Giới trẻ

Giao thừa ám ảnh của nữ sinh trường y

23h45, một bệnh nhân nữa lại vào, sẩy thai, 25 tuần. Một phụ nữ 38 tuổi, lần mang thai thứ 4, lần sinh đầu phải dùng forcep, lần 2 mổ đẻ, lần 3 sinh non cách đây 4 năm...

"Tết vốn phải vui mà… Mà tại sao vẫn nhiều người phải buồn thế…

Tôi vốn thích mùa xuân, thích không khí se se lạnh cùng bạn bè rong ruổi trên các con đường, thích không khí bữa cơm gia đình ấm cúng. Thật ra cũng không có gì thay đổi cả chỉ là năm nay tôi phải trực đêm 30. Cái cảm giác đón giao thừa xa nhà lần đầu hẳn là đặc biệt.

Tôi cứ nghĩ giao thừa ở bệnh viện sẽ vui như các chị kể, ít nhất trừ khoa cấp cứu ra, sẽ được người nhà với nhân viên thân thiện hơn mọi ngày, sẽ nhàn hạ ngủ chờ tới sáng rồi về thôi và tôi nghĩ mình sẽ khóc đấy. Mà rồi cuối cùng tôi cũng thấy mình chẳng có thì giờ mà khóc, cũng chẳng thấy mình không may mắn đến nỗi phải rơi nước mắt.

Giao thừa ám ảnh của nữ sinh trường y
Đón Tết ở bệnh viện, Thanh Thảo thấy không vui như các chị đồng nghiệp kể.

21h, một chị đến khám một mình vì nghi sẩy thai. Chị làm nghề cắt tóc, chậm kinh 2 tháng, 2 ngày qua đã làm việc cường độ cao, thấy ra máu mà rồi phải đến tối khuya mới đi khám được. Kết quả khám là túi thai đã ra đến kênh cổ tử cung, chị yêu cầu làm thủ thuật xong xin về cho kịp giao thừa.

Một phụ nữ xinh đẹp, 2 đời chồng, 6 lần mang thai, 4 đứa con. Thỉnh thoảng con gái lại gọi “Mẹ ơi, mẹ đi khám lâu vậy, mẹ về đi, ở nhà vui lắm...” Nhìn thấy bóng dáng cô đơn quay bước, tôi biết Tết năm nay lại thêm một chút buồn...

23h45, một bệnh nhân nữa lại vào, sẩy thai, 25 tuần. Một phụ nữ 38 tuổi, lần mang thai thứ 4, lần sinh đầu phải dùng forcep, lần thứ 2 mổ đẻ, lần thứ 3 sinh non cách đây 4 năm con sinh được 2 ngày thì mất. Thời khắc giao thừa, chị nằm trên bàn thủ thuật, tôi ở bên cạnh nghe tiếng pháo hoa bên ngoài cùng lúc chị lên cơn co tử cung. Khuôn mặt nhợt nhạt, chị không khóc mà vẫn hỏi: “Em ơi, nếu chị mổ, có giữ được con không...”

Nguyên tắc không để tôi có thể giải thích nhiều hơn, cũng không thể như trong phim mà nói dối được. Lần đầu tiên tôi thấy, gieo hy vọng cho người khác là việc khó làm nhất trong đời, chỉ có thể nắm đôi tay gầy: “Chị đừng lo. Có bọn em ở đây với chị này. Còn có rất nhiều người nữa. Em là sinh viên thôi nhưng giao thừa em vẫn ở đây với chị này...”.

Tôi biết, những lời của tôi chẳng làm chị tốt hơn, chị thì thầm như tự bảo với chính mình: “Chị thấy em bé vẫn đạp này em. Có đạp yếu hơn nhưng con chị vẫn sống...”.

Giày vò trong đau đớn hơn 2h đồng hồ, cuối cùng thai cũng ra. Tôi vốn thích sản, vì thích cái khoảnh khắc thiêng liêng khi em bé chào đời trong sự hạnh phúc của cha mẹ. Mà giờ, khi thấy em bé đỏ hỏn, yếu ớt, mong manh, không thể khóc, khả năng sống vô cùng thấp... đáy lòng trào lên một nỗi đớn đau.

Tôi từng thấy rất nhiều người chết, nhưng là người lớn cơ, họ bị giày vò trong đau đớn bệnh tật, chết đôi khi là giải thoát. Khi vật vã, họ im lìm, tim ngừng đập. Nhìn họ nằm, cảm nhận được làn da lạnh qua lớp găng tay mỏng, đôi khi tôi thấy sự thanh thản. Nhưng cái lúc em bé nhỏ xíu, chỉ khoảng chừng 500g, với đôi tay cũng nhỏ xíu, chới với, sự sống thật sự xa quá…

Sáng mồng 1, tôi chạy xe máy 45 km về nhà trong cơn mưa phùn, suốt chặng đường dài một mình, cảm thấy cô đơn, thấy lung lay “Ước mơ của mày, liệu có thành không Biêng nhỉ… Sao mềm yếu vậy Biêng…”.

