Giới trẻ

Cô gái Việt đi 14 quốc gia với ước mơ thay đổi giáo dục

Tự nguyện ở trại tị nạn nước ngoài, đến những vùng xung đột Hồi giáo, ước mơ góp phần phát triển giáo dục của Tường Vy ngày càng lớn.

Tự nguyện ở trại tị nạn nước ngoài, đến những vùng xung đột Hồi giáo, ước mơ góp phần phát triển giáo dục của Tường Vy ngày càng lớn.

“Để thực hiện ước mơ, tôi cần trải nghiệm thế giới nhiều hơn. Không có tiền, tôi quyết định nộp đơn vào các chương trình quốc tế và học bổng được đài thọ 100% dù biết tốn rất nhiều công sức và thời gian để cạnh tranh với hàng chục nghìn hồ sơ trên thế giới”, Vy nói.

Đặt chân tới 14 quốc gia và những trải nghiệm ở trại tị nạn

Năm 2011, khi đang học ở Đại học Mở TP HCM, Tường Vy trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất tham dự hội nghị thượng đỉnh về Đổi mới giáo dục quốc tế tại Qatar. Sau lần đó, cô nộp đơn và trúng tuyển nhiều chương trình hội thảo, tình nguyện quốc tế. Riêng năm 2013, cô xuất ngoại sáu lần tới Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản.

 Tường Vy chia sẻ về chuyến đi đến trại tị nạn của người Myanmar.

Tốt nghiệp đại học, cô gái sinh năm 1990 làm biên dịch viên ở hai công ty nhưng vẫn không ngừng ước mơ làm giáo dục và tiếp tục đăng ký ứng tuyển nhiều chương trình, học bổng, bên cạnh việc dành dụm tiền để thực hiện những chuyến phượt nước ngoài. Khi chuyện đi nước ngoài và việc làm công sở lấn át lẫn nhau, cô nghỉ việc để không đánh rơi cơ hội đến Philippines, Ấn Độ, Mỹ, Azerbaijan..., tổng cộng 14 quốc gia.

“Tôi đi với tâm thế tìm tòi chứ không phải hưởng thụ. Tôi thích đến nơi nguy hiểm như trại tị nạn hay những vùng xung đột Hồi giáo ở một số quốc gia”, Vy thông tin và cho biết thêm chính chuyến đi vào trại tị nạn của người Myanmar đã giúp cô có cái nhìn sâu sắc hơn về giáo dục.

Trong 5 năm tham gia các khóa học ngắn hạn ở nước ngoài, Tường Vy quen rất nhiều người, trong đó có anh bạn Myanmar - một trong những người đầu tiên vào trại tị nạn ở dọc biên giới Thái Lan - Myanmar. Nhờ đó, khi Vy chia sẻ ý định vào sống vài ngày trong trại tị nạn, anh đã đồng ý giúp đỡ. Và bằng cách nào đó cùng một chút may mắn, cô được ở trong trại tị nạn bốn ngày.

Ở nơi nội bất xuất ngoại bất nhập, Vy đã nhìn ra những chuyện khác hoàn toàn với tưởng tượng ban đầu. “Tôi cứ nghĩ chỉ người tị nạn mới vào trại tị nạn. Nhưng thực tế, nhiều bạn có nhà ở thành phố Yangon, trung tâm kinh tế Myanmar, cũng vào đó. Tôi hỏi họ chui vào nơi khổ sở như vậy để làm gì?", Vy chia sẻ.

Sau khi tìm hiểu, Vy được biết nền giáo dục Myanmar bị kiểm soát rất chặt từ giáo viên, sách vở đến chương trình học nên học sinh cảm thất ngột ngạt và muốn vào trại tị nạn để được học kiến thức từ nước ngoài bởi ở đây có giảng viên tình nguyện đến từ New Zealand hay Australia. Giáo trình cũng được nước ngoài tặng. Từ đó, họ có thể học hỏi kiến thức trên thế giới và họ chấp nhận sống khổ sở trong trại tị nạn để được làm điều đó. Vy cho rằng nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng có khát khao học tập mạnh mẽ như vậy.

