Giới trẻ

Đường đến Google của cựu học sinh trường chuyên Hà Nội - Amsterdam

Hồ Vĩnh Thịnh đang thực tập tại Google ở Pháp. Chàng trai này cũng nhận học bổng 100% cho chương trình học thạc sĩ tại Đức.

Hồ Vĩnh Thịnh đang thực tập tại Google ở Pháp. Chàng trai này cũng nhận học bổng 100% cho chương trình học thạc sĩ tại Đức.

“Đạt những giải nội bộ của trường Ams, phần thưởng chỉ vài trăm nghìn thôi nhưng như thế là thích lắm rồi nên luôn kích thích mình theo đuổi”, Thịnh nói.

Thịnh từng không được chọn vào đội tuyển quốc gia vì “chưa có phương pháp học nhưng một phần cũng vì ham chơi game”, nam sinh chia sẻ.

Sau đó, liên tiếp các giải thưởng tin học cái tên Hồ Viết Thịnh luôn được xướng lên: Giải ba HAOI (Olympic Tin học mở rộng dành cho các khối chuyên) năm 2008; giải nhì Tin học thành phố Hà Nội hai năm 2008, 2009; giải nhì Olympic Tin học quốc gia 2010.

Duong den Google cua cuu hoc sinh truong chuyen Ha Noi - Amsterdam hinh anh 1

Hồ Vĩnh Thịnh. Ảnh: Tiền Phong.

Sau kỳ thi đại học, Thịnh lựa chọn ĐH FPT sau khi “trượt” ĐH Bách khoa Hà Nội vì chính sách tuyển thẳng học sinh đoạt các giải thưởng thay đổi. Đối với Thịnh, khoảng thời gian học tập tại Đại học FPT là khoảng thời gian đẹp nhất.

Chính khoảng thời gian này, Thịnh đã gặt hái được một số thành công. Với cuộc thi Siêu cúp Tin học, Thịnh khiến nhiều đối thủ nể phục với “mưa” thành tích: Cúp vàng năm 2014; cúp đồng năm 2013; cúp bạc các năm 2010, 2011.

Tại cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC, Thịnh và đồng đội cũng liên tiếp gặt hái những thành công: Đạt giải nhất quy mô toàn quốc các năm 2011- 2014; năm 2013 đạt giải nhì khu vực châu Á; năm 2014, Thịnh và đồng đội có mặt tại vòng chung kết thế giới được tổ chức tại Nga.

Thịnh cho biết những giải thưởng này được đánh giá rất cao bởi các nhà tuyển dụng. Đặc biệt là ACM, đây là một chứng chỉ có giá trị rất lớn khi nộp hồ sơ vào các Cty công nghệ.

“Việc CV có đề cập tới ACM đã giúp mình rất nhanh vượt qua vòng lọc hồ sơ ứng viên tại Google”, Thịnh nói.

Sau khi tốt nghiệp ĐH FPT, Thịnh học thạc sĩ tại Đức. Muốn thử sức nên cậu nộp đơn xin thực tập tại Google. Google có vòng lọc hồ sơ ứng viên, hầu hết đều bị từ chối từ vòng này, chỉ một phần rất nhỏ được chọn để phỏng vấn.

Các ứng viên qua thêm hai vòng nữa thì được nhận thực tập. Sau kỳ thực tập, một đợt đánh giá năng lực diễn ra. Nếu muốn làm việc tại Google, ứng viên phải qua vòng này và Google sẽ  giữ vị trí của ứng viên cho đến khi họ tốt nghiệp.

Thịnh cho biết việc đi làm ở Google một phần để tăng kinh nghiệm, một phần để thử thách trong môi trường một công ty lớn. Tháng 9 này, Thịnh sẽ kết thúc kỳ thực tập tại Google.

“Về lâu dài, mình muốn học tiếp lên tiến sĩ, sau đó sẽ quay về Việt Nam làm việc. Làm việc ở Google dẫu sao cũng là một thương hiệu để sau này tìm việc dễ hơn”, Thịnh nói.

Theo Nghiêm Huê (Tri Thức Trực Tuyến)