (Anh).

Chưa xét tới bảng thành tích trong học tập, công việc, Chris Khoa đã nổi tiếng trong giới trẻ Việt nhờ ngoại hình điển trai và vai trò đại sứ gốc Việt đầu tiên cho thương hiệu thời trang Abercrombie & Fitch (A&F) của Mỹ tới khi kết thúc vào tháng 7/2016.

6 nơi được cho là mời Chris Khoa Nguyễn thực tập năm 2016

Google, Apple (hai "gã khổng lồ" công nghệ - PV), Goldman Sachs (ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới), BlackRock (ngân hàng quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới), Bank of England (ngân hàng trung ương của Anh) và HSBC.

Thông tin Chris Khoa được mời làm việc tại 6 ngân hàng, công ty hàng đầu như Google, Apple, Goldman Sachs, BlackRock, Bank of England và HSBC vào năm 2016, khi mới là sinh viên năm 3 khoa Kinh tế & Quan hệ Ngoại giao, ĐH Exeter (top 10 ĐH ở Vương quốc Anh năm 2005) xuất hiện nhiều lần trên báo chí Việt.

Gần đây, khi nhiều thắc mắc đổ dồn vào những thành tích đạt được, 9X giải thích rằng: "Sự thật là như các bạn sinh viên khác, mỗi năm Khoa nộp rất nhiều hồ sơ xin việc. May mắn là năm 2016, Khoa nhận được 6 offer, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều hồ sơ bị từ chối".

Thực tế, 6 đơn vị kể trên đã gửi lời mời làm thực tập sinh cho Chris Khoa sau khi anh nộp hồ sơ vào đây. Khi đó, 9X quyết định chọn bộ phận Chống tội phạm tài chính và tham nhũng của BlackRock để làm thực tập sinh từ tháng 6/2016 đến tháng 9/2017.

Theo thông tin trên một số báo, trong thời gian học tập tại ĐH Exeter, Chris Khoa là người quốc tế duy nhất được bình chọn là đại diện Hội sinh viên trường. Tháng 8/2017, anh tốt nghiệp loại xuất sắc.

Chris Khoa cũng thừa nhận mình biết 7 thứ tiếng gồm Việt, Anh, Séc, Tây Ban Nha, Slovak, Hàn, Trung. Điều này được thể hiện rõ trong phần profile trên trang mạng LinkedIn và Facebook của 9X.

Làm việc trong Bộ Tài chính Anh như Chris Khoa có khó không? - 2
Chris Khoa Nguyễn tự giới thiệu mình làm tình nguyện viên ở UNICEF, Hội Chữ hập đỏ Anh quốc, biết 7 thứ tiếng và đạt nhiều danh hiệu, giải thưởng cá nhân. Ảnh chụp màn hình.

Hồ sơ LinkedIn của Chris Khoa cũng cho thấy anh từng thực tập tại một số ngân hàng lớn khi còn là sinh viên như Loyds Banking Group (tháng 3/2014), Barclays Investment Bank (4/2014), Bank of England (8/2014).

Như vậy, thông tin Chris từng thực tập tại 8 ngân hàng danh giá tại nước ngoài như một số báo từng đưa là chưa đủ cơ sở.

Bảng thành tích cụ thể ở trường học của Chris Khoa Nguyễn chưa từng xuất hiện. Theo như 9X tự nhận anh từng đạt 8 danh hiệu và thành tích cá nhân do trường như Exeter Award (dành cho sinh viên có thành tích học tập tốt), University Commendation (do nhà trường khen thưởng), Best New Student Representative (tân sinh viên xuất sắc), 2013/14 Upper School Scholar (học bổng năm học 2013-2014)...

Đường trở thành Junior Policy Adviser có quá gian nan?

Chris Khoa Nguyễn cho biết để trở thành Junior Policy Adviser tại Bộ Tài chính Anh, anh đã ứng tuyển như những người khác.

Cụ thể, Chris nộp đơn từ tháng 9/2017 và phải viết nhiều bài luận đề cập việc bằng cách nào tư vấn cho các nghị sĩ về các vấn đề liên quan. Sau đó là nhiều vòng phỏng vấn và thuyết trình trước các hội đồng đánh giá. Anh cũng được đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan cạnh tranh và kinh tế quốc tế.

Thực tế, việc tham gia Policy Adviser Graduate Progamme không phức tạp đến vậy.

Làm việc trong Bộ Tài chính Anh như Chris Khoa có khó không? - 3
Yêu cầu cơ bản để tham gia Policy Adviser Graduate Progamme của Bộ Tài chính Anh. Ảnh chụp màn hình.

Đường link do chính Chris cung cấp nêu rõ yêu cầu cũng như quy trình ứng tuyển.

Theo đó, ứng viên chỉ cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản như đạt bằng khá (second upper class honours), là công dân các nước thuộc khu vực kinh tế châu Âu, công dân Khối thịnh vượng chung Anh, công dân Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ, đồng thời được cấp quyền làm việc tại Anh và phải sống ở nước này ít nhất 3 năm trong vòng 5 năm gần nhất.

Ngoài ra, chương trình yêu cầu ứng viên có các kỹ năng mềm phù hợp với yêu cầu của một cố vấn chính sách như khả năng phân tích; năng lực thấu hiểu các quan điểm khác biệt để ảnh hưởng, thuyết phục hoặc đàm phán với người khác; giao tiếp rõ ràng (trong nói và viết), kỹ năng làm việc nhóm.

