Giới trẻ

Điều gì đằng sau 2 clip sốc "giáo viên cung bọ cạp" và đánh ghen "lịch sự"?

Chỉ trong vòng 2 ngày, cư dân mạng trong nước đã dậy song với 2 đoạn clip “hot”. Đầu tiên là một đoạn clip về vụ đánh ghen có sự tham gia của cả ba bên, với một người chồng bênh bồ. Sau đó là 1 ngày là đoạn clip quay được cảnh một cô giáo ngoại ngữ vứt bỏ hết chuẩn mục sư phạm trong cư xử với học sinh.

Chỉ trong vòng 2 ngày, cư dân mạng trong nước đã dậy song với 2 đoạn clip “hot”. Đầu tiên là một đoạn clip về vụ đánh ghen có sự tham gia của cả ba bên, với một người chồng bênh bồ. Sau đó là 1 ngày là đoạn clip quay được cảnh một cô giáo ngoại ngữ vứt bỏ hết chuẩn mục sư phạm trong cư xử với học sinh. Hiểm họa gì ẩn chứa đằng sau những sự kiện này?
Về vụ cô giáo ngoại ngữ, có thể nói đây không phải tác phong của một nhà giáo. Những lời nói này vượt xa cung cách một nhà sư phạm có thể phô bày. Vốn dĩ cô giáo này đã khá nhiều tai tiếng, nên cách cư xử này càng làm dậy sóng dư luận.
 
Tuy nhiên, nếu đưa ra một cuộc khảo sát “Đã bao giờ thầy cô giáo mắng chửi bạn chưa?” hoặc "Đã bao giờ thầy cô mất bình tĩnh?" thì chắc phải đến 90% sẽ không ngần ngại tick vào ô “Có.” Đặc biệt, những người ở lứa tuổi đầu 9x trở về trước, nơi quyền lực của thầy cô là bất khả xâm phạm – và quan trọng hơn, mạng Internet và công nghệ số chưa phổ biến – thì việc một tuần thực mục sở thị vài màn “diễu võ dương oai” của các thầy cô là chuyện…bình thường.
 

Clip mạt sát học sinh của cô giáo ngoại ngữ. Nguồn: youtube

 
Thậm chí vụ đánh ghen ầm ĩ gần đây, tiếp nối cho vô vàn vụ đánh ghen khác được quăng lên mạng Internet để người xem tha hồ bình phẩm, đánh giá, cũng phần nào đó hứng chịu những búa rìu dư luận theo cách tương tự. Trên thực tế, những vụ đánh ghen xảy ra đầy rẫy, và bạn có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi. Nhưng giờ đây, những nhân vật chính xuất hiện trong đoạn video được lan truyền sẽ trở thành những cái gì đó gớm ghiếc hoặc kỳ dị, hơn hẳn một ông A bà B nào đó ở khu phố bên cạnh choảng thẳng cán chổi lau nhà vào mặt vợ/chồng.
 
Chúng ta có thể thấy gì đằng sau những clip phô bày cái tối tăm khắp các nẻo cuộc sống? Sự suy đồi đạo đức? Cũng có thể. Nhưng nếu để chỉ ra một vấn đề cần lưu tâm nhất, thì đó chính là sự bùng nổ của mạng Internet và những công cụ thông tin hỗ trợ. Mục đích của Internet sinh ra không phải nhằm mục đích tạo ra những hiện tượng này, nhưng những công dụng của nó thì gián tiếp gây ra những điều ta đang thấy. Và những hệ lụy đó là cái mà chúng ta cần quan tâm.
 

Người liên quan và người thân sẽ nghĩ gì với những hình ảnh này? Ảnh: cắt từ clip

 
Như đã đề cập đến bên trên, chắc chắn những sự việc như cô giáo chửi mắng học sinh hay đánh ghen giữa vợ chồng không phải chưa từng xảy ra, nhưng do thời gian trước khả năng lưu truyền còn bị hạn chế nên những vấn đề này mới thực sự bùng nổ gần đây. Điều đó, mặt tích cực là phô bày những xấu xa để cảnh báo mọi người; nhưng mặt tiêu cực thậm chí còn nhiều hơn.
 
Ví dụ, vụ việc đánh ghen kia vốn là chuyện cá nhân, nhưng giờ dã trở thành một cái gì đó vô cùng nóng bỏng để cộng đồng mạng xâu xé. Và rồi như nhiều sự kiện trước, chỉ ngày một ngày hai là cư dân mạng sẽ quên lãng cái scandal nho nhỏ này. Thế nhưng gia đình của những người trong cuộc thì không. Hãy thử tưởng tượng, vào một ngày của vài năm sau, khi những đứa con của các nạn nhân tìm thấy đoạn video đáng xấu hổ về cha mẹ mình, chúng sẽ nghĩ sao? Thậm chí không cần lâu đến như thế, ngay từ bây giờ, những đứa trẻ ấy bị bạn bè, người xung quanh dè bỉu, chỉ trỏ vì những việc vốn không phải lỗi của mình, chúng sẽ nghĩ sao? Đó là mặt trái kinh khủng mà Internet đem đến.
 
Chúng ta có thể nhìn nhận một cách xa hơn một vụ đánh ghen hay scandal giáo viên-học sinh. Đó là việc bất cứ ai, bất cứ chuyện gì cũng có thể được đưa lên Internet, sau đó bị thổi phồng và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Những câu chuyện đó không phải chưa bao giờ xảy ra, nhưng với thái độ phán xét của một đám đông khổng lồ, bất cứ chuyện nào cũng sẽ bị mổ xẻ và nhìn nhận với nhiều góc nhìn trái chiều, trong đó sự tiêu cực chiếm không ít.
 
Ẩn đằng sau tấm mặt nạ mạng, không ai có thể biết bạn là ai. Vì vậy bạn được quyền thỏa thuê nói ra bất cứ những gì mình muốn, thậm chí điều đó chưa chắc đã đúng sự thật. Nhưng bạn không quan tâm những người trong cuộc, những người liên quan mật thiết đến người trong cuộc, sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn hàng loạt những bình luận không mấy hay ho (và không chắc đã chuẩn xác) về bản thân hay người thân của mình. Và rồi những hệ quả sau đó ai sẽ gánh chịu? Chắc chắn là không phải bất kỳ ai trong “cộng đồng mạng” rồi.
 
Ta đang đứng chênh vênh trên một vách núi với cái miệng rộng ngoác của con quái vật được tạo nên từ những hệ quả khôn lường của Internet. Điều gì có thể ngăn chặn điều này?
 
Không, không điều gì có thể. Đó là hệ lụy, là sản sinh tất yếu của một bước phát triển trong thời điểm công nghệ chiếm lĩnh dần cuộc sống. Thứ duy nhất chúng ta có thể làm đó là hãy tỉnh táo nhìn nhận trước mọi vấn đề chứ đừng để bị đánh lừa bởi thói quen của số đông. Và đừng quên tập cách nghĩ phải chịu trách nhiệm trước lời nói bản thân, ngay cả đó là một lời nói trên mạng. Là như vậy đấy.
 
>> Cô giáo cung Bọ Cạp: Chỉ nói là vô học thì "có gì đâu mà ghê"
>> Cô giáo trung tâm ngoại ngữ Lê Na: Học viên cũng đã nhắn tin doạ bắt cóc con tôi
>> Nhiều học trò cũ chia sẻ về cô giáo ngoại ngữ: Cô cá tính mạnh nhưng giỏi và có tâm
 
Theo Kim Ngọc (Depplus.vn/MASK Online)