Giới trẻ

Lá thư xúc động và câu chuyện tình yêu phi thường của cô gái 1 chân dành cho người yêu ngồi xe lăn

Vì tình yêu, cô gái khuyết tật 9X đã sẵn sàng hi sinh tất cả những gì mình có thể. Chuyện tình của họ, dù “ôm nhau trên chiếc xe lăn người ta cho”, dù “nằm trên cái dát giường đi xin” mà vẫn đẹp một cách lạ kỳ!

Vì tình yêu, cô gái khuyết tật 9X đã sẵn sàng hi sinh tất cả những gì mình có thể. Chuyện tình của họ, dù “ôm nhau trên chiếc xe lăn người ta cho”, dù “nằm trên cái dát giường đi xin” mà vẫn đẹp một cách lạ kỳ!
 
 
Nhìn vào ngoại hình nhỏ bé với đôi mắt cận dễ thương, ít ai nghĩ rằng Trần Thị Lý (sinh năm 1992, quê ở Ninh Bình) lại có thể là cô Lý với tình yêu và nghị lực đáng ngưỡng mộ trong lá thư gây xôn xao nói trên. Tuy vậy nếu ai nhìn thấy ánh mắt cứng cỏi của cô, sẽ phần nào cảm nhận được rằng ông trời không nỡ lấy đi tất cả của bất cứ ai, bởi Lý không may mắn có thân thể lành lặn nhưng ý chí và tình yêu của Lý thì hoàn hảo hơn tất cả những tạo vật đẹp đẽ nhất trên thế giới này.
 
tình yêu phi thường
 
Trần Thị Lý và Lê Hoàng Anh - đôi bạn trẻ nổi tiếng về chuyện tình đầy nghị lực.

Lý – cô gái trẻ mang trong mình nỗi mặc cảm khó nói vì chỉ có một chân, Hoàng Anh – chàng trai hiền lành không may mắn mắc chứng bệnh viêm đa rễ đa dây thần kinh, khiến việc đi lại phải nhờ tới sự trợ giúp của chiếc xe lăn. Lý ở Ninh Bình, Hoàng Anh quê ở Thanh Hóa, hai con người ở hai miền quê xa xôi tình cờ gặp gỡ và đến bên nhau nhờ một mối lương duyên kỳ lạ. Cách đây hơn 1 năm về trước, đôi bạn trẻ cùng tham gia một diễn đàn dành cho người khuyết tật trên mạng xã hội facebook, thấy hợp nhau nên hai người thường xuyên trao đổi, hỏi han. 
 
Ngày quen Hoàng Anh, Lý đang mang trong mình một tâm sự buồn về tình cảm. Lý từng có người yêu, một người đàn ông lành lặn, bình thường nhưng lúc nào cũng muốn kiểm soát. Buồn nhất là ở sâu trong lòng, Lý cảm nhận được suy nghĩ “ban ơn” của anh khi cho rằng chấp nhận yêu Lý – cô gái chỉ có một chân, đã là một việc làm từ thiện. Sau nhiều đau khổ, Lý buộc phải lựa chọn ra đi…
 
Đến khi quen biết nhau, ngay từ những câu chuyện đầu tiên, Lý và Hoàng Anh đã cảm nhận được ở đối phương một sự tin tưởng và ấm áp khó giải thích. Để rồi 1 tuần sau, Lý “liều mình” bắt xe về Thanh Hóa tìm gặp Hoàng Anh. “Đây là lần đầu tiên em dám một mình đi đến nơi xa xôi như thế để gặp một người lạ, lại là một người đàn ông. Nhưng không hiểu sao, ngay từ phút đầu tiên khi chúng em gặp nhau, hai đứa đều cảm giác như mình đã quen thân nhau lâu lắm rồi”, Lý kể.
 
Hoàng Anh đưa Lý về nhà chơi và giới thiệu với bố mẹ. Đến buổi tối hôm ấy, mẹ của Hoàng Anh cũng ra tận nơi Lý nghỉ trọ để tâm sự. Cô gái trẻ đã rất bối rối khi nghe bà khuyên rằng Lý còn có tương lai rộng mở phía trước, trong khi sức khỏe của Hoàng Anh thì ngày một yếu đi, không thể nói trước được điều gì. 
 
“Bác còn khuyên em rằng hai đứa không nên tính chuyện lâu dài xa xôi với nhau vì như thế sẽ rất thiệt thòi cho em. Về phía Hoàng Anh thì gia đình cũng xác định sẽ lo cho anh ấy đến khi nào còn có thể. Lúc đó, em cũng yếu lòng lắm. Nhưng vài hôm sau, khi thấy Hoàng Anh một mình đi hai chặng xe ô tô, vượt quãng đường dài từ Thanh Hóa ra Hà Nội tìm em thì em đã quyết định rằng sẽ chẳng thể nào phụ lòng một người đàn ông như thế. Quãng đường xa xôi ấy người bình thường đi còn khó, huống gì Hoàng Anh phải ngồi xe lăn…”, cô gái trẻ ngậm ngùi cho hay.
 