Cũng trong những ngày ở Myanmar, cô gái Khánh Hòa có dịp biết đến mô hình giáo dục do nhà sư dạy trong chùa. Ở đất nước này, các bạn nghèo hay mồ côi được sư nhận nuôi và dạy học miễn phí. Học trong chùa với sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các bạn biết thế nào là tranh luận, tư duy phản biện, giáo dục giới tính trong khi kiến thức và kỹ năng đó không được dạy chính quy ở trường.

"Từ những gì đã trải qua, tôi nhận ra có rất nhiều phương pháp giáo dục không phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tài chính hay xuất thân, cũng không phụ thuộc vào trường học chính quy. Tôi muốn việc học ở Việt Nam cũng đa dạng như vậy để ai cũng có cơ hội học theo cách của họ”, Vy bày tỏ.

Từ bỏ cơ hội làm ở Liên Hợp Quốc, khởi nghiệp với trung tâm tiếng Anh

Đầu năm 2016, Tường Vy được giới thiệu vào làm việc ở Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ở Campuchia, nhưng cô đã rút đơn để dành tâm huyết cho dự án giáo dục của mình. “Một công việc lương cao không phải mục tiêu nghề nghiệp cuối cùng của tôi. Điều quan trọng nhất là thứ tôi làm có giá trị gì cho cộng đồng, bất kể tôi mang tiếng ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, Vy thẳng thắn chia sẻ.

co-gai-viet-di-14-quoc-gia-voi-uoc-mo-thay-doi-giao-duc

Tôn Nữ Tường Vy nói chuyện với người dân Myanmar trong trại tị nạn dọc biên giới Thái Lan - Myanmar Ảnh: Heather

Sau quyết định đó, đến tháng 4/2016, Vy mở một số lớp dạy tiếng Anh ở TP HCM nhưng không đơn thuần chỉ để dạy tiếng Anh. Bằng những trải nghiệm thực tế ở nước ngoài, cô đã thiết kế các lớp học mới lạ với những hoạt động khơi dậy sự tò mò cho học viên, rèn luyện cho các em khả năng tư duy phản biện và tôn trọng sự khác biệt, đa dạng trong một thế giới phẳng như hiện nay.

Cô gái Khánh Hòa cho rằng học trong trường hay bất kỳ trung tâm nào đều có ngày kết thúc, điều quan trọng nằm ở bản thân người học. Cô muốn phát triển khả năng tự học, xây dựng văn hóa học tập suốt đời cho giới trẻ Việt Nam. Vy rất vui khi nhắc tới một số học viên tham gia học tập ở trung tâm đã mạnh dạn xin tạm nghỉ ở trường để tạo nhóm học độc lập, một số khác đang chán nản với việc học đã quay lại trường và học hành nghiêm chỉnh hơn.

Ngoài việc dạy học, Vy đã lấy những trải nghiệm, ghi chép của mình về hành trình học hỏi "ngoài vùng an toàn" để viết cuốn du ký đầu tay Bên kia ranh giới - Cánh cửa nào cần mở với chìa khóa giáo dục?

“Tôi không định trở thành nhà viết sách chuyên nghiệp nhưng muốn đem những trải nghiệm đến nhiều người hơn”, Vy bày tỏ và cho biết đang viết tập hai của cuốn sách này với tựa đề Phía sau những cuộc chiến. Bản thân Vy cũng yêu thích việc đọc. Cô sở hữu hơn 1.000 cuốn sách và luôn coi đó là tài sản đáng quý.

Đầu tháng 9/2017, Vy được chính phủ Anh trao học bổng toàn phần Chevening sau hai lần chưa thành công. “Tôi đã trượt rất nhiều chương trình quốc tế và học bổng nhưng không bỏ cuộc. Tôi tin nếu kiên trì với mục tiêu học hỏi về xã hội - giáo dục ở nước ngoài, sẽ có ngày thần may mắn mỉm cười với mình”, Vy nói.

Tường Vy sẽ có một năm học chương trình thạc sĩ giáo dục và phát triển quốc tế tại University College London (UCL) trước khi quay trở về làm giáo dục ở Việt Nam. "Mọi người đang quá phụ thuộc vào bằng cấp và trường học. Sau khi ở Anh về, tôi hy vọng hỗ trợ được các nhóm tự học và những gia đình dạy con tại gia, mở ra môi trường mới cho những phương pháp giáo dục thay thế hiếm có ở Việt Nam", Vy chia sẻ hoài bão của mình.

Theo Dương Tâm (VnExpress.net)