Giới trẻ

Dòng chữ cuối trên tấm bảng tin của ban giám hiệu khiến tất cả bật cười thích thú

Tấm bảng hài hước thu hút hàng nghìn lượt thích.

Khác với thường lệ, tấm bảng không thông báo về các hoạt động văn – thể - mỹ của trường mà tập trung nhắc nhở các em học sinh về… những cây xoài.

"Các em học sinh chú ý: Hiện nay, xoài trong trường còn quá nhỏ. Các em giữ gìn. Không hái, không ném. Khi nào lớn, chín hẵng hái".

Thay vì cấm đoán, các thầy cô chọn cách nhắc nhở nhẹ nhàng và ủng hộ "ngầm" cho học sinh ăn quả "nhà trồng được". Chẳng thế mà nhiều người để lại bình luận thích thú phía dưới tấm ảnh.

Dòng chữ cuối trên tấm bảng tin của ban giám hiệu khiến tất cả bật cười thích thú

Nhiều thanh niên bồi hồi nhớ lại thuở còn đi học, đồ ăn "nghiêm chỉnh" bán trong các hàng quán có khi không ngon bằng quả xoài vặt trộm. Và không biết từ bao giờ, vặt trộm trái cây trong trường trở thành niềm vui không thể thiếu mỗi dịp hè về của học trò.

"Trường có 2, 3 cây nhãn sum sê quả. Tụi mình ra sức vặt dù biết chẳng bao giờ ăn hết. Bác bảo vệ kêu cây xịt thuốc sâu mà cuối cùng cây vẫn trụi", tài khoản Truong Duc Anh nhớ lại.

"Trường cấp 3 của mình có hẳn nội quy cấm leo trèo, hái cây trong trường mà đến mùa xoài, đứa nào đứa nấy đều cao hứng vặt trộm", một người khác bình luận.

Được biết bảng tin dễ thương này nằm trong khuôn viên trường THPT Trần Phú, xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Chủ nhân bức ảnh cho hay thông báo này xuất hiện cách đây 2 năm và gắn với kỉ niệm mùa kỉ yếu.

"Chiều hôm đó, lớp mình đi trang trí lớp để chụp ảnh kỉ yếu. Hội con gái vào phòng bảo vệ trộm cây chổi quét mạng nhện để chọc xoài. Thầy hiệu phó với hiệu trường đi qua trông thấy và sáng hôm sau có luôn bảng này", Phương Thảo, chủ nhân bức ảnh, thuật lại.

Dòng chữ cuối trên tấm bảng tin của ban giám hiệu khiến tất cả bật cười thích thú - 1
Phi vụ vặt trộm xoài của các cô nàng lớp Phương Thảo

"Thầy hiệu trưởng trường mình luôn như vậy - đáng yêu mọi lúc, mọi nơi. May mà thầy không ghi từ địa phương vào tấm bảng trên, nếu không người vùng khác khó hiểu được. 

Nếu ‘dịch’ theo tiếng Hà Tĩnh, sẽ là: Dừ xoài trong trường đưng nhỏ, các em giữ gìn, không bít, không ném. Khi mô lớn, chín hẵng bít", cô gái dí dỏm.

Theo Duy Nam (Soha/Trí Thức Trẻ)