Giới trẻ

Cuộc sống của một ngôi sao livestream ở Trung Quốc

Nói dối tuổi, làm việc 10 tiếng mỗi ngày, phẫu thuật thẩm mỹ vì áp lực trẻ trung là cuộc sống Fan - ngôi sao live stream người Trung Quốc.

Fan không làm trong ngành đầu tư ngân hàng, cũng không phải trong công ty khởi nghiệp. Cô là một người nổi tiếng trên mạng Internet, kiếm sống nhờ quà tặng ảo từ người hâm mộ theo dõi Fan truyền hình trực tuyến (live stream) cảnh ca hát, ăn uống, theo SCMP.

Để níu chân người hâm mộ, Fan nói dối mình mới có 23 tuổi và đi phẫu thuật thẩm mỹ để giữ gìn nhan sắc. Ngày nào cô cũng làm việc 10 tiếng, thậm chí còn bận hơn vào cuối tuần. Tết Nguyên đán, Fan chỉ nghỉ ba ngày. Sau phẫu thuật, cô chỉ có hai tuần nghỉ ngơi, rồi lại tiếp tục làm việc.

Cuộc sống của một ngôi sao live stream ở Trung Quốc

"Tuổi tác, khuôn mặt và thể hình là ba yếu tố chính tạo nên thành công cho nữ MC trực tuyến", Fan nói. "Dù nỗ lực thế nào chăng nữa, nghề này cũng chỉ đạt đỉnh cao được 5 năm".

Ngành công nghiệp live stream trên Internet ở Trung Quốc đang bị theo dõi chặt chẽ sau hàng loạt vụ bê bối. Sự kiện mới nhất là trẻ vị thành niên đã xem trực tuyến cảnh Wu Yongning, một ngôi sao Internet chuyên thực hiện các pha mạo hiểm, rơi từ trên nóc nhà tầng 62 và tử vong.

Trong nghề này, càng thu hút nhiều chú ý đồng nghĩa với việc có thêm nhiều tiền "boa" từ người hâm mộ, cũng như thu nhập từ quảng cáo và tài trợ. Một số MC đã hành động cực đoan để tăng thêm sự chú ý, dù hành động đó đe dọa tới tính mạng.

Điện thoại di động, chiếc máy dùng để truyền hình trực tuyến của Wu, đã ghi lại những hình ảnh cuối đời của anh. Nếu thành công, Wu sẽ kiếm được 15.000 USD từ một nhà tài trợ. Bình luận về cái chết của Wu, Fan nói đó là giá phải trả cho một số người làm nghề này.

"Mọi người có xu hướng làm những việc thỏa mãn tính hiếu kỳ của khán giả. Đó là một phần lý do sau cái chết của Wu", cô nói.

Cuộc sống của một ngôi sao livestream ở Trung Quốc
Wu Yong-ning bất chấp tính mạng trên những độ cao nguy hiểm. Ảnh: 163.com.

Cái chết của Wu khiến truyền thông Trung Quốc cảnh báo cần giám sát chặt chẽ hơn các ứng dụng phát truyền hình trực tuyến.

"Một số người thích làm những điều khiêu khích hoặc nguy hiểm với mục đích thu hút sự chú ý và kiếm tiền từ đó", trích bản tin của China Daily, tờ báo của ban tuyên giáo đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cạnh tranh

Vào khung giờ cao điểm trong ngày, có hơn 100 nền tảng phát sóng trực tuyến hoạt động ở Trung Quốc. Công ty tư vấn Credit Suisse của Thụy Sĩ ước tính thị trường live stream của Trung Quốc sẽ đạt doanh thu 5 tỷ đôla trong năm nay, gần bằng doanh thu phòng vé của các rạp chiếu phim ở Mỹ năm ngoái với 5,8 tỷ USD. Doanh thu ở thị trường Trung Quốc tăng cao bởi ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc thích sử dụng các chương trình giải trí tiện lợi mà điện thoại thông minh đem tới do không cần phải ra khỏi nhà.

Áp lực mà Fan cảm nhận là điển hình cho cộng đồng live stream ở Trung Quốc, nơi có 3,5 triệu người chuyên nghiệp và bán chuyên cạnh tranh lẫn nhau trong thị phần 350 triệu người xem trên điện thoại di động.

Việc làm của Fan có lẽ không đe dọa tính mạng, nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe.

"Gương mặt đẹp, thân hình hấp dẫn không còn là yếu tố đủ nữa. Khi tôi bắt đầu làm nghề live stream năm 2015, không có nhiều người cạnh tranh như bây giờ. Không phải ai có điện thoại thông minh cũng làm được live stream, vì bạn chỉ có một phút, có khi chỉ vài giây, để gây ấn tượng và thu hút khán giả mới", Fan nói.

Fan trước đây hay thức khuya để làm live stream, khung giờ có nhiều người xem nhất là từ 20h tối đến 12h trưa. Nhưng sau cuộc phẫu thuật thẩm mỹ hồi đầu năm, Fan đã thay đổi giờ làm việc, chỉ thực hiện hai buổi live stream mỗi ngày, một vào 10h và một vào 20h.

Ngày nào cô cũng dậy từ 9h, làm việc tới tận nửa đêm, mỗi buổi phát sóng dài chừng 5-6 tiếng. Những việc hậu cần như làm tóc, trang điểm, thay quần áo, cũng mất thêm hai giờ nữa. Fan cũng cần tải ảnh mới lên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, để duy trì giao lưu với gần 350.000 người hâm mộ; và khoảng 40.000 người nữa trên Huajiao, một ứng dụng live stream.

"Tôi đang cố tìm hướng kiếm tiền mới, thay đổi nghề nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Tôi đã đầu tư vài khoản vào nhà hàng và đang nỗ lực để người hâm mộ trên Weibo chấp nhận tôi với tư cách là blogger thời trang", Fan bày tỏ.

Cuộc sống của một ngôi sao livestream ở Trung Quốc - 1
Fan Fan luôn xuất hiện trong vẻ ngoài sành điệu, trẻ trung, để giữ vững lượng người hâm mộ. Ảnh: SCMP.

Đa số người hâm mộ của cô trên Weibo là nữ, yêu thích thời trang. Họ cũng trung thành hơn những người hâm mộ là nam giới, Fan nói.

Live stream kiếm tiền triệu mỗi năm là tiêu đề thường thấy trên các báo Trung Quốc (1 triệu nhân dân tệ tương đương 152.000 USD). Tuy nhiên, chỉ số ít người có thu nhập ở mức này. Hồi tháng 5, trung tâm nghiên cứu của công ty công nghệ Tencent đã khảo sát 4.500 người làm nghề live stream ở Trung Quốc và phát hiện chỉ 5% số này có thu nhập hơn 10.000 tệ một tháng (1.520 USD), trong khi 70% cho biết kiếm được chưa tới 100 tệ (15,2 USD) một tháng.

Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)