Đôi bạn trẻ tuổi vừa đôi mươi với cơ thể không lành lặn và bệnh tật, vừa phải kiên trì gìn giữ tình yêu chớm nở, vừa bươn chải tìm kế sinh nhai ở giữa thành phố đông đúc rộng lớn, quả thực là chuyện không hề dễ dàng. Không nhà cửa, không việc làm, không tiền bạc, đã có lúc Hoàng Anh và Lý phải tìm đến tá túc tại một trung tâm dành cho người khuyết tật để kiếm miếng cơm qua ngày. Nhưng cuộc sống khắc nghiệt đã khiến hai người nếm trải đủ cay đắng của hai tiếng “từ thiện”, khi bữa ăn là những miếng cơm thừa đi xin, một chỗ ngủ vá víu ở dưới góc cầu thang trong khi chủ nhà thì vui vẻ với bữa ăn ngon lành trên tầng.
 
tình yêu phi thường
Hai người đã cùng nhau vượt qua không ít sóng gió, gian nan.

Vì muốn có một cuộc sống tốt hơn, Lý đã xin việc làm tại một cơ sở tư nhân tại ngoại thành Hà Nội. Với mức lương ít ỏi, tháng ít thì năm, bảy trăm ngàn, nhiều thì hơn 2 triệu đồng, cô gái trẻ cẩn thận chia thành 2 phần: phần nhiều dành cho Hoàng Anh đi học nghề tại thành phố, phần ít dành cho mình chi tiêu. Cuộc sống thiếu thốn, nay thiếu mai mượn, khốn khổ trăm bề, là con gái hay thích làm điệu nhưng có khi suốt một thời gian dài Lý không biết tới một bộ quần áo mới dành cho mình. Nhưng đó vẫn luôn là những tháng ngày hạnh phúc!
 
Hơn 1 năm trời bươn chải trên đất Hà Nội, nhờ sự nỗ lực không ngừng mà cuối cùng Lý và Hoàng Anh đã có thể tạm hài lòng với chút ít thành quả hiện tại. Hoàng Anh đã xin được việc làm với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, tuy không cao nhưng tạm đủ để chi tiêu những chi phí sinh hoạt cần thiết. Nói tới đây, Lý khoe: hiện giờ hai đứa ngoài tiền thuê nhà và tiền ăn, mỗi tháng đều có thể tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng để dành cho “việc lớn” sau này.
 
“Việc lớn” mà Hoàng Anh luôn ấp ủ đó chính là một đám cưới để Lý có thể danh chính ngôn thuận trở thành vợ hiền của mình, là tiền để thay chiếc chân giả đã sờn của Lý. Nhưng với Lý, cô chỉ ao ước có tiền để đưa Hoàng Anh đi khám bệnh – điều mà luôn khiến Lý trăn trở suốt hơn 1 năm nay.
 
Mỗi cuối tuần, Lý lại đến thăm Hoàng Anh và tận hưởng những giây phút nhẹ nhàng bên người yêu, gạt bỏ sang một bên mọi bộn bề cuộc sống. Giữa căn phòng trọ chật hẹp, đôi mắt của cô gái trẻ nghị lực luôn ánh lên một sự quyết tâm sắt đá: “Ở đâu có Hoàng Anh thì em ở đó! Kể cả khi Hoàng Anh có không còn tồn tại nữa thì em cũng vẫn sẽ làm con dâu tốt của bố mẹ Hoàng Anh”. Một tình yêu thật đẹp, cho dù nơi họ nằm là “chiếc dát giường đi xin”, chỗ họ dành để tặng nhau những cái ôm thật chặt chỉ là “chiếc xe lăn người ta cho”….
 
tình yêu phi thường
 
tình yêu phi thường
Nhưng nụ cười và sự lạc quan thì chưa khi nào tắt.
 
Lá thư xúc động của Lý gửi tới Hoàng Anh:
 
Hoàng Anh thương nhớ!
 
Tình yêu là gì anh nhỉ? Hình như nó là cánh tay em đang gối đầu hay nó là khuôn mặt anh đang say ngủ vào lúc này. Em vẫn nhớ buổi chiều hôm ấy, anh đón em ở Thanh Hóa, lần đầu tiên mình gặp nhau, anh đón em về nhà anh. Mẹ anh đã nói với em rằng: Cô không muốn cháu khổ, cháu còn trẻ. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc Hoàng Anh đến ngày nào còn có thể.
 
