Giới trẻ

Gặp gỡ “phượt thủ” đi bộ từ Nam ra Bắc

Có lẽ giờ đây khái niệm “phượt xuyên Việt” đã không còn mới lạ với dân mê dịch chuyển. Nhưng để đủ kiên trì và độ “khùng” để đi bộ dọc đất nước chỉ trong 21 ngày như chàng trai trẻ Ngô Tấn Thanh thì không phải ai cũng dám làm.

Có lẽ giờ đây khái niệm “phượt xuyên Việt” đã không còn mới lạ với dân mê dịch chuyển. Nhưng để đủ kiên trì và độ “khùng” để đi bộ dọc đất nước chỉ trong 21 ngày như chàng trai trẻ Ngô Tấn Thanh thì không phải ai cũng dám làm.


 
 
Rất rất nhiều người trên mạng xã hội đã hỏi Thanh rằng tại sao lại có thể đi bộ từ TP. HCM ra tới thủ đô chỉ trong 21 ngày như vậy, Thanh chia sẻ suốt trong 21 ngày đó, phần lớn thời gian cậu chỉ ăn, ngủ và… đi. Rất ít địa điểm cậu dừng chân lại lâu, trừ những đền tháp hay khu tưởng niệm cậu chưa có dịp thăm qua. Những ngày đầu, do chưa quen nên Thanh chỉ đi được 50km một ngày, sau dần một ngày cậu có thể đi tới 75km, thậm chí 100km. Có những ngày cậu còn di chuyển cả trong đêm, Thanh kể rằng đó là những trải nghiệm hết sức tuyệt vời bởi cậu có thể nhìn thấy cuộc sống về đêm của người dân lao động.

 

 
 
Thanh vui vẻ chìa ra đôi dép - người bạn đồng hành của cậu trên suốt chặng đường gần 2000 cây số. Đôi dép đã bạc màu, đứt quai và được khâu lại nhiều lần, nhưng với Thanh, đây là một “chiến tích” vô cùng đáng tự hào. Làn da đã đen đi nhiều, bàn chân đã phủ những vết chai, ngón chân vẫn chưa kịp hết sưng nhưng với Thanh, “những gì mất đi không đáng gì so với những điều Thanh đã nhận được sau chuyến đi này”. Chàng trai thành thật: “Đã có rất nhiều lần,đặc biệt là trong những ngày đầu tiên mình nghĩ tới chuyện quay lại Sài Gòn, nhưng nhờ có sự động viên của mọi người và cả những lời “khích tướng” của bạn bè nên mình lại đi tiếp. Nhiều khi nghĩ sao mình “khùng” quá vậy, đi thế này về cũng đâu có được gì, nhưng rồi những trải nghiệm dọc đường đã khiến mình “khỏe re” mà đi tiếp”.

 
 
 
 
Tấn Thanh cũng hào hứng chia sẻ lại vô vàn câu chuyện gặp dọc đường, như chuyện cậu bị một “dân anh chị” dọc đường chặn lại xin tiền, cuối cùng lại được người ta chặn xe lại để cậu đi nhờ, rồi lạimóc hết trong túi ra 10 nghìn để cậu mua gì đó ăn dọc đường đi. Thanh cũng nhiều lần dừng lại xin ngủ nhờ nhà người dân, ở đâu cậu cũng được chào đón, nhất là khi cậu dừng lại ở những vùng quê hay khu lao động nghèo. Thì ra tình thương và lòng tốt vẫn luôn hiện diện trong trái tim của mỗi người, chỉ đơn giản là do áp lực của cuộc sống cơm áo quá nặng nề mà đôi khi người ta quên đi mất.

 
 
“Hạnh phúc là khi ta trải nghiệm cuộc hành trình của mình chứ không phải là khi chạm được tới đích”. Tấn Thanh luôn quan niệm như vậy và thực sự đã làm được điều mình muốn. Nhìn chàng trai rắn rỏi hơn, vui tươi hơn sau chuyến hành trình “khác người” của mình, hẳn Thanh đã tìm được câu trả lời cho chính mình. Thanh tâm sự: “Đi để thấy xung quanh mình còn nhiều người đang sống như thế nào, đi để thấy rằng mình còn đủ đầy hơn rất nhiều người khác, để cảm thấy vui hơn và cố gắng để sống tốt hơn. Lúc mình đi chậm lại, dành thời gian ngắm nghía cuộc sống mới thấy rằng những người xung quanh mình dường như quá bận rộn,quá mỏi mệt để mỉm cười, để hạnh phúc. Vậy thì phải nghĩ cách để mình sống chậm hơn mà vui hơn mỗi ngày thôi!”

 
 
Tấn Thanh cũng chia sẻ mình không thích được gọi là một “phượt thủ” mà chỉ đơn giản là “đi bụi” để trải nghiệm và khám phá. Khi được hỏi về những dự định sau chuyến đi, Thanh chỉ cười. Đích đến là Cột cờ Hà Nội – “mục tiêu” của cậu đã hoàn thành, nhưng đối với những người thích dịch chuyển, đâu có chuyến đi nào là chuyến đi cuối cùng. Chỉ là trở về với cuộc sống thực tại, rồi một ngày nào đó lại lên đường…

>> 3 kiểu xuyên Việt được lòng giới trẻ

Theo Diệp Tử (Sống Mới Online)