Mồng 2 Tết, bé con mới sinh mấy chục ngày gần nhà tôi mất vì suy hô hấp. Cha em bỏ nhà đi với bồ hơn nửa tháng mới về…

Mồng 4 Tết, chị bệnh nhân cũ nhận được thông báo kết quả Test Pap có tế bào ung thư. Một phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi biết bao nhiêu, đã điều trị HIV 10 năm. Con gái chị mới 5 tuổi, một cô bé xinh xắn, thông minh, thấy mẹ khóc cũng khóc theo: “Con học giỏi mẹ có hết bệnh không…”.

Giao thừa ám ảnh của nữ sinh trường y - 1
Thanh Thảo cho hay 23 năm đón giao thừa, chẳng có mấy lần được vui vẻ.

23 cái giao thừa tôi trải qua, chẳng mấy lần là vui vẻ. Lúc nhỏ, vì gia đình nợ nần, mà cái Tết thật thiếu thốn. Đôi khi sắp giao thừa mà vẫn có người vào chửi bới xiết nợ.

Có khi, cha mua vài cái chân giò mà chiều 30 Tết họ cũng vào lấy mất. Có khi cha phải trốn sau nhà, có khi chở tôi sang mộ phần ông bà, cha khóc, tôi nghe tiếng loa thông báo tàu đến ga xa xa trong bóng đêm, đó là âm thanh ám ảnh nhất với tôi đến tận bây giờ. Có giao thừa tôi thấy mẹ tôi giằng co với người ta, bị người ta đánh. Có khi Tết mà cũng chẳng mua nổi đồ cúng, sát giao thừa mẹ vẫn phải đi chạy tiền...

23 tuổi, tôi suy nghĩ rất nhiều về con đường tôi đang đi... Là sinh viên Y5, chúng tôi biết rằng, đã là bác sĩ tới cổ rồi...

Sau 2,5 năm đi lâm sàng bệnh viện, tôi dần mường tượng ra cuộc sống của mình sau này. Đã có những lúc, ngồi miên man tưởng tượng, mình sẽ là một cô bác sĩ nhàn hạ, đi theo một chuyên ngành nhàn hạ, cứ trôi qua ngày tháng một cách nhàm chán như vậy sao. Không trau dồi, ngày càng lỗi thời, bảo thủ với những cái mới mà những lứa em đi sau rất dễ dàng tiếp nhận sao...

Tôi đã đi qua rất nhiều khoa, số người tôi gặp cũng gấp cả trăm lần tổng cả 20 năm trước cộng lại. Con đường tôi đi chẳng mấy bằng phẳng. Có khi thật nản, có khi phải chạy ra cầu thang bộ bệnh viện mà khóc thật to vì bị xúc phạm. Nhưng bù vào đó, tôi cảm thấy tôi học được rất nhiều thứ.

Tôi biết cách ứng xử với hầu hết mọi người, tôi biết hòa mình với các bạn trong tổ, biết lắng nghe và biết chia sẻ. Đã từng 1 quãng, tôi bài xích thái độ ích kỷ của các bạn, nhưng dần quen được,  mà mở lòng, không phải ai cũng sẵn sàng giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn đâu, cũng chẳng thể trách ai vì họ ích kỷ cả.

Những ngày đầu đi bệnh viện, chúng tôi phải học ti tỉ thứ, khó nhất chính là tiếp xúc bệnh nhân. Hầu hết mọi người cự tuyệt sự tiếp xúc của sinh viên thực tập nhưng dần qua đi, tôi lại nghĩ, nếu người nhà mình, mình cũng vậy. Họ dạy cho tôi cần phải kiên nhẫn và chân thành.

Mấy ngày vừa rồi, chưa bao giờ tôi thấy bản thân bất lực đến như vậy. Vốn dĩ tôi có thể lờ đi tất cả mà vui chơi thật thỏa như chúng bạn, vốn dĩ tôi không cần phải quan tâm người ta khổ ra sao.

Nhưng tôi đã từng trải qua cảm giác ngồi trong bóng tối mà nghe người ta nhục mạ cha mẹ mình, đã từng phải nằm trong phòng ốm kiệt sức mà chỉ có một mình, đã từng hy vọng rằng, liệu đoàn tàu kia có dẫn mình đến nơi nào hạnh phúc hơn…

Cuộc đời chèo lái tôi sẽ trở thành một bác sĩ, tôi chẳng muốn là một kẻ nhàn hạ bất lực trước sự sống chết của người khác, tôi chẳng muốn mình là một cô bé mơ mộng về những thứ viển vông như trước. Giống như tôi yêu hoa, tôi thích được chìm đắm trong hương thơm mỗi buổi sớm, nhưng chăm sóc nó thật khó, tôi đã thử, có thành công, cũng gặp nhiều thất bại.

Kiến thức là vô vàn, cô sinh viên Y5 còn nông cạn lắm, chẳng sợ ra trường không có việc làm, chỉ sợ không làm được việc thôi. Con đường tôi đang đi chẳng phải đường thẳng, tôi biết mình phải tự cố thôi…

“Tâm linh vũ trụ được nuôi dưỡng bởi hạnh phúc của con người, bởi cả sự bất hạnh, tị hiềm và ghen tuông nữa. Nhiệm vụ duy nhất của mỗi chúng ta là thực hiện con đường mình đã chọn. Tất cả chỉ là một. Rồi khi anh quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để anh đạt được điều ấy”. (Nhà giả kim – Paulo Ceolho)".

Theo Nguyễn Thị Thanh Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)