Giới trẻ

Chàng trai Huế giả ăn xin để thử lòng người nghèo và cái kết đầy nước mắt

Dân mạng lặng mình suy ngẫm trước cái kết "thử lòng người nghèo" của chàng trai giả ăn xin.

Đã bao giờ bạn “buộc tội” nhân cách của ai đó vì dáng vẻ nghèo khó, lam lũ bên ngoài? Nhiều người đã phải lặng mình trước cái kết "thử lòng người nghèo" của chàng trai giả ăn xin.

Đoạn clip khiến nhiều người lặng mình suy ngẫm

Ngày nay, cuộc sống bộn bề, toan tính với không ít những sự việc đau lòng về sự vô cảm của con người, về cướp giật, lọc lừa, từ bao giờ người nghèo khổ thường bị ngầm mặc định là những người đáng ngờ nhất.

Có lẽ vì trong suy nghĩ của nhiều người, "bần cùng sinh đạo tặc", những người thiếu thốn vật chất, túng quẫn sẽ dễ làm liều, hành động sai trái.

Thế nhưng, những ai đã từng có suy nghĩ buộc tội, nghi ngờ nhân cách ai đó vì dáng vẻ lam lũ, nghèo khó bên ngoài của họ sẽ phải giật mình khi xem đoạn clip do một chàng trai người Huế thực hiện.

Chàng trai này đã hóa trang thành một thanh niên nghèo khổ, rách rưới với khuôn mặt chằng chịt vết sẹo do mắc bệnh nan y. Không có tiền nên phải nhịn đói nhiều ngày liền, anh buộc phải đi xin và tìm đến những người lao động nghèo khổ, người ăn xin cao tuổi để xin tiền mua thức ăn.

Và cái kết của đoạn clip khiến nhiều người không cầm được nước mắt vì xúc động. Dù bản thân còn tất bật mưu sinh, chạy cơm từng bữa nhưng những cụ già ăn xin, những phụ nữ bán hàng rong vẫn sẵn sàng "nhường cơm, sẻ áo" cho chàng thanh niên tội nghiệp có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Chàng trai Huế giả ăn xin để thử lòng người nghèo và cái kết đầy nước mắt
Những gì được xem trong đoạn clip khiến dân mạng giật mình suy ngẫm

Khoảnh khắc những tờ tiền ít ỏi, nhàu nát chỉ 2000-5000 đồng, hay cái bánh, hộp gà rán được những người ăn xin nghèo khổ san sẻ cho anh chàng đã khiến nhiều người xúc động và lặng người suy ngẫm nếu đã từng có ý nghĩ đánh giá người khác qua vẻ ngoài khốn khó.

Chàng trai Huế giả ăn xin để thử lòng người nghèo và cái kết đầy nước mắt - 1

"Không phải người Huế mà tôi vẫn cảm thấy ấm lòng, xã hội còn quá nhiều người quá tốt. Ôi Việt Nam quê tôi!"; "Video thật ý nghĩa, cảm ơn anh đã mang lại cho chúng tôi một câu chuyện ý nghĩa về giá trị của cuộc sống ngày nay"; hay "Một người cứng rắn như tôi mà xem đến một nửa video này đã không cầm được nước mắt. Mặc dù thiếu thốn về vật chất nhưng họ lại ấm áp về tinh thần. Cầu chúc mọi điều tốt đẹp sẽ đến với họ!"...là những bình luận của dân mạng sau khi xem đoạn clip.

Sống chậm lại và bớt đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài

Đó chính là thông điệp mà đoạn clip "thử lòng người nghèo" muốn gửi gắm. Xã hội ngày càng phát triển cuốn theo mọi thứ cũng đều gia tăng tốc độ. Từ đồ ăn nhanh đến việc đánh giá người khác rất nhanh. 

Đôi khi chỉ cần nhìn lướt qua nhiều người đã tự tin rằng mình hiểu được một con người, một sự việc, một tình huống.

Nhưng Đoạn video hơn 10 phút do chàng trai Lê Quang Huy, sinh năm 1994, quê ở Thừa Thiên Huế thực hiện đã cho thấy không phải lúc nào những phán đoán, đánh giá đó cũng chính xác. 

Để làm được clip này, Quang Huy cùng những người bạn của mình đã lên ý tưởng, hóa trang thành một người nghèo khổ với ngoại hình rách rưới và rong ruổi trên các tuyến đường của thành phố Huế để tìm gặp những người ăn xin, cầu mong họ san sẻ tình thương.

Chàng trai Huế giả ăn xin để thử lòng người nghèo và cái kết đầy nước mắt - 2
Cái kết của clip khiến không chỉ người xem mà cả Quang Huy và những người thực hiện không cầm được nước mắt.
Chàng trai Huế giả ăn xin để thử lòng người nghèo và cái kết đầy nước mắt - 3
Huy Lê - 9x Huế đóng giả người ăn xin để thử lòng những người nghèo

Được biết, khi anh chàng xin tiền những cụ già ăn xin, họ sẵn sàng san sẻ một số tiền nhỏ có khi chỉ vừa mới xin được từ người khác, không quên kèm theo những lời hỏi thăm, chia sẻ.

Tất cả họ đều là những người lao động, da sạm, tay chai, những người ăn xin khốn khổ, nhưng họ đều rất đẹp. Vẻ đẹp ấy không phải từ ngoại hình mà toát lên từ chính tâm hồn và tấm lòng nhân ái.

Với họ, cái "được", cái "lời" lớn nhất là tình thương, nụ cười của số phận còn kém may mắn hơn mình. Sự lan tỏa niềm vui chính là món quà quý giá nhất dành cho họ.

Chàng trai Huế giả ăn xin để thử lòng người nghèo và cái kết đầy nước mắt - 4
Đừng lấy hoàn cảnh làm tiêu chuẩn đánh giá một con người.

Quả thật, trong cuộc sống, bất cứ ai cũng có thể tìm được niềm vui, hạnh phúc đơn giản mà ý nghĩa nhất. Đó là sự cho đi!

Không đơn thuần là vật chất hay tiền bạc, sự cho đi có thể chỉ là tấm lòng thấu hiểu và cảm thông với những người kém may mắn hơn mình. Khi chúng ta cho đi mà không cần nhận lại, ta đã chiến thắng sự ích kỷ của chính mình.

Ngày nay, giữa nhịp sống bộn bề, bon chen, những truyền thống, đạo lý làm người cũng bị xoay vần. Con người đôi khi trở nên vô tình với người khác, để "mạnh ai nấy lo, phải ai tai nấy".

Nhưng thông qua đoạn clip trên, ta hiểu rằng cuộc sống vốn không có gì là tuyệt đối, vẫn còn những trái tim đang cất lên tiếng nói yêu thương, đang lắng mình để đồng cảm và sẻ chia.

Theo Ngân Hà (Soha/Trí Thức Trẻ)