Em cũng đã lo sợ khi anh nói rằng căn bệnh của anh sẽ xấu đi, căn bệnh nan y đã khiến chàng trai của em không thể đi lại được. Nhưng anh bảo: có thể sẽ không là xe lăn mà anh có thể nằm liệt, tứ chi yếu dần đi. Em cũng đã nghĩ đến việc có thể anh sẽ không sống được lâu nữa…
 
Nhưng chính vì sợ rằng mình không còn gặp nhau bao lâu nữa mà em đã quyết định nhận lời yêu anh. Em lên Hà Nội đi làm thuê, anh bảo anh sẽ đợi em. Rồi chỉ mấy ngày, anh đã lên tìm em, một mình trên chiếc xe lăn, trốn gia đình, tự loay hoay đi mấy trăm cây số lên Hà Nội. Lên rồi, hai đứa bơ vơ, em cũng không biết mình sẽ lo cho anh như thế nào khi chỉ là một đứa con gái không lành lặn. Em đã từng nếm trải đủ thứ cay đắng trong tình yêu, gia đình người cũ cũng khinh miệt em vì em chỉ có một chân thôi, vì họ yêu em là đã ban ơn cho em rồi. Lương em chỉ có 2 triệu/tháng, ở giữa thành phố này. Bệnh tật làm sức anh yếu, không làm việc được. Em quyết định bỏ việc, hai đứa đến nương nhờ vào một trung tâm người khuyết tật, làm việc không lương, em chỉ cầu mong ngày 2 bữa ăn và một chỗ ngả lưng cho hai đứa.
 
Trung tâm từ thiện ấy tệ thật anh nhỉ, họ đi xin cơm thừa ở nhà hàng, khách sạn cho chúng mình ăn, chỗ ngủ chỉ là miếng vải bạt may thừa trải ở góc cầu thang. Chúng mình vẫn ở bên nhau nên em chịu đựng được, chịu đựng được sự ban ơn của chủ nhà, chịu đựng được những miếng thịt đã bốc mùi, không biết là họ xin ở đâu nữa, rồi đã để mấy ngày. Chỉ cần có anh ở bên cạnh là đủ rồi.
 
Ở thành phố này, em đã gặp bao người như thế, gánh hát người khuyết tật bắt em phải tháo chân giả ra cho tội nghiệp rồi đứng lên đấy hát để thu tiền. Những trung tâm người khuyết tật mà chủ nhà ăn những bữa cơm ngon lành trên tầng, còn mình thì ngồi dưới ăn cơm thừa đi xin. Cả người cũ của em nữa, một người bình thường đã hành hạ em cả thể xác và tinh thần bởi em không bằng họ, bởi tai nạn đã cướp đi của em một chân. 
 
Khi Hoàng Anh bị bệnh, Lý đã chấp nhận mọi cơ cực để nuôi Hoàng Anh đi học nghề. Cái chân giả của em đã hỏng, đế chân đã bong tróc từng lớp và bàn chân thỉnh thoảng vẹo sang một bên, đi lại khó khăn. Anh muốn đi làm để có tiền thay chân cho em, nhưng anh không có nghề, đi học nghề thì mình không có tiền. Em quyết định mình phải cố, sống xa nhà một thời gian. Em sang Bát Tràng đi làm thuê, lương cao hơn một chút, hơn 2 triệu. Em để cho anh 1,5 triệu để anh thuê nhà và học nghề tin học ở trong phố, còn em chỉ tiêu 1 triệu thôi, vay mượn vá víu cũng đủ. Lâu lắm rồi em không mua một bộ quần áo, không gửi cho mẹ ở quê được đồng nào hết. Nhiều người bảo anh lợi dụng em, hỏi rằng anh có xứng đáng để em nai lưng ra chịu khổ, chịu nhục như vậy không nhưng em chưa bao giờ dao động. Em cảm thấy mình thật may mắn vì có anh, anh làm em vui, cho em hiểu được giá trị của tình yêu. Nếu không có anh, chắc giờ em vẫn đang sống quay quắt trong mối tình cũ, chấp nhận mình bị giày vò vì mình không bằng người ta. Anh thì trân trọng em, vì anh, em chịu khổ được.
 
Thế là cũng hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày chúng mình chạy trốn tình yêu lên đất Hà Nội này. Anh hôm nay đã có việc làm, lương chẳng cao nhưng là hi vọng đúng không anh. Bây giờ mình lại tranh cãi với nhau là tiền dành thay chân giả cho em hay để anh đi khám bệnh. Hai đứa đi làm thuê kiểu này, mỗi tháng sẽ để được 1 triệu, anh tính là 7 tháng sẽ thay được chân giả cho em nhưng em muốn anh dùng tiền đó để đi khám, Hoàng Anh ạ. Bệnh anh ngày càng nặng rồi, từ ngày đầu gặp anh, tay anh đã yếu đi nhiều và em rất sợ. Em muốn được ở bên cạnh, cho dù cuộc sống có khó khăn như thế nào, cho dù anh chỉ sống được 1 năm nữa thôi.
 
Anh muốn mình cưới nhau để cho dù 1 ngày em cũng có danh phận. Em cũng không biết là đám cưới thì phải tốn bao nhiêu tiền nhưng anh à, em chờ ngày ấy. Em đã nói với mẹ rồi, mẹ chưa đồng ý đâu nhưng em tin là mẹ sẽ hiểu.
 
Cuộc sống vẫn thế, mình nằm trên cái dát giường đi xin, ngồi ôm nhau trên cái xe lăn người ta cho, quần anh rách, em nhìn thấy đấy. Nhưng niềm vui anh mang lại cho em thì không gì có thể đánh đổi được. Anh à, năm nay mình cưới nhau anh nhé!
 
 
Theo Thu Hương (afamily.vn/Trí Thức trẻ)