Giới trẻ

Hát cùng dao kéo: "Thú vui" cần lên án

Say mê với trò chơi cảm giác mạnh, trong một lần biểu diễn quá hăng cho bạn bè xem, An đã đâm xuyên ngón tay của mình. Từ đó, mỗi khi thấy dao, An rất hoảng loạn và sợ hãi.

Say mê với trò chơi cảm giác mạnh, trong một lần biểu diễn quá hăng cho bạn bè xem, An đã đâm xuyên ngón tay của mình. Từ đó, mỗi khi thấy dao, An rất hoảng loạn và sợ hãi.

Đoạn nhạc để sử dụng cho “The knife song” thường ngắn và có tiết tấu tăng dần về cuối, để tạo sự phấn khích cho người chơi. Với lực đâm mạnh và dồn dập, nếu không tập trung cao độ thì người thể hiện chắc chắn sẽ gặp sự cố.

Không ít học sinh tham gia trò chơi nguy hiểm này.

Hầu hết “tín đồ” của trò chơi mang cảm giác mạnh này đều là các thanh niên trẻ. Vì vậy, sau khi luyện tập thành thạo những màn biểu diễn “rợn người”, các “dao thủ” không ngần ngại thể hiện với bạn bè để “lấy số”. Mục đích chỉ nhằm gây sự chú ý và khẳng định “đẳng cấp” dân chơi của mình.

Những tưởng trò chơi có phần bạo lực này chỉ thu hút phái mạnh, nhưng trên nhiều diễn đàn, không ít người ngỡ ngàng khi chứng kiến các clip hay hình ảnh của phái nữ.

Nguyễn Minh Tú (ngụ tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho rằng: “Lúc trước, mình có xem clip trên mạng, nhưng giờ thấy nhiều bạn trong lớp bắt chước tập chơi rồi tung lên. Chẳng biết các bạn học hỏi được gì từ trò chơi nguy hiểm này, nhưng riêng mình thấy thật kinh sợ. Nếu chẳng may mũi dao đâm mạnh vào xương có thể gây tàn tật suốt đời. Một phút bốc đồng có khi phải trả giá đắt là điều không nên chút nào”.

Chuyện bị sẹo từ thú vui “The knife song” không phải là điều mới mẻ của nhiều bạn trẻ, thậm chí không ít người lấy đó làm niềm tự hào cho “đẳng cấp” của mình. Chỉ vào bàn tay còn băng bó, Hoàng Minh (sinh viên Cao đẳng nghề Buôn Ma Thuột) cho biết: “Phải may 5 mũi, nhưng chưa trúng xương, coi như bài học kinh nghiệm”.

Minh còn tiết lộ, mình bị “nghiện” khi nghe những âm thanh khô khốc của dao nhọn đâm qua kẽ tay, cộng thêm tiếng hô hào cổ vũ của bạn bè càng khiến sự hưng phấn tăng cao. Chính vì vậy, khi không kiểm soát được tốc độ, việc đâm nhầm vào ngón tay, thậm chí bàn tay là chuyện tất yếu.

Cũng như Minh, Thùy An (học sinh lớp 11, Buôn Ma Thuột) cũng thích thú với trò chơi tưởng như chỉ dành cho phái mạnh. Lúc đầu, An chỉ tập bằng bút bi với những tiết tấu chậm và đơn giản, nhưng càng về sau những vật dụng được sử dụng cho trò chơi càng được nâng cấp. Cuối cùng, An thường xuyên sử dụng một con dao sắc nhọn để thực hiện các màn “dao kéo” của mình.

Say mê với trò chơi cảm giác mạnh, trong một lần biểu diễn quá hăng cho bạn bè xem, An đã đâm xuyên ngón tay của mình. Từ đó, mỗi khi thấy dao ,An rất hoảng loạn và sợ hãi, buộc phải đi điều trị tâm lý vì trò chơi dại dột của mình.

Internet ngày càng phát triển, việc du nhập văn hóa từ khắp nơi trên thế giới, các trào lưu mới là điều giới trẻ ai cũng háo hức đón chờ. Tuy nhiên, việc lựa chọn điều để học theo là rất đáng cân nhắc trước, khi đặt cược tính mạng và sức khỏe của mình chỉ vì chạy theo những trào lưu nguy hiểm.

Theo Phan Vi (Công An TPHCM)