Bên cạnh đó, vì công việc cố vấn chính sách cho Bộ Tài chính liên quan đến chính trị và kinh tế, ứng viên cho chương trình phải thực sự hứng thú với việc hỗ trợ chính phủ đưa ra chính sách phù hợp, đồng thời có lối tư duy linh hoạt, thích nghi tốt với sự thay đổi.

Những ứng viên cảm thấy bản thân đáp ứng được những yêu cầu trên có thể nộp đơn ứng tuyển trực tuyến. Theo thông tin do Chris Khoa Nguyễn cung cấp, đợt ứng tuyển anh tham gia đã kết thúc vào ngày 14/11/2017.

Việc ứng tuyển bao gồm 5 giai đoạn. Ở giai đoạn nộp đơn, ứng viên chỉ cần điền thông tin cơ bản theo mẫu và được cấp tài khoản email, sử dụng cho các giai đoạn tiếp theo.

Phía tuyển dụng sẽ gửi các câu hỏi để kiểm tra liệu ứng viên có đáp ứng được yêu cầu cơ bản cùng một số câu hỏi tình huống.

Vòng tiếp theo - xử lý tình huống - bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm nhằm đánh giá khả năng phán đoán và xử lý của ứng viên trong tình huống cụ thể họ gặp phải nếu là cố vấn chính sách. Họ chỉ cần chọn phương án được coi là cách tốt nhất hoặc tệ nhất.

Từ ngày 17-24/11, ứng viên tham gia bài kiểm tra khả năng tính toán và đọc hiểu. Họ có 5 ngày để hoàn thành bài thi.

Từ ngày 8/1 đến 22/2, ứng viên thực hiện bài đánh giá tại London, Anh. Vòng này bao gồm bài thuyết trình về một chính sách, bài kiểm tra viết và một cuộc phỏng vấn.

Theo chia sẻ một cố vấn chính sách Bộ Tài chính (giấu tên) trên Glassdoor, về bài thi viết, ứng viên được cung cấp túi đựng tài liệu từ nhiều nguồn. Một cố vấn cao cấp sẽ đưa ra yêu cầu chi tiết về thông tin họ cần. Việc của ứng viên là viết báo cáo tổng hợp tối đa 1.000 từ.

Người này cho biết bài viết khá nhẹ nhàng, ứng viên không cần kiến thức nền (thông tin được cho sẵn), chỉ cần biết chọn lọc thông tin và trình bày lại một cách súc tích.

Vòng phỏng vấn cũng không có gì phức tạp. Ứng viên trao đổi với chuyên viên nhân sự và cố vấn chính sách, thông qua đó để chứng minh mình đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Làm việc trong Bộ Tài chính Anh như Chris Khoa có khó không? - 4
Ứng viên thực hiện vòng phỏng vấn với cố vấn chính sách và chuyên viên nhân sự. Ảnh minh họa: Kelownahr.

Về cơ bản, ứng viên chỉ cần tìm hiểu trước khung làm việc của nhân viên dịch vụ dân sự, chuẩn bị trước những câu chuyện trải nghiệm của bản thân giúp ích cho vị trí này.

Câu hỏi phỏng vấn cũng không mang tính đánh đố ứng viên và thường ở dạng câu hỏi tình huống dựa trên công việc cụ thể của một cố vấn chính sách.

Các thành viên Glassdoor tổng hợp một số câu hỏi thường gặp như:

1. Giả sử, bạn là cố vấn chính sách cấp cơ sở và phải viết báo cáo nộp lên cố vấn chính sách cao cấp nhưng một trong những đồng nghiệp của bạn không hài lòng vì cho rằng bạn xem nhẹ ý kiến của anh ta. Bạn sẽ xử lý như thế nào?

2. Làm thế nào để bạn làm việc với các thành viên khó tính trong nhóm?

3. Hãy nêu ví dụ cho thấy bạn từng phải thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ và bạn đã xoay xở như thế nào để hoàn thành chúng?

4. Bạn cho rằng thách thức lớn nhất trong công việc cố vấn chính sách là gì?

5. Hãy kể về lần bạn phải thích nghi với hoàn cảnh mới hoặc tình huống chứng tỏ năng lực lãnh đạo của bạn?

Trong khi đó, phần thuyết trình được cho là phức tạp nhất, cần được chuẩn bị kỹ lường. Ứng viên được giao chủ đề, có 30 phút chuẩn bị trước khi thuyết trình với hai giám khảo trong vòng 8 phút.

Giám khảo sẽ đặt câu hỏi liên quan đến nội dung bài thuyết trình.

Hoàn thành các bước trên, ứng viên sẽ nhận kết quả sau hai tuần và phản hồi lại nhà tuyển dụng xem họ chấp nhận hay từ chối tham gia chương trình.

Nhìn chung, đây là quy trình tuyển dụng của phần lớn công ty khác. Thử thách lớn nhất nằm ở vòng thuyết trình. Đây cũng là lúc ứng viên bộc lộ rõ nhất liệu họ có phù hợp, đủ khả năng nhận vị trí không.

Có thể thấy, nếu tìm hiểu kỹ, "nằm lòng" các điều trên, bạn sẽ có cơ hội trở thành Junior Policy Adviser trong Bộ Tài chính Anh như Chris Khoa Nguyễn.

Theo Nguyễn Thu (Tri Thức Trực Tuyến)